Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ngày 14/5, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá về thể chế và nhận được sự quan tâm, chú ý theo dõi của các cấp, ngành, Nhân dân và cử tri cả nước.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Đức Công, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khẳng định, Hiến pháp là đạo luật gốc, luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, không chỉ quy định những vấn đề cơ bản nhất về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, mà còn là nền tảng cho toàn bộ hệ thống pháp luật, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là bước đi cần thiết, quan trọng góp phần cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tích cực nghiên cứu và tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chất lượng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết, nội dung và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013; đồng thời khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Các đại biểu cũng góp ý cụ thể về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó có sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; những quy định về đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực để đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực của địa phương...

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các ý kiến của đại biểu được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổng hợp báo cáo Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định, làm căn cứ để hoàn thiện Hiến pháp, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Bà Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị, mỗi đại biểu HĐND tỉnh sẽ là một báo cáo viên, tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị tại địa phương nâng cao nhận thức, tích cực trách nhiệm trong việc tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó đặc biệt chú trọng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến của nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai lấy ý kiến.

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 sẽ được thực hiện từ ngày 6/5 đến 5/6/2025 thông qua nhiều hình thức.

Tin, ảnh: Thu Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nhieu-y-kien-gop-y-du-thao-nghi-quyet-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-nam-2013-20250514193017259.htm