Nhiều xã ở vùng dân tộc thiểu số làm tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại

Mặc dù có nhiều trường hợp bị chó cắn, nhưng nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh không ghi nhận ca tử vong nghi do bệnh dại. Bởi bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh thông qua việc tiêm vắc xin.

1 thôn có 2 ca tử vong

bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh bằng tiêm vắc xin, nhưng người dân thôn Phò Trì, xã Tân Thắng (Hàm Tân), từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 2 ca tử vong nghi do bệnh dại. Cụ thể, đầu tháng 2/2024, bé gái 4 tuổi bị con chó nhỏ cắn khoảng 8 - 9 vết sâu vào vùng mặt, điều trị phương pháp dân gian. Sau khi bị cắn 1 tuần, bệnh nhân có triệu chứng nôn ói, được đưa đến bệnh viện, với chẩn đoán bệnh dại. Bệnh nhân trở nặng và được đưa về nhà và tử vong.

Cùng thôn này, trường hợp khác là nữ bệnh nhân 50 tuổi bị chó chạy rông cắn vào chân, chỉ rửa vết thương bằng nước muối, nhưng không tiêm vắc xin phòng dại. Đến tháng 4/2024, sau bốn tháng từ khi bị cắn, bệnh nhân có triệu chứng ngứa, tê, sợ nước, sợ gió; được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, được chẩn đoán nghi bệnh dại. Bệnh trở nặng, được đưa về nhà và tử vong.

Tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, mặc dù bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh thông qua việc tiêm vắc xin cho động vật và người, nhưng người dân ở thôn Phò Trì còn chủ quan, lơ là trong việc phòng chống bệnh dại dẫn đến những trường hợp tử vong đáng tiếc. Cả hai trường hợp trên đều là người dân tộc Chăm. Sau khi bị chó cắn, người dân không đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại, mà lại dùng phương pháp dân gian không được Bộ Y tế công nhận.

Điều đáng lưu ý, tỷ lệ tiêm vắc xin trên chó, mèo ở xã Tân Thắng nói riêng và Hàm Tân nói chung còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Hàm Tân có 15.675 con chó, mèo, nhưng chỉ có 2.778 con được tiêm vắc xin phòng dại, chiếm tỷ lệ 17,7%. Nhu cầu hộ dân tộc thiểu số trên toàn huyện là 1.031 liều vắc xin cho chó, mèo. Riêng xã Tân Thắng có 2.580 con chó, mèo, nhưng số lượng tiêm chỉ mới 150 con, chiếm tỷ lệ 5,8%. Nhu cầu hộ dân tộc thiểu số tại xã này là 500 liều vắc xin tiêm cho chó, mèo. Tỷ lệ này cho thấy không chỉ sự lơ là trong việc tiêm phòng cho vật nuôi mà còn đặt ra nguy cơ cao về việc lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người, gây ra những mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng.

Tiêm vắc xin phòng cho chó.

Tiêm vắc xin phòng cho chó.

Nhưng nhiều xã ở vùng dân tộc thiểu số làm tốt

Nếu như thôn Phò Trì đang đối mặt với nguy cơ cao về bệnh dại, thì nhiều vùng đồng bào dân tộc khác ở Bình Thuận thực hiện những biện pháp phòng ngừa bệnh dại ở người hiệu quả. Đó là Phan Điền, Phan Thanh, Phan Sơn, Phan Lâm (Bắc Bình), Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), La Ngâu (Tánh Linh), Hàm Cần và Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam)… Bởi người dân ở các xã này nhận thức rõ về nguy cơ của bệnh dại, nhờ vào sự tuyên truyền hiệu quả từ các cơ quan y tế và chính quyền địa phương. Người dân hiểu rằng bệnh dại có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, nhờ tham gia các buổi hội thảo, tập huấn về cách phòng tránh bệnh dại. Sự quan tâm này thể hiện qua việc chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin dại, huyết thanh kháng dại ngay khi bị chó cắn. Từ đó giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người.

Bên cạnh đó, người dân khuyến khích nhau tham gia các chương trình tiêm phòng dại ngay khi bị chó, mèo cào cắn. Những người đã trải qua việc bị chó cắn và tiêm vắc xin phòng dại ngay, trở thành những tấm gương tiêu biểu, giúp nâng cao nhận thức cho những người xung quanh. Vì vậy, những vùng như đề cập trên không ghi nhận trường hợp tử vong nào do bệnh dại, mặc dù có nhiều trường hợp bị chó cắn. Qua đó cho thấy ý thức phòng chống bệnh dại trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều xã trong tỉnh được nâng cao rõ rệt, giúp người dân nơi đây bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đồng thời, tạo ra một môi trường an toàn cho toàn xã hội. Đó là thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Giải pháp

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hàm Tân được phân bổ khoảng 800 liều vắc xin phòng dại cho chó, mèo do Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi hỗ trợ để địa phương kiểm soát bệnh dại trên vật nuôi; tập trung vào địa bàn có số người tử vong do bệnh dại. Đến nay, các xã của huyện này đang triển khai tiêm vắc xin cho chó, mèo, nhưng chưa hoàn thành. Bởi các lực lượng đang tập trung tiêm phòng bệnh long mồm lở móng, cúm, dịch tả heo châu Phi theo kế hoạch của tỉnh. Dự kiến, cuối tháng 10/2024, công tác tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo ở Hàm Tân sẽ hoàn thành.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 124.500 con chó, mèo. Đến thời điểm này, có 63.076 con được tiêm vắc xin phòng dại, đạt tỷ lệ 50,66%. Trong đó, các huyện, thị, thành phố có tỷ lệ tiêm vắc xin chó, mèo cao là La Gi 71,91%, Phan Thiết 68,63%, Tuy Phong 62,81%…

Sở Y tế tỉnh khuyến cáo, việc nâng cao nhận thức về bệnh dại và tiêm phòng cho vật nuôi là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Khi bị chó, mèo cào cắn, người dân cần chủ động tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin kịp thời, nhằm ngăn chặn những trường hợp tử vong tương tự xảy ra trong thời gian đến. Đồng thời, người dân chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo theo định kỳ mà cơ quan thú y khuyến cáo.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhieu-xa-o-vung-dan-toc-thieu-so-lam-tot-cong-tac-tiem-vac-xin-phong-benh-dai-124860.html