Nhiều vấn đề quan trọng đã được 'bắt mạch', 'cho thuốc' chính xác

Góp về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, điểm nổi bật của nhiệm kỳ này là trong lãnh đạo chính trị, Trung ương đã 'điểm' đúng, trúng những vấn đề quan trọng, bức thiết của đất nước.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình). Ảnh: PV

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình). Ảnh: PV

Chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Văn kiện).

Nhìn chung, các đại biểu đều đồng tình, nhất trí với các nội dung quan trọng được nêu trong Văn kiện. Nội dung Văn kiện đã thể hiện được bao quát, toàn diện tình hình, kết quả đạt được trong giai đoạn 5 năm, 10 năm gần đây, cũng như đã nêu bật được cơ đồ của đất nước sau 35 năm đổi mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện hơn các nội dung của Văn kiện.

Nhiều nét mới trong phát triển kinh tế

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), trong nhiệm kỳ vừa qua, cách thức phát triển kinh tế đã có những nét mới thực sự. Đó là, tổ chức nền kinh tế đi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, áp dụng công nghệ. Hệ thống internet trở thành công cụ tự học phương tiện giáo dục, giao tiếp hết sức hiệu quả. Qua đó, chúng ta bắt kịp nhanh chóng những sự thay đổi khi dịch bệnh xảy ra, khi điều hành trực tuyến các hội nghị quốc tế lớn như AIPA, Quốc hội tiến hành họp trực tuyến…

Về bảo vệ chủ quyền, đại biểu cho rằng đối ngoại bảo vệ chủ quyền đạt kết quả rất đáng mừng. Khi tình hình căng thẳng xảy ra ở Biển Đông, hoạt động đối ngoại đã đi đúng hướng phù hợp. Nhờ sự đúng đắn trong đường lối quốc ngoại, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực. Đây là hướng đi đúng mà chúng ta cần tiếp tục để giữ được hòa bình và chủ quyền, an ninh.

Trong chống tham nhũng, đại biểu cũng đánh giá chúng ta đã làm đước những điều trước đây chưa từng làm được, dù hết sức khó khăn, nhưng qua đó đã khôi phục được niềm tin của nhân dân. "Qua công cuộc chống tham nhũng, niềm tin nhân dân tăng lên rất nhiều" - đại biểu nói.

Hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua cũng có những đổi mới rất mạnh mẽ, đi theo hướng phát huy vai trò của các đại biểu, phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, để từ đó Quốc hội có thể đóng vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất.

Chất lượng học tập chính trị cần được xem lại

Góp về công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, điểm nổi bật của nhiệm kỳ này là trong lãnh đạo chính trị, Trung ương đã "điểm" đúng, trúng những vấn đề quan trọng, bức thiết của đất nước.

Cụ thể, Trung ương đã ban hành nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó tập trung chống tự diễn biến, suy thoái. Trung ương cũng đã bàn về 2 nghị quyết lớn là Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 về tinh giản bộ máy, biên chế, là vấn đề rất quan trọng cần tập trung giải quyết tốt. "Trong giai đoạn trước, cũng tương tự như tình hình đầu tư công, bộ máy biên chế diễn ra cơ chế xin - cho, xin biên chế, bộ máy mới. Dẫn đến trong một thời gian dài chúng ta không kiểm soát được bộ máy biên chế, tổng cục nọ, cơ quan kia ra đời rất dễ" - đại biểu Bùi Văn Phương nói.

Một vấn đề nữa được đại biểu nêu ra là việc chấn chỉnh và đưa ra các quy định, quy chế về kiểm soát quyền lực như quy trình kiểm soát cán bộ, quy trình chống chạy chức chạy quyền. "Từ những vấn đề lớn đặt ra, cho thấy trong nhiệm kỳ này Trung ương đã "bắt mạch" và "cho thuốc" đúng đắn. Nhiều vấn đề bức xúc, cấp thiết đã được Trung ương nhìn nhận và tập trung chỉ đạo" - đại biểu tỉnh Ninh Bình nhận xét.

Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Văn Phương cũng nêu lên vấn đề tồn tại cần được xem xét kỹ lưỡng, đó là việc học tập lý luận chính trị hiện nay. Theo đại biểu, chất lượng tổ chức lớp học còn nhiều mặt hạn chế, nhiều người đi học cho đủ điều kiện, không nhằm mục đích học đến nơi đến chốn để trang bị tầm nhìn về lý luận, từ đó trong lãnh đạo chỉ đạo giải quyết được những vấn đề cuộc sống đặt ra.

"Nhiều trường khả năng đào tạo có hạn, nhưng số lớp mở rất nhiều, dưới nhiều hình thức khác nhau, chất lượng nói thật là… rất kém" - đại biểu nhận xét và cho rằng, điều này đang trở thành hệ lụy khi cán bộ Đảng viên không hiểu lý luận đến nơi đến chốn, nên không lãnh đạo, chỉ đạo, giải thích được nhiều vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra. Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm hơn đến chất lượng học tập chính trị, chấn chỉnh tình trạng đi học chỉ để lấy bằng.

Mục tiêu xây dựng đội ngũ tư pháp liêm chính

Từ góc độ khác, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chỉ ra một trong những điểm mới đặc biệt của văn kiện lần này là đặt ra yêu cầu xây dựng nền tư pháp, đội ngũ tư pháp đảm bảo sự liêm chính. Theo đại biểu, đây là lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng đặt ra yêu cầu về tính liêm chính của đội ngũ tư pháp, thể hiện một bước tiến mới trong tư tưởng của Đảng về xây dựng đội ngũ tư pháp.

Để làm được điều này, đại biểu cho rằng trước hết phải đảm bảo tính tuân thủ pháp luật trong mọi lĩnh vực. Công việc của đội ngũ công chức tư pháp luôn phải đối diện nguy cơ có thể dẫn đến sai phạm, tiêu cực, bẻ cong công lý, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.

Do đó đại biểu cho rằng, mục tiêu này là hoàn toàn đúng đắn và bày tỏ mong muốn mục tiêu phải được thể hiện đúng tầm, để tránh được những vụ việc gây ra dư luận trái chiều, xuất phát từ những hệ lụy trong hoạt động tư pháp, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. "Nhiệm vụ của tư pháp là bảo vệ công lý thì cũng phải bảo vệ niềm tin của công dân vào hệ thống tư pháp vì đó là nền tảng của xã hội" - đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-11-10/nhieu-van-de-quan-trong-da-duoc-bat-mach-cho-thuoc-chinh-xac-94976.aspx