Nhiều vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Công chứng
Bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 đã và đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Tại Nhà Quốc hội, ngày 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Cần thiết ban hành dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ đã xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và trình Quốc hội dự án Luật này.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc ban hành dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là rất cần thiết.
Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đều thể hiện rõ và thống nhất định hướng này; một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng.
Để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.
Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới như số lượng công chứng viên (CCV) và tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) đều tăng đáng kể; chất lượng đội ngũ CCV ngày càng được nâng cao; quy mô, hoạt động của các TCHNCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân.
Hoạt động công chứng đã bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, bên cạnh kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp; chất lượng đội ngũ CCV chưa đồng đều, một bộ phận CCV còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề; việc phát triển TCHNCC tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển...
Ngoài ra, ngày 14/8/2023, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã ban hành Kết luận số 2034/KL-UBPL15 về Phiên giải trình về “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, trong đó đã đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về công chứng.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.