Nhiều tuyến đường tại miền Trung chưa thể lưu thông do mưa lũ

Đợt lũ vừa qua tại miền Trung quá bất ngờ và quá lớn gây hư hỏng, ách tắc nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Tại một số nơi vẫn còn mưa, khối lượng sụt lở lớn khiến công tác tiếp cận và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Chiều qua (22/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp thị sát hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hư hỏng các quốc lộ qua Huế, Quảng Trị.

Đoàn trực tiếp kiểm tra hiện trường toàn tuyến QL1, QL49 (Thừa Thiên-Huế), QL9 (Quảng Trị), các tuyến đường HCM nhánh Tây, đường HCM nhánh Đông...

Trời không còn mưa nặng hạt, nước lũ rút, không còn tình trạng ngập nhưng xe cộ chưa thể đi lại thông suốt do nhiều vị trí trên các tuyến quốc lộ bị hư hại, sạt lở taluy dương, taluy âm, xói lở mố trụ cầu, nền đường....

Quốc lộ 9 từ Đông Hà lên thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa) có 19 vị trí sạt lở taluy âm, 92 vị trí sạt lở taluy âm, 16 vị trí gây tắc giao thông.

Riêng tại "điểm nóng" Km 45, Km 50+200, lực lượng chức năng đang nỗ lực dọn khối lượng lớn đất đá tràn lấp mặt đường. Vị trí sạt taluy dương, xói lở hàm ếch đang được rào chắn, có thể sẽ kè thêm rọ đá...

Đặc biệt, dọc tuyến đường HCM nhánh Tây qua Quảng Trị, đoàn công tác Bộ GTVT ghi nhận gần chục điểm sạt lở taluy dương đang tắc đường.

Hệ thống giao thông dọc miền Trung bị hư hỏng nặng nề, sạt lở mái ta luy gây tắc đường nghiêm trọng. Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Hệ thống giao thông dọc miền Trung bị hư hỏng nặng nề, sạt lở mái ta luy gây tắc đường nghiêm trọng. Ảnh: Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Theo ước tính, chỉ riêng tổng kinh phí khắc phục thiệt hại bước 1 lên đến hơn 250 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thực hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT tải báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính bố trí kinh phí khẩn cấp khoảng 100 tỷ đồng cho các đơn vị thực hiện bảo đảm giao thông bước 1 trên các tuyến quốc lộ.

Thông tin đến phóng viên sáng nay (23/10), ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, nhờ sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị chức năng, một số "điểm nóng" sạt lở tại các tuyến quốc lộ, đường HCM nhánh Tây, đường Trường Sơn Đông... trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cơ bản khắc phục.

Các đơn vị cũng phối hợp triển khai các bước rào chắn, cảnh giới, bố trí người phân luồng, điều tiết giao thông; đồng thời huy động nhân vật lực, thiết bị tiến hành hót sụt đất đá tràn lấp mặt đường, rãnh dọc để thông xe; ngăn ngừa phát sinh hư hỏng, đảm bảo giao thông bước 1.

Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị hư hại nặng sau lũ. Ảnh: Phúc Đạt

Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị hư hại nặng sau lũ. Ảnh: Phúc Đạt

Riêng tại địa bàn Thừa Thiên Huế hiện tại vẫn đang mưa, khối lượng sụt lở lớn và đang diễn biến phức tạp, công tác tiếp cận và xử lý rất khó khăn, nguy hiểm. Đặc biệt tại tuyến QL49, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh này vẫn đang bị sạt lở taluy dương, gây tắc đường nhiều điểm.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khó khăn nhất hiện nay 4 tỉnh miền Trung đều bị ngập lụt, đặc biệt những nơi bị ngập úng và sụt lở đường giao thông thì thiệt hại rất nặng nề giao thông bị chia cắt, nhiều điểm chưa thể vào để đo đạc tính toán mức độ thiệt hại. Cùng với đó rất khó khăn về nhân lực và vật lực nên phải huy động từ các tỉnh khác đến, không huy động được tại chỗ.

Đáng lo ngại, do mưa bão kéo dài, đất đã ngâm nước nên khối lượng sụt lở lớn khiến công tác tiếp cận và xử lý rất khó khăn và nguy hiểm. Hiện các đơn vị chức năng vẫn đang đang tích cực triển khai, tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn và dân sinh.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-tuyen-duong-tai-mien-trung-chua-the-luu-thong-do-mua-lu-20201023084718445.htm