Nhiều vụ bạo lực học đường do trẻ không tìm được người tin tưởng để chia sẻ
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, một số vụ việc bạo lực học đường đáng tiếc xảy ra thời gian qua phần lớn nạn nhân không chia sẻ, không lên tiếng, các em không tìm được người tin cậy để có thể nói ra vấn đề mình đang gặp phải.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe thể chất và tâm thần của nạn nhân. Ông Đặng Hoa Nam, Cục Trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường khiến không chỉ phụ huynh mà toàn xã hội lo ngại. Là người làm công tác quản lý về lĩnh vực trẻ em, đồng thời cũng là một phụ huynh, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Ông Đặng Hoa Nam: Bạo lực học đường trong thời gian vừa qua diễn biến khá phức tạp. Theo thông tin từ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, số vụ bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, năm 2022 cao hơn năm 2021, trong 4 tháng đầu năm 2023, số vụ bạo lực học đường cũng tăng cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau đại dịch covid 19, tình trạng bạo lực học đường và bạo lực trẻ em trong gia đình ngày càng phức tạp hơn.
Hiện nay trên môi trường mạng đã bắt đầu nhắc đến tình trạng “bắt nạt/bạo lực học đường trắng”. Đây là tình trạng không chỉ cô lập trong đời thực mà còn trên môi trường mạng, gây áp lực với những cá nhân mình không ưa thích, hoặc có mâu thuẫn, xung đột.
Vấn đề bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phức tạp và để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự quyết liệt và những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài và trách nhiệm chủ trì của Bộ GD-ĐT.
Song để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường không chỉ là việc của riêng ngành Giáo dục và Đào tạo mà cần có sự phối hợp đồng bộ, phân cấp cụ thể trong từng cơ quan quản lý giáo dục, trường học, địa phương và các bộ ngành khác.
PV: Thưa ông, để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường cả trên môi trường mạng và đời thực, cần những giải pháp ra sao?
Ông Đặng Hoa Nam: Trong các giải pháp hạn chế bạo lực học đường, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tham vấn tâm lý học đường. Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa trong việc tăng tốc độ bao phủ của công tác tham vấn tâm lý học đường tại các trường học. Chúng ta phải có những chuyên gia chuyên trách làm công tác tâm lý. Tôi nhấn mạnh rằng, đội ngũ tham vấn tâm lý học đường không thể là những giáo viên, tổng phụ trách kiêm nhiệm mà cần được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, nếu không có thể dẫn đến lợi bất cập hại khi tổ chức công tác này.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, cần có sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình và nhà trường, gia đình với giáo viên, lấy học sinh làm trung tâm. Trong đó cần thay đổi mô hình hoạt động của chính Hội cha mẹ học sinh tại các lớp, để chính đội ngũ này sẽ đóng một vai trò tích cực hơn vào việc phòng chống bạo lực trong trường học.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục về đạo đức, kiến thức, kỹ năng về thực hành quyền trẻ em, tôn trọng trẻ em cũng như kiến thức, kỹ năng về kỷ luật tích cực cho giáo viên trong việc phòng chống bạo lực học đường.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cần phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH trong việc tăng cường giáo dục kiến thức kỹ năng cho cha mẹ, để các bậc phụ huynh có thể chia sẻ với con, đồng hành cùng giáo viên trong việc ngăn chặn bạo lực học đường.
Từ những câu chuyện đau lòng về bạo lực học đường xảy ra thời gian gần đây có thể thấy cộng đồng trách nhiệm của cả trường học, giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường, của cha mẹ và của chính các em. Ngoài những giải pháp trên, chúng tôi cũng cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp để chăm sóc tốt hơn sức khỏe tâm thần cho học sinh từ cả 3 trụ cột gồm chăm sóc sức khỏe tâm thần mang tính lâm sàng của ngành y tế, chăm sóc tâm lý xã hội trong công tác xã hội của ngành LĐ-TB-XH và đặc biệt là công tác tham vấn tâm lý học đường của ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, cũng cần nói rằng, một số vụ việc bạo lực học đường đáng tiếc xảy ra thời gian qua phần lớn nạn nhân không chia sẻ, không lên tiếng, các em không tìm được người tin cậy để có thể nói ra vấn đề mình đang gặp phải. Một trong những nguyên nhân do chưa quảng bá một cách rộng rãi về Tổng đài quốc gia về Bảo vệ trẻ em 111 - đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin, những tố giác về những hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực trẻ em. Ngoài ra tổng đài 111 còn có chức năng tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Như vậy cần truyền thông để các em thấy rằng trong lúc các em khủng hoảng nhất, lo sợ nhất đều có thể gọi dến 111 để chia sẻ, tìm kiếm sự hỗ trợ, tại đây luôn có một đội ngũ chuyên gia sẵn sàng kết nối, tham vấn cho các em một cách tốt nhất.
Tại diễn đàn về trẻ em mà tôi vừa tham gia mới đây, sau khi nghe những chia sẻ, trải nghiệm của các em về bạo lực trong trường học, tôi cho rằng, người lớn cần làm sao để trẻ dám nói ra những vấn đề đang gặp phải, dám lên tiếng khi bị bạo lực và đảm bảo rằng các em vẫn được bảo vệ, được giữ bí mật riêng tư.
PV: Theo nhiều chuyên gia tâm lý, không ít trẻ gây ra hành vi bạo lực học đường trước đó cũng từng là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường, bạo lực gia đình, hoặc có những tổn thương tâm lý. Bên cạnh việc quan tâm đến những nạn nhân bị bạo lực học đường, phải chăng chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ tâm lý cho chính những học sinh gây ra hành vi bạo lực học đường để có thể ngăn chặn tận gốc, tránh những sự việc xấu tái diễn, thưa ông?
Ông Đặng Hoa Nam: Từ góc độ tiếp cận về quyền trẻ em, dù các em là nạn nhân hay thủ phạm gây ra các vấn đề bạo lực học đường thì đều cần được quan tâm, hỗ trợ và can thiệp.
Trong các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng không chỉ chú trọng chăm sóc hỗ trợ nạn nhân mà cần chăm sóc, hỗ trợ cả những trẻ là thủ phạm gây ra hành vì đó, hỗ trợ cho chính giáo viên và cha mẹ, để những vụ bắt nạt học đường không trở nên quá nghiêm trọng.
Bởi qua theo dõi ban đầu, một số vụ việc điển hình, việc bắt nạt học đường ban đầu là những hành vi rất đơn giản, tưởng chừng như vô hại. Nhưng khi các em không chia sẻ, không nhận được sự hỗ trợ kịp thời dẫn đến những sự việc ngày càng nghiêm trọng và để lại hậu quả đáng tiếc, thậm chí là tự tử. Khi những hậu quả đau lòng đã xảy ra, chúng ta quay lại để nhìn nhận lại sự việc đã quá muộn.
PV: Xin cảm ơn ông!/.