Nhiều trưởng làng dâng hương tại lễ húy kỵ vua Gia Long

Ngày 10-1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với UBND TP Huế tổ chức lễ húy kỵ 203 năm ngày mất Hoàng đế Gia Long.

Các trưởng làng cùng lãnh đạo Trung tâm Di tích Cố đô Huế tiến vào dâng hương tại lễ húy kỵ vua Gia Long

Các trưởng làng cùng lãnh đạo Trung tâm Di tích Cố đô Huế tiến vào dâng hương tại lễ húy kỵ vua Gia Long

Buổi lễ diễn ra tại Di tích lăng Thiên Thọ theo nghi thức của triều Nguyễn xưa với hương án, đội lễ nhạc. Buổi lễ có sự tham gia của các vị trưởng làng là những ngôi làng trước đây có công xây dựng Kinh thành Huế xưa như làng Thế Lại Thượng, Kim Long, An Cựu, Phú Xuân, Xuân Hòa, Tây Lộc, Hương Long, Kim Long, Hương Thọ, Thủy Xuân, Phú Dương, Thủy Bằng, Định Môn, Dương Xuân Hạ, Dương Nổ, Cư Chánh và Gia Hội (đều thuộc Thừa Thiên - Huế).

Hoàng đế Gia Long tên húy là Nguyễn Phúc Ánh. Ông sinh năm 1762; mất ngày 3-2-1820, nhằm ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão.

Triều đại Gia Long chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam (năm 1804). Năm 1805, ông cho xây dựng hệ thống kinh thành Huế và nay được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thuộc cụm Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Nghi lễ hiệp kỵ Vua Gia Long và Vua Hàm Nghi tại Thế Tổ miếu vào sáng 10-1

Nghi lễ hiệp kỵ Vua Gia Long và Vua Hàm Nghi tại Thế Tổ miếu vào sáng 10-1

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, lễ kỷ niệm là dịp để các thế hệ hôm nay dâng hương, tưởng nhớ Hoàng đế Gia Long nói riêng và các vị vua triều Nguyễn nói chung đã để lại cho Huế những di sản vô giá, trong đó có nhiều di sản đã được tôn vinh, khai thác và phát huy giá trị hiệu quả trong phạm vi quốc gia, khu vực và trên thế giới.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-truong-lang-dang-huong-tai-le-huy-ky-vua-gia-long-post675211.html