Nhiều trường 'làng' ở Nghệ An đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT
Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nhiều lớp học trường 'làng' ở miền núi Nghệ An đạt thành tích cao. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vươn lên đạt thành tích học tập tốt thật đáng trân quý.
NDĐT - Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nhiều lớp học trường “làng” ở miền núi Nghệ An đạt thành tích cao. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vươn lên đạt thành tích học tập tốt thật đáng trân quý.
Trường THPT Đặng Thúc Hứa ở xã Võ Liệt – một vùng nông thôn còn nhiều khó khăn là một trong những trường “làng” ở huyện miền núi Thanh Chương có nhiều lớp và nhiều học sinh thi đạt số điểm cao. Đầu tiên phải nói đến lớp 12A có 17 em học sinh đạt điểm xét tuyển các khối A, A1, B từ 25 điểm trở lên. Các em: Trần Phan Anh Tâm 27,5 điểm (khối A), Võ Phan Thùy Linh 26,85 điểm (khối A1), Nguyễn Sỹ Kiên 26,25 điểm (khối B). Nhiều em đạt điểm toán, lý, hóa từ 9,6 đến 9,75 điểm. Điểm trung bình khối A của lớp là 23,95, khối A1 25,63, khối B 24,96.
Kế đến lớp12C có 10 em đạt trên 25 điểm trong số 27 em học sinh điểm xét tuyển khối C đạt trên 20 điểm. Ba em có điểm cao nhất: Nguyễn Thị Hoài Thương và Nguyễn Thị Hồng Ngọc đều 27,25 điểm; Phan Thị Thanh Hoài 27 điểm.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 12C, cô Nguyễn Thị Tâm cho biết: Lớp 12C có 38 em học sinh, đầu vào năm lớp 10 không cao, có em còn “đỗ vớt”. Phần lớn học sinh trong lớp là con em nông dân, trong đó quá nửa thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Nhưng các em vẫn nỗ lực vượt khó, chăm học. Tiêu biểu như các em: Phan Thị Tình, Hoàng Văn Sáng ở xã Thanh Long. Riêng em Tình mẹ bị bệnh hiểm nghèo, điều kiện gia đình khó khăn, nhưng vẫn đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn địa lý, điểm thi THPT là 25,5 điểm.
Đất học Thanh Chương còn có lớp 12A, Trường THPT Thanh Chương 1, khi 22 học sinh đạt trên 25 điểm xét tuyển các khối thi, chín em đạt trên 27 điểm. Điểm trung bình xét tuyển khối A của lớp là 25,11, khối A1 là 25,34, khối B là 25,40. Trong lớp nhiều em là tấm gương vượt khó học giỏi; Tiêu biểu như em Nguyễn Văn Hưng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm nông nghiêp nuôi mấy chị em ăn học nhưng em vẫn nỗ lực đạt được thành tích cao, có điểm thi khối A đứng đầu trường.
Ngược lên Trường THPT Cờ Đỏ ở huyện miền núi Nghĩa Đàn có lớp 12C đã làm nổi bật thành tích của trường miền núi này. Lớp có 33 học sinh thì có đến 27 em đạt trên 20 điểm. Trong đó: 10 em đạt trên 24 điểm, sáu em đạt 25 điểm và một em đạt 27,5 điểm. Điểm thấp nhất từ 16,5 đến 19 điểm. Trong lớp có em Phan Thị Ánh Hồng đạt điểm cao nhất lớp, cũng là một trong 12 thí sinh của tỉnh cao nhất khối C với 27,5 điểm chưa cộng điểm ưu tiên...
Ngoài ra, còn nhiều trường làng khác ở xứ Nghệ có nhiều học sinh đạt kết quả vào tốp đầu của tỉnh và cả nước trong Kỳ thi THPT 2019 này. Đó là lớp 12A4 trường THPT Quỳnh Lưu 4 có hai em học sinh: Đào Thị Trà Giang và Bùi Thị Mai Sương đều đạt 9,5 điểm môn văn. Đây là hai trong 17 thí sinh của cả nước có điểm môn Văn cao nhất. Hay lớp 12A1 trường THPT Yên Thành 2 có tám học sinh đạt trên 24 điểm. Đặc biệt có em Trương Tuấn Khang với 27,75 điểm là học sinh có điểm thi khối A đứng đầu tỉnh và em Nguyễn Văn Tuấn với 27,1 điểm là học sinh đạt điểm khối B cao thứ hai tỉnh. Đây là thành tích nổi bật ở một trường làng quê lúa xứ Nghệ.
Nhiều em học sinh người dân tộc thiểu số ít người ở miền núi rẻo cao Nghệ An cũng đã vượt khó vươn lên trong học tập và thi đạt kết quả cao. Tiêu biểu có em Lục Thị Doanh, người dân tộc Thái ở xã Nghĩa Đức, huyện miền núi Nghĩa Đàn trở thành thí sinh đứng đầu khối C của trường THPT dân tộc nội trú Nghệ An số 2 khi đạt kết quả 27,75 điểm (trong đó môn Ngữ văn 9.25 điểm, môn Lịch sử: 9.00 điểm, môn địa lí: 9.5 điểm). Em Và Y Pà - nữ sinh người dân tộc Mông ở xã biên giới Nhôn Mai, huyện 30a Tương Dương, một trong những xã nghèo nhất Nghệ An thi đạt 26,5 điểm…
Để có thành tích tốt trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019, trước hết là ý thức học tập, tinh thần vượt khó của các em học sinh. Ngoài việc nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, các em còn tự tìm tòi tài liệu trên mạng để học nâng cao; tích cực làm bài tập khó; siêng luyện đề thi; mạnh dạn thi thử để lấy kinh nghiệm làm bài... Tiếp đó là sự quan tâm của nhà trường, của tổ nhóm chuyên môn trong việc lên kế hoạch, định hướng ôn tập; giáo viên bám sát việc rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh, tổ chức thi thử nhiều lần với những đề thi được đầu tư cao về chất xám; thực hiện chia nhóm trong lớp để học, thi, tạo nên không khí thi đua sôi nổi giữa các nhóm, qua đó các em cũng có thể giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau để tiến bộ nhanh hơn.