Nhiều vườn cây bị bọ cánh cứng tấn công ở Bình Phước

Bình Phước là tỉnh có nhiều thế mạnh về trồng cây ăn trái và cây công nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, cộng với sự phá hoại của sâu bệnh nên nhiều loại cây trồng như: Hồ tiêu, quýt đường, sầu riêng… dần thu hẹp diện tích.

Bình Phước là tỉnh có nhiều thế mạnh về trồng cây ăn trái và cây công nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, cộng với sự phá hoại của sâu bệnh nên nhiều loại cây trồng như: Hồ tiêu, quýt đường, sầu riêng… dần thu hẹp diện tích.

Khoảng hơn một tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành xuất hiện rất nhiều bọ cánh cứng “tấn công” vườn cây. Loài côn trùng này chủ yếu ăn hết phần lá của cây xoài, mít, đặc biệt là cây điều. Hiện, người dân rất hoang mang vì cây trồng bị ăn hết bộ lá mất khả năng quang hợp, cây bị suy kiệt, sản lượng giảm, thậm chí chết, trong khi chưa có loại thuốc đặc trị.

Một số người dân cho biết, bọ cánh cứng (người dân địa phương gọi là bọ xòe) xuất hiện cách đây khoảng ba năm. Tuy nhiên, hai năm trước không đáng kể. Năm nay xuất hiện khá dày đặc. Theo lý giải của người dân thì bọ cánh cứng là do sùng đất phát triển thành. Năm nay, mưa đến sớm nên chúng xuất hiện khi cây điều đang bước vào chính vụ, cây xoài đang giai đoạn đầu mùa.

Khoảng 6 giờ tối, bọ cánh cứng bắt đầu hoạt động. Hàng nghìn con bay rợp trời, tạo ra tiếng động như giông lốc đang kéo về. Chỉ sau ít ngày, vườn cây rộng cả hecta bị bọ ăn hết bộ lá, để lại trái cây trơ trọi, nhất là xoài, điều và mít.

Ghi nhận tại xã Đồng Nơ thuộc huyện Hớn Quản, nhiều vườn cây điều bị bọ cánh cứng ăn hết bộ lá. Nhiều vườn điều ra trái muộn, chủ vườn đã mua thuốc về phun ngừa sâu bọ nhưng không ngăn được sự tấn công của bọ cánh cứng. hậu quả là cây bị ăn hết lá, nhiều trái non bị rụng hoặc sáp lại trên cây. Do bọ tấn công vào giai đoạn điều đang ra trái nên năng suất cũng giảm đến 9 phần.

Anh Nguyễn Hữu Công, ở ấp Đồng Tân, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản cho biết: "Nhà có mấy sào đất trồng xoài và điều. Năm nay bị bọ cánh cứng ăn hết bộ lá nên điều thất thu, xoài không đủ sức để ra bông. Khi phát hiện bọ cánh cứng, nhà tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng chỉ ít ngày sau chúng lại xuất hiện. Sau hơn một tháng bị ăn hết lá, cây đang đâm chồi lại, bọ xòe quay lại tấn khiến cây bị suy kiệt, năng suất mùa sau sẽ giảm mạnh, một số cây thì chết. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng về xem xét thực tế và có biện pháp hỗ trợ nông dân phòng trừ loại côn trùng này".

Dọc theo quốc lộ 14 đoạn qua huyện Chơn Thành và các tuyền đường liên xã của huyện Hớn Quản có nhiều vườn xoài bị bọ cánh cứng ăn hết bộ lá để lại trái nằm trơ trọi. Trái xoài bị háp nắng hoặc rụng non đầy gốc cây nên người dân có nguy cơ mất trắng. Bọ cánh cứng rất ưa ánh sáng nên người dân lợi dụng điểm này để tiêu diệt. Ban đêm, các chủ vườn cây thắp nhiều bóng điện, bên dưới bỏ thêm chậu nước. Thấy ánh sáng, bọ cánh cứng lao vào đèn rồi rớt xuống nước và bị tiêu diệt.

Vườn xoài 7ha của gia đình chị Phạm Thị Huyền Trang ở ấp Đồng Tân, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản hiện đang bị bọ cánh cứng tấn công. Nhiều ngày qua, chị bẫy côn trùng bằng ánh sáng và bắt hàng chục nghìn con. Tuy nhiên, phương pháp này xem ra không hiệu quả vì bọ ăn lá xoài quá nhiều.

Chị Trang cho biết: "Mỗi buổi sáng gia đình tôi thu gom cả bao tải bọ cánh cứng ở các bẫy để đi chôn. Tuy nhiên, hiện bọ cánh cứng đã ăn hết phần lá non của cây xoài. Tôi dự tính, ít tuần nữa toàn bộ lá của cây xoài bị ăn hết. Với tình trạng này, chắc chắn cây xoài bị suy kiệt, mùa vụ năm sau sẽ giảm năng suất".

Không chỉ hại cây trồng, bọ cánh cứng còn làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của người dân. Khi bị cánh cứng hoạt động cũng là thời điểm người dân bắt đầu buổi sinh hoạt tối tại nhà. Cả gia đình đang ăn cơm thì bị bọ cánh cứng lao vào mâm cơm hoặc bâu vào người. Để hạn chế bọ vào, người dân phải đóng kín cửa và bật điện ngoài sân rồi “cố thủ” trong nhà.

Chị Hồ Thị Đại ở ấp 3, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản cho biết: "Nhà tôi ở cạnh vườn điều nên bị ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù tối đến nhà đóng kín cửa nhưng bọ cánh cứng vẫn chui vào qua các chỗ thông gió. Khi rớt xuống nền nhà, bọ nhả ra chất màu đỏ giống như máu loãng. Tối đến chúng lao đầu vào mái tôn nhà tạo tiếng động gây mất ngủ".

Đã ba năm nay, cứ đầu mùa mưa, bọ cánh cứng lại xuất hiện tại nhiều địa phương phá hoại cây trồng của người dân. Điều đáng lo ngại là mật độ xuất hiện ngày càng dày đặc và có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Do đó, để ngăn chặn kịp thời, làm giảm bớt thiệt hại về cây trồng cho người dân, các ngành chức năng cần sớm kiểm tra thực tế và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng.

NHẤT SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/nhieu-vuon-cay-bi-bo-canh-cung-tan-cong-o-binh-phuoc-644815/