Nhiều ý kiến đóng góp cho đề án xây dựng Trường THPT Chu Văn An thành trường chuyên

Từ năm học 2027-2028, Trường THPT Chu Văn An chỉ tổ chức lớp chuyên. Dự kiến, địa bàn tuyển sinh vẫn giữ ổn định như hiện nay, cụ thể là tuyển sinh học sinh lớp 9 khu vực phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra).

Ngày 28-10, Trường Trung học phổ thông (THPT) Chu Văn An (quận Tây Hồ) tổ chức hội thảo xây dựng đề án Trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng một số trường trên địa bàn thành phố và cán bộ, giáo viên nhà trường.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Báo cáo xây dựng đề án Trường THPT chuyên Chu Văn An, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường nêu các căn cứ pháp lý và sự cần thiết của đề án. Hiện nay, nhà trường có 57 lớp với 2.176 học sinh, theo học ở 4 mô hình gồm: Lớp chuyên, lớp phổ thông, lớp song ngữ và lớp học theo chương trình đào tạo song bằng tú tài quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc. Địa bàn tuyển sinh của nhà trường là học sinh từ các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra.

Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, bên cạnh những điểm mạnh về bề dày truyền thống lịch sử và kết quả giáo dục, nhà trường có một số khó khăn như thiếu giáo viên dạy một số môn chuyên; chưa có chính sách học bổng và chế độ khen thưởng đối với học sinh, giáo viên lớp chuyên; thiếu nguồn kinh phí đào tạo bồi dưỡng học sinh.

Theo lộ trình, các mô hình khác lớp chuyên của trường (phổ thông, song ngữ, song bằng) tiếp tục duy trì đến hết năm học 2026-2027. Từ năm học 2027-2028, nhà trường chỉ tổ chức lớp chuyên. Khi trở thành trường chuyên, nhà trường đề nghị tiếp tục được tuyển sinh học sinh lớp 9 khu vực phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra) với điều kiện có kết quả xếp loại học tập, rèn luyện đạt mức tốt.

Đóng góp ý kiến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo (nay là Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, dù chuyển thành mô hình trường gì thì Trường THPT Chu Văn An cần lưu ý tới 5 tư duy nền tảng trong giáo dục gồm: Tư duy logic, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy ngôn ngữ, tư duy algorit.

Ủng hộ và khẳng định sự cần thiết, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội đặt vấn đề, nhà trường cần chuẩn bị kỹ các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học và ở nội trú vì địa bàn tuyển sinh của nhà trường không chỉ là học sinh thành phố.

Tại hội thảo, các giáo viên Trường THPT Chu Văn An bày tỏ sự nhất trí cao khi xây dựng thành trường chuyên và cho rằng, đây là cơ hội tốt để nâng cao vị thế nhà trường. Giáo viên sẽ có thêm cơ hội được học tập, phát triển chuyên môn và kỹ năng; học sinh cũng được hưởng lợi nhiều hơn khi có các chính sách về học bổng, có ngân sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo phát biểu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo phát biểu.

Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, cũng có ý kiến cho rằng, cơ sở xây dựng đề án chưa rõ ràng và đề nghị nhà trường phân tích kỹ về ưu, nhược điểm để đưa ra mô hình tối ưu.

Khẳng định sự cần thiết cũng như căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn của đề án, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin: Hiện nay Trường THPT Chu Văn An hoạt động theo quy chế của trường bình thường và là một trong hơn 121 trường công lập của thành phố Hà Nội chứ không nằm trong hệ thống trường chuyên. Tuy nhiên, nhà trường lại đang tổ chức thực hiện cả nhiệm vụ của trường chuyên. Chất lượng giáo dục cũng như các điều kiện hiện nay về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo… là những thuận lợi cơ bản để trường THPT Chu Văn An trở thành trường chuyên. Theo đó, nguồn lực đầu tư cho nhà trường cũng như các chính sách cho giáo viên và học sinh sẽ được nâng cao và thuận lợi hơn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-y-kien-dong-gop-cho-de-an-xay-dung-truong-thpt-chu-van-an-thanh-truong-chuyen-646300.html