Nhiều ý kiến trước đề xuất đổi tên cầu 2.200 tỷ ở Quảng Ngãi
Một số người cho rằng nên đổi tên cầu Cửa Đại vì trùng với một công trình ở Quảng Nam, trong khi số khác đồng tình giữ nguyên tên cũ vì giá trị lịch sử của vùng đất.
Dự án cầu Cửa Đại ở Quảng Ngãi với vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 7 tới, hiện tỉnh này đang thu thập ý kiến cộng đồng về việc đổi tên công trình này.
Đổi vì trùng tên với cầu ở tỉnh bên cạnh
Trao đổi với Zing.vn, ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, cho hay ban quản lý dự án đề xuất cơ quan chức năng xem xét đặt lại tên cho công trình mang tên Cổ Lũy hoặc Thiên Mã.
"Việc đổi tên cầu Cửa Đại sang tên khác nhằm tránh nhầm lẫn, trùng tên với cầu Cửa Đại ở tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi đặt lại tên cầu nhằm tạo dấu ấn riêng, tạo thuận lợi cho việc mời gọi thu hút đầu tư cũng như phát triển du lịch địa phương", ông Phương nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi, cho biết thêm nếu đổi nên lấy tên Cổ Lũy.
Ông lý giải, khoảng thế kỷ 15 vùng đất Quảng Ngãi từng được gọi là vùng Cổ Lũy Động. Hiện, Cổ Lũy vẫn là tên gọi cho một cửa biển, nơi nước sông Trà Khúc và một nhánh sông Vệ đổ về. Ngoài ra, ở cửa sông Cửa Đại vẫn còn hai làng Cổ Lũy gồm: Cổ Lũy Bắc và Cổ Lũy Nam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Huy, giáo viên trường THPT Chuyên Lê Khiết (TP Quảng Ngãi), cho rằng việc đổi tên cầu là cần thiết.
"Nếu đặt tên cho cầu thì tôi chọn Cổ Lũy. Bởi lẽ công trình gắn với tên làng Cổ Lũy cô thôn đăng đối với cầu Thạch Bích bắc ngang qua sông Trà ở phía tây nổi tiếng với thắng cảnh Thạch Bích tà Dương trong thơ Nguyễn Cư Trinh từng ca ngợi", ông Huy nói.
Theo ông Huy, Cổ Lũy có nghĩa là thành trì vững chắc, phồn thịnh từ xa xưa đã thấm sâu vào tâm thức người Việt. Trong khi đó Thiên Mã chỉ là đỉnh núi bên dòng sông Trà, từ xưa đến nay người dân Quảng Ngãi ít nghe nhắc tới.
Đó chưa kể "Thiên Mã" dịch nôm ra là "con ngựa trời" (ngựa chứng, ngựa bất kham) khó phù hợp để đặt tên cho cầu.
Giữ lại vì giá trị lịch sử vùng đất
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên để tên cũ vì nó gắn liền với cửa sông nơi xây dựng cây cầu.
Nhà báo Nguyễn Đại Dương (ngụ Quảng Ngãi), chia sẻ nếu cửa sông là Cửa Đại thì cứ đặt tên là cầu Cửa Đại. Đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam, nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là: "Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân", thì việc trùng tên là bình thường.
Nếu cả hai cầu cùng nằm trên một con đường (ven biển) thì cầu Cửa Đại (Quảng Nam) có lý trình khác với cầu Cửa Đại (Quảng Ngãi), nên không lo bị nhầm lẫn về mặt quản lý.
"Không nên lấy ý kiến chủ quan của một bộ phận cán bộ hay người dân nào đó để thay thế hoặc xóa bỏ tên gọi về địa danh hay sự vật hiện tượng tồn tại từ nghìn đời nay", ông Dương nói.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, phân tích cửa Đại là một trong 5 cửa biển nổi tiếng gắn với không gian văn hóa, lịch sử giao thương lâu đời ở địa phương.
Năm 1998, các chuyên gia từng khai quật khảo cổ ở phía đông núi Phú Thọ gần cửa Đại. Kết quả khai quật có nhiều loại hình đồ trang sức, gốm đất nung, đầu ngói trang trí mặt hề... thuộc giai đoạn sớm văn hóa Chămpa.
"Điều này chứng tỏ vùng đất Cửa Đại thuở xa xưa từng là trung tâm văn hóa, chính trị - xã hội gắn với con đường giao thương trên biển. Do vậy cầu bắc qua sông giáp với cửa biển nên đặt tên Cửa Đại gắn liền với tâm thức người dân, lịch sử văn hóa lâu đời của vùng đất nơi đây", ông Khôi nhấn mạnh.