Nhiều xe ôtô đi 'lụi' vào cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết chỉ mới thông xe kỹ thuật
Tuyến cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết mới thông xe kỹ thuật, chưa lắp đặt biển báo cũng như đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng nhiều ô tô đã bất chấp chạy vào.
Chiều ngày 29/1, trên QL1 qua Bình Thuận có lưu lượng xe ôtô, xe máy đông đúc di chuyển từ hướng miền Trung vào Tp.HCM sau kì nghỉ Tết. Một số xe ôtô đã chạy vào dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, đoạn qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận.
Những chiếc xe này biết đoạn cao tốc đang thông xe kỹ thuật, chưa đảm bảo an toàn cho các xe lưu thông nhưng vì muốn nhanh và tránh tình trạng xe đông di chuyển chậm trên QL1 nên nhiều xe ôtô đã bất chấp lưu thông vào.
Tại một số vị trí, mặc dù nhà thầu thi công có đặt các tấm bêtông lớn chắn ngang mặt đường để chặn các xe chạy vào nhưng các xe này vẫn đi đường vòng, thậm chí lưu thông vào chiều ngược lại để vượt qua vị trí bị chặn. Cũng có xe kích cỡ to không lách qua được gây ùn ứ cho những xe lưu thông phía sau.
Không chỉ xe ôtô, xe tải mà nhiều xe máy cũng chạy vào cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết. Trên một số nhóm Facebook về giao thông còn có tài xế thả ghim vị trí chỉ đường vào, đường ra để đi lụi cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.
Theo ghi nhận, mặc dù đã được thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022, thế nhưng trên mặt đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết vẫn còn có những vị trí chưa rải nhựa đều, có vị trí đã đủ lớp nhựa, có vị trí chỉ mới một lớp. Chính vì vậy, nhiều phương tiện khi thấy đường nhựa láng mịn, đạp ga với tốc độ cao nhưng khi bất ngờ đến vị trí chỉ mới rải 1 lớp nhựa thì rất nguy hiểm. Cũng như các hạng mục như đèn chiếu sáng, dải phân cách, đường gom hệ thống và các hạ tầng phục vụ an toàn giao thông chưa hoàn thiện.
Theo kế hoạch, dự kiến đến 30/4, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới được khánh thành và đưa vào sử dụng. Tuyến cao tốc này có chiều dài 99 km, đi qua tỉnh Bình Thuận dài 47,7 km, đoạn còn lại qua Đồng Nai.