Nhiều trường ở Hà Nội lên phương án ứng phó COVID-19 khi đón học sinh trở lại
Học sinh đi học trở lại trong khi ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao đòi hỏi các trường tại Hà Nội phải chuẩn bị kế hoạch, lên phương án ứng phó để các em đến trường được an toàn.
Trường học lên phương án ứng phó
Tại trường Dewey Schools, nhà trường đã thành lập Ủy ban an toàn phòng chống dịch COVID-19, nhằm đảo bảo mọi khâu đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, giám sát chặt chẽ. Học sinh được kiểm tra thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào trường.
Tùy vào nhiệt độ cơ thể của học sinh (trên hay dưới 37,5 độ), nhà trường sẽ có hướng dẫn phù hợp. Việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách được đảm bảo tuyệt đối trong trường học.
Nhà trường đã lên 6 kịch bản ứng phó đã được tập luyện từ trước để giáo viên, nhân viên nắm rõ các quy tắc và xử trí trong bất cứ trường hợp có F0 ở trường học.
Hiện tại, 100% giáo viên đủ điều kiện sức khỏe đã tiêm đủ 2 mũi; với các giáo viên chưa tiêm đủ sẽ chỉ dạy trực tuyến ở nhà.
Ở Trường tiểu học Kim Giang, cô Ngân Bình cho hay: "Học sinh được đến trường trực tiếp là mong mỏi lớn của phụ huynh và nhà trường. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các con và giáo viên là trách nhiệm mà nhà trường phải tính toán kĩ".
Ngoài việc phải chia ca sáng/chiều để giãn cách, riêng học sinh lớp 1 do còn bỡ ngỡ nhưng bố mẹ không được vào trường nên nhà trường phải làm thẻ cho từng học sinh để giáo viên đưa vào lớp.
"Đặc biệt, chúng tôi phải đầu tư nâng cấp đường truyền và thiết bị để sẵn sàng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến", cô Bình nói.
Trong khi đó, trường tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa), lực lượng kỹ thuật được huy động kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng. Đường truyền mạng cũng được nâng cấp để dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến ở tất cả các lớp học. Trước đó, trường đã phun khử khuẩn, lau dọn bàn ghế sạch sẽ. Chỉ còn một số trang thiết bị y tế phải mua bổ sung như que xét nghiệm (test), máy đo nồng độ ô xy trong máu… Trường này có khoảng 3.100 học sinh với 64 lớp do đó khâu chuẩn bị cũng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn.
Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết các trường phải xây dựng kế hoạch, diễn tập tất cả các tình huống có thể xảy ra theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Do học sinh tiểu học chưa tiêm vắc xin nên có một số ý kiến băn khoăn, các trường được yêu cầu tổ chức họp phụ huynh lấy ý kiến cũng như trao đổi kế hoạch dạy học trực tiếp để có sự thống nhất, phối hợp phòng chống dịch. Phụ huynh đi làm, con đi học phải cam kết phương châm “một cung đường hai điểm đến”, đồng thời tự nâng cao ý thức phòng chống dịch cho cả gia đình để hạn chế tối đa ca mắc.
Về phía trường học, trong giai đoạn này được yêu cầu chuẩn bị dạy song song trực tiếp và trực tuyến. “Nếu giáo viên là F0, nhà trường sẽ phân công giáo viên dự trữ vào dạy thay hoặc chuyển lớp học sang ca khác để có giáo viên khối khác tăng cường. Phương án cuối cùng, hiệu trưởng hoặc hiệu phó sẽ phải đứng lớp để đảm bảo việc học không bị gián đoạn”, bà Thủy nói.
Làm gì khi phát hiện học sinh nghi mắc COVID-19?
Theo TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khi phát hiện có học sinh nghi mắc COVID-19 trong lúc dạy học trực tiếp, học sinh đó sẽ được di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.
Nhà trường khai thác việc tiếp xúc của học sinh này trước đó, thông báo phụ huynh và tham vấn ý kiến y tế địa phương. Học sinh nghi mắc COVID-19 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Trường hợp phát hiện ca mắc COVID-19, giáo viên cần chuyển học sinh này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để ngay lập tức cùng xử lý.
Đối với lớp có F0, tất cả học sinh ngồi tại chỗ. Toàn bộ học sinh được test kháng nguyên nhanh, lấy mẫu gộp. Sau đó, trường cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ phòng học. Những học sinh không phải là F1, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.
Trường hợp học sinh là F1, các em ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7; nếu kết quả âm tính, các em được đi học trở lại. Học sinh F1 chưa tiêm vaccine cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13.
Đặc biệt, theo TS Dương Chí Nam, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD&ĐT, có thể điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả học sinh là F1, kể cả đã tiêm vaccine hay chưa tiêm.