Nhiều ý kiến khác nhau về lập sàn giao dịch xăng dầu

Nhiều ý kiến đánh giá việc đề xuất lập sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam cần được xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, không nên vội vàng.

Chiều 30-7, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo về đề xuất thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu tại Việt Nam.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị về việc thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu.

Cân nhắc lập sàn giao dịch xăng dầu

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, tại Việt Nam, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên được Bộ Công Thương cho phép giao dịch thí điểm tại MXV từ tháng 5-2020 đến tháng 5-2024. Từ ngày 27-5, việc giao dịch thí điểm bị dừng.

Nghị định 83/2014 cho phép doanh nghiệp xăng dầu được giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa nhưng các Nghị định sửa đổi sau đó lại bỏ quy định này.

"Quá trình giao dịch thí điểm diễn ra an toàn, ổn định, không phát sinh sự cố, bước đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, là kênh cung cấp thông tin quan trọng đến các cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn báo chí. Tuy nhiên, việc này chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vì chính sách chưa ổn định"- ông Quỳnh nói.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo MXV, Bộ Tài chính chưa có chính sách về chế độ hạch toán, kế toán cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nói chung và các doanh kinh doanh xăng dầu nói riêng

 Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ ở hội thảo về đề xuất thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu tại Việt Nam. Ảnh: MOIT

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ ở hội thảo về đề xuất thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu tại Việt Nam. Ảnh: MOIT

Nêu quan điểm về việc lập Sàn Giao dịch xăng dầu, đại diện MXV cho rằng cần phải xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, không nên hấp tấp, vội vàng.

Nhiều ý kiến khác tại hội thảo cũng nhận định việc thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu không dễ dàng, vận hành sàn càng khó khăn. Hiện thế giới chỉ có 2 sàn giao dịch xăng dầu thành công là Sàn Giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và Sàn Giao dịch London cho dầu thô Brent.

Hai sàn này thành công là do tạo ra được một “sân chơi” đủ lớn, có khối lượng xăng dầu đủ lớn, có người mua, người bán… Ngay cả Trung Quốc - thị trường xăng dầu lớn thứ hai thế giới trước đây cũng đã muốn thành lập một sàn như vậy, nhưng không thành công.

“Cơ chế ảnh hưởng lớn nhất là nhà nước vẫn đang điều hành giá xăng dầu. Chừng nào Nhà nước còn điều hành giá xăng dầu thì việc giao dịch trên sàn sẽ khó khăn.

Ví dụ hôm nay giá dầu thô xuống mạnh, nếu giao dịch trên sàn, thì giá trên sàn sẽ cao hơn giá thị trường và doanh nghiệp phải chờ đến kỳ điều hành tiếp theo mới được điều chỉnh giá” - ông Nguyễn Xuân Hùng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bày tỏ.

Doanh nghiệp muốn lập sàn theo mô hình sàn thương mại điện tử

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nêu ý kiến, nếu đặt mục tiêu thành lập một Sàn giao dịch xăng dầu như quốc tế thì chắc chắn ở Việt Nam chưa thể làm được. Còn nếu hình thành một mô hình sàn giao dịch như là nơi để các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, phân phối xăng dầu cùng giao dịch, thì đó là mô hình trung tâm mua bán xăng dầu mang tính vật chất, sẽ khác với mô hình sàn giao dịch hàng hóa.

 Việc thành lập, vận hành Sàn Giao dịch xăng dầu không dễ dàng. Ảnh: PHI HÙNG

Việc thành lập, vận hành Sàn Giao dịch xăng dầu không dễ dàng. Ảnh: PHI HÙNG

Bàn luận về việc Sàn Giao dịch xăng dầu sẽ vận hành ra sao, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mong muốn của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là muốn có một sàn giao dịch xăng dầu theo mô hình của các sàn thương mại điện tử hiện nay. Tại đó, các doanh nghiệp đầu mối công khai, minh bạch giá để các doanh nghiệp phân phối bán lẻ có thể mua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình như vậy không phải là mô hình Sàn giao dịch theo thông lệ quốc tế.

Tại hội thảo, đa số đại biểu kiến nghị trước mắt Chính phủ cho phép các doanh nghiệp giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam bằng nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm giá. Sau đó, tiếp tục nghiên cứu, xem xét để xem nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu như thế nào để phù hợp với thực tiễn.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ tiếp tục lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội để vừa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, vừa xem xét, nghiên cứu thành lập một mô hình phù hợp với Việt Nam.

Doanh nghiệp mong chính sách về xăng dầu ổn định

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho rằng, doanh nghiệp luôn mong nhà điều hành đưa ra chính sách quản lý ổn định, tránh điều hành giật cục. Cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định cho phép các doanh kinh doanh xăng dầu được bảo hiểm giá thông qua việc giao dịch tại MXV.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-y-kien-khac-nhau-ve-lap-san-giao-dich-xang-dau-post802938.html