Nhiều ý kiến cử tri được ghi nhận, giải quyết kịp thời
Ngày 2/10, hai Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và tỉnh Tây Ninh tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đà Nẵng quyết liệt phòng, chống tham nhũng
Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri quan tâm tới các vấn đề an sinh xã hội, giá cả thị trường, phòng, chống tham nhũng, giáo dục và nhân lực.
Cử tri Lê Vũ (trú tại tổ 69, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cho rằng, thời gian qua, cử tri luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Tại thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã chỉ đạo quyết liệt, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Tuy vậy, vừa qua có vụ việc nữ giảng viên sử dụng, phát hành sách in lậu, có nguồn gốc không hợp pháp (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng Nguyễn Thị Hải Vân) đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh và gây bức xúc trong dư luận. Trước đó hơn 3 tháng, Nhà trường có kết luận việc giảng viên này vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng vì thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp trong khi đang làm viên chức có chức vụ, quyền hạn và kê khai tài sản không trung thực. Thế nhưng, việc xử lý trường hợp này có một số điểm chưa đúng quy định của pháp luật. Bà Vân vẫn đảm nhiệm chức vụ, không bị miễn nhiệm, vẫn làm đại biểu của giảng viên trong Hội đồng trường.
Ông Lê Vũ mong muốn, các cấp lãnh đạo cần có biện pháp xử lý, kỷ luật đúng quy định, “không có vùng cấm, không ngoại lệ”.
Đề cập đến quyền lợi “Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”, cử tri Trần Lê Minh Hoàng (trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Nghị định 33, thay thế tên gọi “Người hoạt động không chuyên trách cấp xã” bằng tên gọi “Cán bộ chuyên môn cấp xã” hoặc “Người hoạt động chuyên trách cấp xã”; đồng thời sắp xếp ngạch lương cho họ để phù hợp với vị trí công tác, vai trò, trọng trách của “Người hoạt động không chuyên trách cấp xã” hiện nay, để đội ngũ này yên tâm công tác và phát huy vai trò quan trọng trong bộ máy cơ quan phường, xã, thị trấn.
Cử tri Trần Thanh Tân (tổ 54, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) mong muốn, Nhà nước có chủ trương về thu hút nhân tài trong xây dựng đất nước, không nên để các địa phương có chủ trương riêng, sẽ có những bất hợp lý, làm chảy máu chất xám của đất nước…
Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã giải đáp hầu hết câu hỏi của các cử tri; đồng thời ghi nhận, tiếp thu và phản ánh một số ý kiến đến cơ quan có thẩm quyền.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, công tác xử lý tham nhũng, tiêu cực tại thành phố “không có ngoại lệ”. Với các đơn thư, tố cáo phòng, chống tham nhũng đúng quy định, thành phố sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Về vấn đề thu hút nhân tài, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 31/7/2023 về “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đà Nẵng đã xây dựng Đề án, tập trung thu hút nhân lực chất lượng cao một số ngành như Y tế, Công nghệ thông tin, Vi mạch bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo…
Thời gian tới, HĐND thành phố có nghị quyết chuyên đề về nội dung này. Ngoài ra, để thu hút nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài, đặc biệt là ngành vi mạch bán dẫn, thành phố xem xét có cơ chế mời chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam tại nước ngoài về thành phố làm việc, phục vụ ngắn hạn…
Cử tri Tây Ninh kiến nghị các chính sách tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội
Cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh có buổi tiếp xúc cử tri là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp của tỉnh.
Tại Hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy thông tin đến cử tri một số nội dung dự kiến làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cử tri tỉnh Tây Ninh nhất trí cao với nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, đánh giá cao hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội trong các kỳ họp thời gian qua; đồng thời, kiến nghị đến Đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề được người dân quan tâm hiện nay.
Cử tri Thái Bá Hòa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTCS), nêu các vướng mắc, khó khăn trong việc đưa mía cây về nước dẫn đến thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Theo đó, hiện Bộ Công Thương không đưa mía cây vào danh mục hàng hóa được phép mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, trong khi Tây Ninh có 3 cửa khẩu phụ có lực lượng chuyên ngành quản lý như tại cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế. Điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đang hợp tác hoặc thuê đất trồng mía tại Campuchia, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành mía đường của Tây Ninh.
Do đó, ông Thái Bá Hòa đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, cho phép trao đổi, mua bán mía cây qua cửa khẩu phụ. Đồng thời sớm nâng cấp lối mở Hòa Hiệp, huyện Tân Biên thành cửa khẩu phụ để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc đưa nguyên liệu từ vùng giáp Campuchia về trong nước để phục vụ cho sản xuất.
Cử tri Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, bày tỏ băn khoăn đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, Chính sách giá điện hiện nay có sự chênh lệch, ngành Điện mua điện giá cao trong khi cung cấp điện cho một số đơn vị bán buôn với giá thấp, dẫn đến xảy ra tranh chấp đầu tư về vấn đề mua bán điện. Hiện nay, ngành Điện thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế chính sách thì rất khó để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững. Do đó, cử tri mong muốn, Nhà nước có cơ chế để ngành Điện sớm tham gia trực tiếp vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh, giúp tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện, tăng tính minh bạch trong huy động các nguồn điện, tạo động lực cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả…
Cử tri Nguyễn Tấn Hùng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn cho nguồn năng lượng điện tái tạo; sớm áp dụng cơ chế biểu giá điện theo cơ chế tính giá điện hai thành phần nhằm phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất kinh doanh điện và có điều tiết giá để không thay đổi giá điện bình quân từ đó mang lại hiệu quả từ hai phía, cung ứng điện và tiêu dùng điện…
Tại Hội nghị, cử tri thảo luận, kiến nghị về các Luật, Luật sửa đổi, bổ sung sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới; đồng thời bày tỏ niềm vui đối với những chính sách của Đảng, Quốc hội và Nhà nước đã giúp đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Cử tri mong muốn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục phát huy vai trò người đại biểu nhân dân, có nhiều đóng góp hơn nữa trong xây dựng các dự án luật, quyết định các cơ chế, chính sách cho đất nước phát triển.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái ghi nhận các ý kiến của cử tri. Những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh sẽ tổng hợp gửi đến các bộ, ngành để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri trong thời gian sớm nhất.