Nhiều ý kiến góp ý về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương

Sáng 26/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Về việc tập trung được nguồn lực cho các dự án lớn

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, dự thảo quy định địa phương tự cân đối thu chi được vay tối đa 120% số thu ngân sách được hưởng. Chính sách này trước đây đã được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm ở một số địa phương. Lần này, chính sách thí điểm đã được đưa vào trong Luật, nhằm giúp các địa phương chủ động thực hiện dự án lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị đánh giá thêm tác động đến an toàn nợ công, cũng như nguồn lực cho các dự án lớn quốc gia.

Về nâng trần nợ vay của ngân sách địa phương, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) quan ngại có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia cho nhiều dự án nhỏ địa phương, không tập trung được nguồn lực cho các dự án lớn, cần cân nhắc vấn đề này.

Về sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, đại biểu lưu ý, trong giai đoạn hiện nay, cần ưu tiên cho đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng trước hết, cần ưu tiên cho các dự án đang triển khai, có khả năng hấp thu vốn.

Đại biểu nhấn mạnh: "Nếu có sử dụng cho dự án mới thì dự án đó cũng phải có trong kế hoạch đầu tư trung hạn và đủ điều kiện triển khai để thực hiện sớm hơn; không nên bố trí dàn trải vào các dự án bổ sung đột xuất. Nếu có yêu cầu đột xuất thì đã có các nguồn dự phòng để xử lý rồi". Bởi theo đại biểu Trần Văn Lâm, thực tế thời gian qua, nguồn này kể cả ở Trung ương và nhiều địa phương đã bố trí cho nhiều dự án không có trong trung hạn, chưa thực sự cấp bách, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên khó triển khai.

Một số đại biểu lại có quan điểm khác về nội dung này, vì trong bối cảnh sát nhập tỉnh, thành phố nên các địa phương rất cần nguồn lực, nên đề nghị nâng thêm mức trần nợ công, nhất là đối với các đô thị đặc biệt.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, việc thực hiện chủ trương sáp nhập, từ 63 còn 34 tỉnh, thành phố, rất cần nguồn lực kết nối nội thành, kết nối vùng, kết nối các địa phương, nên cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Do đó, việc tăng dư nợ vay của địa phương là cần thiết dù việc này có thể làm tăng trần nợ công quốc gia. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét thêm với các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều dự án lớn, trong đó có dự án đường sắt đô thị... nên rất cần được nới trần nợ công; do đó đề nghị Quốc hội xem xét có thể nâng mức này từ 150 - 200% mức thu ngân sách.

Kiến nghị bảo đảm thực quyền tài chính cho cấp xã

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Một số đại biểu tập trung kiến nghị bảo đảm thực quyền tài chính cho cấp xã, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới. Việc luật hóa một cách rõ ràng, đầy đủ và chặt chẽ các quy định về phân cấp tài chính cho cấp xã không chỉ là yêu cầu kỹ thuật lập pháp, mà còn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền tại cơ sở.

Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu), về phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi, quy định hiện tại vẫn mang tính khung, thiếu nguyên tắc bảo đảm nguồn lực tài chính tối thiểu cho cấp xã. "Trong bối cảnh không còn cấp chính quyền huyện ở nhiều địa phương, nếu cấp xã chỉ được giao việc mà không giao tiền, thì sẽ dẫn đến tình trạng bất khả thi trong thực thi" – đại biểu phân tích.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định bắt buộc về tỷ lệ tối thiểu ngân sách giữ lại cho cấp xã, dựa vào định mức dân số, điều kiện địa bàn và nhu cầu chi thiết yếu. Đồng thời, HĐND cấp tỉnh cần công khai kết quả phân cấp ngân sách hằng năm để nâng cao tính minh bạch và giám sát của người dân.

Về công khai ngân sách, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung hướng dẫn rõ ràng: cấp xã có trách nhiệm công khai ngân sách bằng hình thức dễ tiếp cận và Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì giám sát việc thực hiện ngân sách tại cơ sở.

Còn đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) nhấn mạnh tinh thần là chúng ta cần khắc phục những yếu kém trong quản lý, điều hành ngân sách, nâng cao hiệu quả việc sử dụng ngân sách. "Đề xuất thời gian tới cần có cách thức phân bổ ngân sách theo đầu ra, đây là yếu tố chúng tôi đánh giá là rất quan trọng để thực hiện trách nhiệm với nhân dân, cử tri về phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước" - đại biểu kiến nghị.

Về dự phòng ngân sách nhà nước, đại biểu Thanh Mai cho rằng cần giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc, điều kiện, trường hợp được áp dụng cơ chế sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước để đảm bảo tăng cường trách nhiệm giải trình, cũng như tính minh bạch và giám sát của hệ thống dân cử.

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/nhieu-y-kien-gop-y-ve-muc-du-no-vay-cua-ngan-sach-dia-phuong-20250526130101596.htm