Nhiều tuyến đường ở Lục Ngạn bị ngập do mưa lớn

Trận mưa lớn xảy ra vào đầu giờ chiều ngày 8/6 trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) làm nhiều tuyến đường, ngầm tràn ở một số xã bị ngập nước, khiến các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn.

ĐT 289, đoạn qua thôn Bến Huyện, xã Nam Dương bị ngập nước.

ĐT 289, đoạn qua thôn Bến Huyện, xã Nam Dương bị ngập nước.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trận mưa lớn không có thiệt hại về người, cây trồng, nhà cửa song nhiều tuyến đường ở các xã: Phong Minh, Sa Lý, Sơn Hải, Tân Lập, Đèo Gia bị chia cắt cục bộ. Nhiều đoạn đường nước dâng cao đến 1 mét.

Ghi nhận vào lúc 17 giờ chiều 8/6, trên tuyến ĐT289 (đoạn qua thôn Bến Huyện, xã Nam Dương), nước vẫn còn ngập sâu khoảng 40-50 cm. Nhiều phương tiện giao thông di chuyển khó khăn. Chị Nguyễn Thị Lan, người dân xã Nam Dương cho biết: “Đoạn đường này thấp, trũng, hai bên đường người dân tân đất làm nhà nên hễ trời mưa là lại bị ngập nước”.

Trước diễn biến thời tiết, UBND huyện Lục Ngạn đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chủ động ứng phó với mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông báo kịp thời đến nhân dân, chủ các phương tiện giao thông đường thủy, chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối biết diễn biến mưa lũ để chủ động biện pháp phòng tránh, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Kiểm soát việc đi lại của người dân tại các ngầm, tràn, các đoạn thường xuyên bị ngập nước, bến đò để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, ngầm, tràn, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Chính quyền cấp xã và ngành liên quan chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hầm lò, khu khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; chủ động vận hành bơm tiêu, tránh ngập úng cục bộ để bảo vệ sản xuất, nhất là các khu dân cư; kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để kịp thời vận hành khi có lũ lụt xảy ra.

Tin, ảnh: Quang Huấn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/385174/nhieu-tuyen-duong-o-luc-ngan-bi-ngap-do-mua-lon.html