Nhiều vướng mắc trong phát triển cây mắc ca tại Tuần Giáo
ĐBP - Huyện Tuần Giáo có hơn 1.500ha cây mắc ca; trong đó, phần lớn là liên kết theo hình thức hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa người dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên những diện tích này đang 'lửng lơ' chưa hoàn thiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng góp vốn. Công ty không có sự phối hợp, phó mặc hoàn toàn các bước triển khai cho chính quyền địa phương. Vườn cây dường như cũng bị bỏ quên, không chăm sóc.
Nhiều diện tích mắc ca tại Tuần Giáo đã cho thu hoạch, được đánh giá cao về chất lượng, sản lượng, giá trị kinh tế nhưng người dân chưa được chia lợi nhuận góp vốn như thỏa thuận.
Thất hứa với dân
Xã Quài Nưa hiện trồng và chăm sóc hơn 500ha cây mắc ca, có 471 hộ dân tham gia góp đất với Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên. Đến năm 2022, một số diện tích đã cho thu hoạch quả, được đánh giá cao về sản lượng, chất lượng và giá trị kinh tế. Tuy nhiên sự kỳ vọng, tin tưởng của người dân vào Công ty thì ngày càng suy giảm. Hiện xã có khoảng 50 hộ bản Bó Giáng và bản Chá chưa được Công ty chi trả tiền theo hợp đồng góp vốn bằng diện tích đất trồng mắc ca từ năm 2015 đến nay (đã cho thu hoạch) với khoảng 100 triệu đồng. Trước đó UBND huyện, xã đã nhiều lần làm việc, tổ chức đối thoại giữa người dân và doanh nghiệp, Công ty cam kết, hứa hẹn trả trước thời điểm tháng 10/2022 nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Ngoài ra nhiều người dân địa phương làm thuê thời vụ cho Công ty (đào hố, trông nom, chăm sóc) còn bị nợ lương.
Ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã Quài Nưa cho biết: “Đến hẹn chi trả nhưng Công ty vẫn không có mặt. Chúng tôi liên hệ rất nhiều lần, cũng có ý kiến với huyện để làm việc với công ty, mời Công ty về bàn bạc khắc phục, nhưng họ không trả lời. Mắc ca thì đã hết mùa thu hoạch quả, giờ không được quan tâm, chăm sóc, để cỏ mọc um tùm. Từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã phối hợp các lực lượng triển khai kế hoạch cụ thể bảo vệ diện tích mắc ca theo từng tháng, quý, gửi kế hoạch tuyên truyền cho các bản. Mời công ty đến xây dựng và thực hiện kế hoạch nhưng công ty không tham gia. Khi tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại, tổng kết, xã cũng mời công ty đến nghe, tham gia, giải trình nhưng họ không dự cuộc nào”.
Không chỉ lãnh đạo xã khó liên hệ với Công ty mà các cơ quan chức năng huyện, lãnh đạo huyện kết nối với Công ty cũng “khó như lên giời”, không nghe máy hoặc nghe nhưng đến giờ họp vẫn vắng mặt. Cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc về phát triển cây mắc ca tại UBND huyện ngày 23/12/2022, lại một lần nữa vắng mặt đại diện Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên. Từ ngày 30/11/2022 (sau khi Công ty tiếp tục trễ hẹn chi trả phần trăm lợi nhuận cho người dân) đến nay, UBND huyện Tuần Giáo đã 3 lần ban hành văn bản gửi Công ty đề nghị, đôn đốc, khẩn trương thực hiện “chi trả tiền hưởng lợi cho người dân tham gia góp đất trồng cây mắc ca với Công ty, đối với diện tích trồng đã đến thời gian chi trả và tăng cường công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ vườn cây”. “Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Tuần Giáo chưa nhận được thông tin Công ty triển khai thực hiện các nội dung tại 3 văn bản trên, cũng không nhận được phản hồi, trả lời nào” - bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.
Phó mặc cho địa phương
Không chỉ “thất hứa” với người dân, Công ty cũng phó mặc hoàn toàn cho huyện trong việc hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ để Công ty và người dân ký kết hợp đồng. Tuần Giáo có 1.202/1.245 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (của các hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng mắc ca) phải thực hiện đăng ký biến động với tổng số 814,2ha. Đến nay, UBND huyện đã cấp đổi lại 742/1.202 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cung cấp cho Công ty để hoàn thiện hợp đồng với người dân. Số lượng giấy cấp đổi còn lại là 460 giấy vẫn đang được thực hiện, do một số hộ dân đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương; do hộ gia đình có vợ hoặc chồng chết, ly dị cần phải thực hiện nhiều thủ tục như thừa kế, ly hôn dẫn đến tiến độ chậm.
Khi triển khai các bước trên, đều do các cơ quan chức năng của huyện, chính quyền cấp xã đi từng địa bàn rà soát, thực hiện. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Quản lý đất đai huyện cho biết thêm: “Trước đó, Tuần Giáo đã đề xuất Công ty có cán bộ thường trực tại huyện, sát cánh cùng Trung tâm xử lý các vướng mắc về cấp đổi giấy nhưng Công ty không phối hợp. Đề nghị Công ty cử 6 nhân viên cùng tham gia các tổ đi các địa bàn hỗ trợ làm thủ tục cho người dân, nhưng Công ty chỉ cử 3 người, trong đó 1 người biết sử dụng máy tính, ngồi chưa hết ngày rồi về. Trung tâm nhiều lần đôn đốc Công ty xuống xã hoàn thiện ký hợp đồng với người dân. Đến nay huyện đã cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 742 hộ dân, cá nhân, nhưng Công ty vẫn chưa ký kết hợp đồng góp vốn”.
Huyện Tuần Giáo tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp đất trồng cây mắc ca cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Đề nghị Công ty khẩn trương phối hợp với Trung tâm Quản lý đất đai, UBND xã Quài Cang, Quài Nưa để hoàn thiện hợp đồng với người dân đảm bảo theo quy định.
Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo từ tháng 8/2018. Theo tiến độ phê duyệt thì đến hết năm 2019, dự án phải trồng xong toàn bộ diện tích 2.000ha, tuy nhiên đến nay mới trồng được 1.498,7ha, đạt 75%. Được biết Công ty hiện đang gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên Công ty không phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ vướng mắc mà có biểu hiện trốn tránh. Đến thời điểm này, nhiều người dân trên địa bàn bức xúc khi chưa được chi trả có thể bộc phát hành động phá hoại vườn cây, vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, chuẩn bị bước sang mùa hanh khô, nhiều diện tích mắc ca không được bảo vệ, để cỏ dại mọc, nếu không phát dọn chăm sóc thì nguy cơ cháy cao, thiệt hại lớn về kinh tế.
Bởi vậy bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Cùng với việc đôn đốc Công ty, huyện chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ vườn cây, cũng là bảo vệ lợi ích cho người dân. Công an huyện, xã cùng chính quyền các xã tuyên truyền, phổ biến cho người dân, tránh xảy ra việc phá hoại vườn cây, nhất là ở những bản mà Công ty còn nợ tiền. Đồng thời địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng; yêu cầu công ty cũng phải có phương án phòng cháy chữa cháy... Cùng với đó, huyện cũng nghiên cứu chính sách để có thể hỗ trợ Công ty lúc khó khăn.