Nhiều trường tổ chức thi riêng, đa dạng phương thức xét tuyển

Cho đến nay, nhiều trường đã công bố phương án, chỉ tiêu tuyển sinh, các phương thức xét tuyển. Một điều đáng chú ý là nhiều trường ĐH tốp đầu sẽ tổ chức kỳ thi tuyển riêng.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (ảnh minh họa, chụp trước ngày 27.4.2021)

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (ảnh minh họa, chụp trước ngày 27.4.2021)

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến năm học 2021-2022 gặp vô vàn khó khăn. Ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện phương châm “Dừng đến trường nhưng không dừng học”. Đến thời điểm này, các trường phổ thông cơ bản kết thúc học kỳ I và các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) khởi động mùa tuyển sinh cho năm học mới.

Hầu hết các trường đã công bố phương án tuyển sinh. So với các năm trước, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022 có nhiều điều chỉnh, thay đổi. Đáng chú ý là nhiều trường tổ chức thi riêng, đa dạng phương thức xét tuyển, thêm nhiều tiêu chí phụ, nhưng với quan điểm tránh gây áp lực, tăng thêm cơ hội cho thí sinh, hướng tới sự đánh giá toàn diện nhằm lựa chọn được những thí sinh phù hợp với các ngành nghề đào tạo.

Năm 2022, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ tiếp tục thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ, phải tổ chức tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng; đổi mới công tác tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính công khai, minh bạch; chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Cho đến nay, nhiều trường đã công bố phương án, chỉ tiêu tuyển sinh, các phương thức xét tuyển. Một điều đáng chú ý là nhiều trường ĐH tốp đầu sẽ tổ chức kỳ thi tuyển riêng. Trên cơ sở kinh nghiệm đã có, ĐHQG Hà Nội vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, ước tính sẽ có 16 đợt thi cho khoảng 70.000 lượt thí sinh, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8.2022 tại các địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An và cả một số tỉnh phía Nam để thu hút thí sinh ở các địa phương này.

Các trường ĐH trên cả nước có thể tham khảo để sử dụng kết quả trong xét tuyển. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, đơn vị có kỳ thi đánh giá năng lực quy mô hằng năm với hàng chục ngàn thí sinh của cả nước vẫn duy trì kỳ thi đánh giá năng lực bằng việc phối hợp với các trường trong và ngoài hệ thống tổ chức các điểm thi ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đắk Lắk và dự kiến mở rộng quy mô ra khu vực phía Bắc.

Khác với các kỳ thi trước, năm nay, đề thi đánh giá năng lực sẽ tích hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực như tiếng Việt, văn học, tiếng Anh tổng quát, toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề từ đó đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh.

Trường ĐHBK Hà Nội cũng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy với tỷ lệ xét tuyển 60% - 70% tổng chỉ tiêu. Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Kỳ thi là căn cứ để xét tuyển đầu vào hướng đến việc tuyển chọn được những thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo cụ thể của một số ngành.

Thí sinh có thể đăng ký một hoặc một số bài thi gồm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, tiếng Anh… để xét tuyển vào các ngành học khác nhau. Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức, có thể thi 3-4 đợt để lấy kết quả cao nhất xét tuyển, đợt đầu tiên vào tháng 2, sau kỳ nghỉ tết nguyên đán.

Cùng với việc tổ chức thi riêng, nhiều trường cũng đa dạng hóa phương thức xét tuyển và có thêm nhiều tiêu chí phụ. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh sử dụng 4 phương thức xét tuyển.

Ở phương thức xét tuyển - tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển chiếm khoảng 25% chỉ tiêu. Ưu tiên những thí sinh đạt giải kỳ thi Olympic Tin học, Olympic phần mềm mã nguồn mở, kỳ thi lập trình châu Á - ICPC Asia cấp quốc gia, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia…

Đặc biệt, lần đầu tiên xét tuyển thẳng những thí sinh tài năng thể thao, đạt huy chương vàng/bạc/đồng các giải thể thao quốc tế. Tất cả những thí sinh thuộc diện này phải có điểm trung bình học tập THPT theo tổ hợp môn xét tuyển từ 7.0 trở lên.

Trường ĐHBK TP. Hồ Chí Minh vẫn sử dụng các phương thức tuyển sinh như các năm trước nhưng theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh bao gồm năng lực học tập, năng lực hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu (của hiệu trưởng các trường THPT), phỏng vấn, đánh giá qua video giới thiệu bản thân của thí sinh và các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế.

Trường ĐH Ngoại thương đưa ra 5 phương thức xét tuyển: xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ), chứng chỉ quốc tế kết hợp với kết quả học tập, chứng chỉ quốc tế kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT, dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐHQG và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, quan tâm đến các tiêu chí khác như năng lực hoạt động xã hội, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, tham gia các chiến dịch tình nguyện.

Năm 2022, Trường ĐH KHXH - NV TP. Hồ Chí Minh dành khoảng 60% chỉ tiêu xét kết quả đánh giá năng lực, ưu tiên cho các thí sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh, thành phố. Trường chú trọng các tiêu chí về thành tích hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng, thành tích về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh dự kiến xét tuyển theo 6 phương thức, trong đó, phương thức chủ đạo là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực với khoảng 40% - 70% chỉ tiêu. Chú trọng những thí sinh đạt loại giỏi lớp 10, 11, 12 và những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 trở lên.

Năm nay cũng là năm đầu tiên Trường ĐHSPKT TP. Hồ Chí Minh sử dụng kết quả kỳ thi đánh gia năng lực của ĐHQG Thành phố, nhưng phải đạt từ 700 điểm trở lên. Một số trường khác như ĐH Việt - Đức, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tổ chức kỳ thi riêng và đưa thêm nhiều tiêu chí xét tuyển cho phù hợp với đặc trưng ngành nghề đào tạo…

Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhiều trường mở thêm nhiều ngành mới theo kiểu đa ngành, liên ngành, không đi vào chuyên môn hẹp mà giúp người học có tư duy, phương pháp, cách thức tiếp cận để sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi, học một ngành có thể làm nhiều nghề, một nghề có thể nhiều người ở những ngành khác nhau cùng làm việc theo xu hướng chung của thế giới như Trường ĐHCN Thành phố mở thêm các ngành: Tài chính quốc tế, Quản trị sự kiện, Quản lý tài nguyên - môi trường, Truyền hình, Digital Marketing… Trường ĐH KT - TC Thành phố mở thêm các ngành Quản trị văn phòng, Kiểm toán, CN Tài chính, Kiểm toán quốc tế, Quản trị sự kiện...

Với phương án tuyển sinh đã công bố, một điều dễ nhận thấy là các trường tốp đầu xét tuyển theo hướng đánh giá toàn diện, tuyển dựa trên năng lực nổi trội của thí sinh, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ “chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển”.

Và thực tế cho đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 có bao nhiêu môn thi, với hình thức nào, thời gian nào… vẫn còn tùy thuộc vào diễn biến, cách thức và thực tế phòng, chống dịch Covid-19 mặc dù từ tháng 10.2021, Bộ đã công bố phương án thi tốt nghiệp.

Theo đó, kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2021, tăng cường phân cấp cho các tỉnh, thành chủ trì tổ chức tại địa phương theo khung thời gian do Bộ quy định; nôi dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, không bao gồm các nội dung tinh giản…

Các chuyên gia khuyến cáo, trước hết, các em cần tập trung cao độ hoàn thành chương trình lớp 12, nắm chắc những phần được học để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiều trường giảm tỷ lệ xét kết quả thi tốt nghiệp nhưng đây vẫn là phương thức xét tuyển của rất nhiều trường; những kinh nghiệm từ thi tốt nghiệp cũng rất bổ ích cho kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Cần lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp và nên đăng ký nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để tăng khả năng trúng tuyển. Trong điều kiện dịch bệnh khó lường, hầu hết các trường sẽ áp dụng tư vấn tuyển sinh online, nhập học trực tuyến, nên nghe kỹ, tìm hiểu thêm thông tin về ngành, trường mình chọn, nếu có điều kiện tham khảo các anh chị đi trước để có những đánh giá khách quan khi quyết định nộp hồ sơ.

Cũng nên xem xét trong các tiêu chí ưu tiên do các trường đưa ra, mình có được những tiêu chí nào về thành tích học tập, các giải thưởng, các loại huy chương, các chứng chỉ ngoại ngữ… để tận dụng “thế mạnh” đó.

Có thể thử sức với các ngành học mới chứ không nên tập trung vào các ngành hot truyền thống. Điều quan trọng nhất, đáng lưu ý nhất là cần đọc kỹ các quy định về các phương thức xét tuyển, những quy định bắt buộc, những tiêu chí phụ… để tránh nhầm lẫn, mất cơ hội trúng tuyển.

Để tránh nhầm lẫn, sơ suất đáng tiếc khi lựa chọn nguyện vọng hay thay đổi nguyện vọng cần lưu ý 3 nguyên tắc: ưu tiên ngành học thích nhất, ưu tiên trường ĐH phù hợp nhất và ưu tiên xét điểm tổ hợp có điểm thi cao nhất. Việc chọn ngành học chính xác, phù hợp là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp bạn đủ kiên nhẫn và yêu thích để hoàn thành những năm học ĐH và cho lộ trình, tương lai nghề nghiệp sau này…

D.M

Có thể nói rằng, năm học này, học sinh lớp 12 đứng trước áp lực rất lớn của kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Em L.S.T. ở cùng khu phố tôi cho thổ lộ: “Em lo lắm, từ đầu năm đến nay chỉ học trực tuyến, có những môn em không tập trung được, do đó, không yên tâm với kết quả học tập. Mong sao dịch bệnh được đẩy lùi, em được học trực tiếp để còn hỏi thầy cô. Đọc những thông tin về tuyển sinh ĐH, CĐ, em như lạc vào “ma trận”, chưa biết lựa chọn ngành gì, trường nào và phương thức xét tuyển ra sao…”.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhieu-truong-to-chuc-thi-rieng-da-dang-phuong-thuc-xet-tuyen-a140826.html