Nhiều ý kiến phản đối vụ Hạ viện bang Tennessee trục xuất hai nhà lập pháp
Tennessee đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc chiến vì tương lai của nền dân chủ Hoa Kỳ sau khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện bang trục xuất hai nhà lập pháp vì họ tham gia biểu tình kêu gọi thông qua các biện pháp kiểm soát súng.
Trong các cuộc bỏ phiếu riêng biệt hôm 6.4, đa số nghị sĩ bang đã trục xuất hai thành viên của cơ quan lập pháp là Justin Jones và Justin Pearson, một động thái khiến khoảng 140.000 cử tri da đen ở các quận Nashville và Memphis của bang này không có đại diện nào trong Hạ viện Tennessee.
Hai nghị sĩ Pearson và Jones đã bị trục xuất vì họ tham gia cuộc biểu tình tại Hạ viện bang kêu gọi thông qua luật kiểm soát sung, diễn ra sau vụ xả súng ở trường học ở Nashville khiến 6 người thiệt mạng, trong đó có ba học sinh nhỏ tuổi. Một đảng viên Đảng Dân chủ thứ ba đã không bị trục xuất với tỷ lệ một phiếu bầu.
Theo Reuters, mặc dù có những hình thức trừng phạt nhẹ hơn, các nghị sĩ Cộng hòa, chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện bang Tennessee đã bỏ phiếu đuổi 2 nghị sĩ Justin Jones và Justin Pearson, hai nhà lập pháp da đen trẻ tuổi. Các đề xuất đòi tước vị trí của 2 nghị sĩ Jones và Pearson đã lần lượt được thông qua với lần lượt 72 phiếu và 69 phiếu thuận. Trong khi đó, đề nghị trục xuất đối với một nghị sĩ khác là bà Johnson chỉ nhận được 65 phiếu ủng hộ, thiếu một phiếu để được thông qua. Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Tennessee với 75 nghị sĩ so với chỉ 23 người của đảng Dân chủ.
Việc loại bỏ các nhà lập pháp, những người mới được bầu gần đây, phản ánh xu hướng ở hàng chục bang nơi các đảng viên Cộng hòa đang cố gắng gây khó khăn hơn cho tính toàn vẹn của quy trình bầu cử.
Neha Patel, đồng giám đốc điều hành của State Innovation Exchange, một trung tâm chiến lược dành cho các nhà lập pháp bang làm việc hướng tới các chính sách tiến bộ, cho biết: “Sự việc này thể hiện sự xói mòn thực sự đối với nền dân chủ của chúng ta”.
Bà cho rằng, hành động của các nhà lập pháp Tennessee thách thức quy trình bầu cử và đặt ra câu hỏi về tính liêm chính của cuộc bầu cử. Bà nói, câu hỏi tiếp theo là liệu các bang có đa số đảng viên Cộng hòa có tiếp bước Tennessee trong việc trục xuất nghị sĩ có quan điểm khác biệt hay không.
Cho đến nay, các hình thức trục xuất hay miễn nhiệm một nghị sĩ thường chỉ xảy ra khi cá nhân đó phạm tội hình sự.
Sự việc ở cơ quan lập pháp bang Tennessee đã thu hút sự phản đối kịch liệt từ nhiều nhóm.
Chủ tịch Liên đoàn Đô thị Quốc gia Marc Morial cho rằng, đây không chỉ là vấn đề chủng tộc. Đó là về các giá trị cơ bản của Mỹ. Đề cập đến quyền bầu cử, tự do ngôn luận và tự do hội họp, ông nói: “Có vẻ như Cơ quan Lập pháp Tennessee cần xem xét lại Hiến pháp Hoa Kỳ”.
Chủ tịch của Nhóm nghị sĩ da màu, dân biểu bang Nevada, Steven Horsford, đã kêu gọi các nhà lập pháp Tennessee trở lại ghế của họ và yêu cầu Tổng chưởng lý Merrick Garland xem xét các hành vi vi phạm có thể xảy ra đối với Đạo luật quyền bầu cử.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành NAACP Derrick Johnson cho biết tổ chức dân quyền đã sẵn sàng thực hiện hành động pháp lý “để đảm bảo rằng nỗ lực tàn ác nhằm bịt miệng tiếng nói của người dân sẽ được giải quyết trước tòa án”.
Chủ tịch Hạ viện bang Tennessee Cameron Sexton đã bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng việc trục xuất các nhà lập pháp khiến hàng ngàn cử tri không có người đại diện. Ông nói: “Các nghị sĩ đó phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Khi tiến hành biểu tình trong Hạ viện, 3 nghị sĩ đó đã lấy đi tiếng nói của Hạ viện này trong 45 phút và làm gián đoạn công việc của cơ quan lập pháp”.