Nhiều vướng mắc trong bảo tồn di sản tại TP HCM
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố dù đạt được những kết quả nhất định song vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, đơn vị này lo lắng về tình hình quy hoạch làm ảnh hưởng di sản.
Quy hoạch ảnh hưởng đến di tích
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tính đến hết tháng 9/2019, trên địa bàn thành phố có 172 di tích đã quyết định xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích - lịch sử)...
Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã bố trí kinh phí tu bổ, tôn tạo đạt hơn 500 tỷ đồng, với 32 di tích được đầu tư tu bổ, chỉnh lý trưng bày bổ sung tại di tích. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tập trung nguồn vốn trên 200 tỷ đồng hoàn thành tu bổ, tôn tạo công trình: Chùa Giác Viên (giai đoạn 1), đình Thông Tây Hội, tu sửa cấp thiết các di tích: Bảo tàng Lịch sử, đình Phú Thạnh, đình Khánh Hội, di tích số 5 đường Châu Văn Liêm...
Theo đánh giá của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều di tích đang được lập hồ sơ xếp hạng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân…
Tuy nhiên, cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trước đây, trong quá trình quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, các cơ quan chức năng chưa tính đến khu vực bảo vệ di tích, cảnh quan kiến trúc công trình xung quanh di tích, do đó nhiều di tích có khu vực bảo tồn nằm trong quy hoạch giao thông đô thị. Điều này làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến các di tích.
Cạnh đó, việc hiểu biết các quy định pháp luật về di sản văn hóa của một số tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích còn hạn chế, hiện tượng bất đồng nội bộ tranh chấp đất đai giữa người dân và di tích vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến các di sản.
Ngoài ra, đội ngũ quản lý trực tiếp tại di tích đa phần được cộng đồng dân cư bầu lên, do đó trình độ chuyên môn còn hạn chế nên cũng gây khó khăn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Một số tổ chức, cá nhân trông coi trực tiếp tại di tích đã để xảy ra việc mất trộm hiện vật như: đình Linh Tây, đình Bình Tây, đình Khánh Hội, đình Bình Đông.
Cần hoàn thiện pháp luật về di sản
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng nhìn nhận, hoạt động liên kết giữa các cơ sở văn hóa chưa được chú ý, sự kết nối giữa các bảo tàng, nhà văn hóa, di tích lịch sử văn hóa và các Công ty du lịch còn thấp, do đó việc thu hút du khách tham quan và các hoạt động khác như nghiên cứu, sưu tầm chưa được tốt.
Ngoài ra, việc lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cũng gặp nhiều khó khăn do theo quy định hiện hành: Việc xếp hạng phải có đơn đề nghị (nếu sở hữu tư nhân); văn bản đề nghị (nếu là đơn vị, cơ quan đang quản lý).
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết thêm, Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã ban hành tương đối lâu, có nhiều bất cập chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại thành phố, chồng chéo với quy định của Luật Xây dựng.
Theo đó, để phù hợp với tình hình hiện nay, phù hợp với cảnh quan kiến trúc đô thị thành phố, cần thiết đề nghị ban hành Luật Di sản văn hóa để thay thế Luật cũ, trong đó lưu ý tới nội dung hướng dẫn thành lập Ban quản lý di tích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích.
Mặt khác, cần hoàn thiện quy định về quy mô, cảnh quan kiến trúc công trình nhà ở, công trình công cộng... gần khu vực bảo vệ di tích; Quy chuẩn về chất lượng nguyên, vật liệu dùng trong thi công di tích... Quy định chi tiết để rút ngắn thời gian trình tự thực hiện để thẩm định, phê duyệt các dự án, tu bổ, phục hồi di tích sử dụng vốn đầu tư từ ngoài ngân sách và nguồn vốn khác (trong đó có nguồn vận động xã hội hóa).
Sở cũng đề nghị bổ sung thêm quy định giao thẩm quyền phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật cho UBND quận, huyện đối với nguồn ngân sách (quận, huyện và xã hội hóa). Cần điều chỉnh mô hình tổ chức quản lý di sản văn hóa nhằm cân bằng giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để quản lý toàn diện hiệu quả lĩnh vực di sản văn hóa.
Cuối cùng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét ưu tiên đầu tư bố trí kinh phí cho việc: Tu bổ, tôn tạo di tích; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử; Cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày của các bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng đang trực tiếp quản lý bảo vật quốc gia.