Nhiều vụ án tham nhũng liên quan cán bộ cấp cao, cử tri băn khoăn pháp luật 'chưa đủ sức răn đe'

Thanh tra Chính phủ cho biết pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng, tùy từng mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự

Trong kiến nghị gửi đến Thanh tra Chính phủ (TTCP) trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri băn khoăn rằng Luật Phòng, chống tham nhũng chưa đủ sức răn đe, khi liên tục có nhiều vụ án tham nhũng được thanh tra, truy tố với số tiền thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, đặc biệt nhiều vụ án có liên quan đến cán bộ cấp cao của Nhà nước.

Cử tri kiến nghị đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời có giải pháp quyết liệt, tăng chế tài hơn nữa nhằm ngăn chặn có hiệu quả; nhất là các vụ án gây thất thoát lớn...

Vụ án liên quan công ty Việt Á gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: Nam Anh

Vụ án liên quan công ty Việt Á gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: Nam Anh

Trả lời về vấn đề này, TTCP nhấn mạnh pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng, người có hành vi tham nhũng tùy từng mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Dẫn quy định pháp luật hiện hành, TTCP nêu rõ người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Người tham nhũng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp người tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.

Bên cạnh đó, người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc; với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật còn quy định xử lý các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

TTCP cho biết riêng đối với hành vi tham nhũng, ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về các tội phạm tham nhũng. "Việc xử lý với các hành vi này theo quy định pháp luật hiện hành rất nghiêm khắc và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân người có hành vi vi phạm. Một số hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình..."- TTCP khẳng định.

Theo cơ quan thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tạo bước chuyển biến rõ rệt.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-vu-an-tham-nhung-lien-quan-can-bo-cap-cao-cu-tri-ban-khoan-phap-luat-chua-du-suc-ran-de-196240905085129755.htm