Nhìn
Tôi đã luyện thành công việc không nhìn vào mắt Trương mỗi khi nói chuyện.
Tôi học điều đó từ anh.
- Sao nói chuyện với tôi mà anh lại nhìn bức tường vậy?
- Anh nhìn đâu kệ anh chứ, nhưng mà anh vẫn nói chuyện với em đấy thôi.
Hay quá, tại sao tôi không phát hiện điều này sớm hơn? Mỗi khi nhìn Trương trong lúc tranh cãi, cục tức dồn từ ngực lên cổ họng, rồi bốc lên đầu, lan xuống tay chân, tôi muốn nhào tới cắn xé anh thành trăm mảnh. Anh thì cứ đứng đó thao thao bất tuyệt, hai tay làm đủ thứ động tác để minh họa, nhưng tuyệt nhiên Trương không nhìn tôi mà nhìn vào bức tường trước mặt hay nhìn ra trước cửa. Từ ngày học được tuyệt chiêu của anh, tôi ít bị kích động hơn mỗi khi cãi nhau. Dù lời anh nói nó ngang phè, vô lý đùng đùng, nó mâu thuẫn giữa câu trước và câu sau, thì sức tàn phá đối với tôi cũng không bằng điệu bộ, nét mặt của anh, nhất là cách anh không nhìn tôi khi nói.
Không nhìn vào mắt Trương khi nói chuyện, tôi cũng tập ít nhìn vào Trương mỗi ngày. Tôi không nhìn áo anh đã thẳng hay còn nhăn khi anh xách cặp ra khỏi nhà. Tôi không nhìn Trương khi ngồi vào bàn ăn, chỉ nghe tiếng húp canh xoàn xoạt, tiếng nhai xương rôm rốp. Anh làm rơi đũa xuống đất, tiếng kim loại va vào nền nhà vang lanh lảnh. Tôi không nhìn mặt anh khi anh chưa bận áo lót đi ra từ phòng tắm, mùi sữa tắm nam hơi nặng, làm tôi không thở nổi. Hệ hô hấp của tôi nhạy cảm với tất cả các thể loại mùi hóa chất.
Không nhìn Trương, tôi nhìn vào những ngón tay của mình khi trao đổi với anh. Tôi mân mê nó trong lúc nói với anh về việc cho thằng Rum học kèm tiếng Anh online với giáo viên nước ngoài. Nói đến câu thứ ba, chúng tôi đã bất đồng quan điểm. Trương không muốn con học nhiều, mà có học cũng học toán, tiếng Việt chứ học tiếng Anh làm gì. Tôi bảo anh lạc hậu, cổ hủ, không biết gì về xu hướng thời đại. Sau một hồi bất phân thắng bại, tôi chốt: Ok, tôi vẫn sẽ cho con học, tự đóng tiền học cho nó, khỏi phiền đến ai. Anh vẫn còn nói dông dài gì đó, nhưng tôi lúc này, dù vẫn còn mân mê những ngón tay mình nhưng đã ngưng tiếp nhận thông tin từ anh. Chừng năm phút sau, Trương cũng im lặng.
Không nhìn Trương, nhưng tôi vẫn nhìn mớ quần áo bẩn anh vứt lung tung trên sàn nhà, nhìn tất cởi ra anh nhét vào tủ áo quần năm ngăn bằng nhựa của thằng Rum. Không nhìn anh, tôi vẫn phải nghe mùi thuốc lá nồng nặc hay lẩn khuất khi mở cửa bước vào nhà. Không nhìn vào anh, tôi quát: "Ai vừa hút thuốc ở trong nhà, là anh hay thằng Rum?". Anh làu bàu gì đó tôi không nghe rõ, may mà tôi không nghe rõ.
Không nhìn anh, tôi nhiều lần thấy dây cắm của cái máy giặt trống không, mở nắp vẫn cắm trong ổ điện. Tôi vẫn thấy lon sữa bò anh khui để giữa bàn, kiến chui vào đen đặc. Tôi vẫn thấy lon bia còn nguyên, căng phồng trong ngăn đông tủ lạnh. Tôi vẫn thấy cánh cửa sổ phòng thằng Rum mở toang hoác, mưa tạt vào ướt chẹp nhẹp bàn học, lá cây rải khắp phòng. Thằng Rum đi học về thấy vậy khóc um lên. Anh quát nó. Tôi không nhìn anh, dằn dỗi dắt thằng Rum vào phòng tắm.
Không nhìn Trương, tôi cũng không muốn nhìn lại chặng đường mình đã đi. Nó tầm thường quá đỗi. Gặp gỡ. Tán tỉnh nhau. Yêu nhau. Cãi nhau. Cưới nhau. Cãi nhau. Cãi nhau. Cãi nhau…
Cảm giác êm đềm, dịu dàng của ngày đầu gặp gỡ, có bao giờ trở lại trong tôi? Tôi không biết. Tôi đã đi rất xa những thứ cảm xúc non trẻ ấy rồi. Một vài năm đầu sau khi cưới, tôi hình như vẫn còn khóc ấm ức mỗi khi cãi nhau với Trương, còn khóc tủi thân khi nhận tin nhắn chúc mừng sinh nhật từ bạn học cũ, còn để nước mắt chảy dài khi xem phim đến cảnh nam chính ôm nữ chính an ủi khi cô buồn.
Tôi lầm lũi, ít bạn bè. Tôi không bao giờ kể ai nghe chuyện của mình và Trương. Tôi cũng không có nhiều cơ hội nhìn vào cuộc đời người khác. Thỉnh thoảng, tôi có ganh tị với ai đó khi họ khoe điều này điều kia về chồng mình, dù cố ý hay vô tình. Nhưng, do xem nhiều phim, đọc nhiều tiểu thuyết, tôi cho rằng đó chỉ là lớp vỏ bên ngoài của mọi cuộc hôn nhân. Và bất kỳ mối quan hệ nào, cũng có những góc khuất.
Nhờ đó, tôi vẫn thấy mình ổn.
Nhờ học được từ Trương cách không nhìn vào mắt anh khi nói chuyện, tôi càng ngày thấy mình càng ổn. Trương vẫn ở đó, bên cạnh tôi trong cuộc đời. Anh chở thằng Rum đi học. Anh đổ rác mỗi tuần ba lần. Anh treo mùng trước giờ ngủ mỗi tối. Anh dọn cơm. Anh rửa chén. Anh lau nhà. Anh sửa ống nước. Anh thay bóng đèn. Anh chở máy vi tính của tôi đi sửa.
Trương ở đó, vẫn ồn ào mỗi khi nói chuyện. Anh không bao giờ sai. Luôn có lý do nào đó cho những hành động của mình, hoặc những việc anh đáng lẽ phải làm nhưng không làm, chứ nhất định không phải tại anh.
Trương ở đó. Căn hộ của chúng tôi chật chội và nhiều đồ đạc, không gian trống ít ỏi. Ngày mới chuyển về đây, tôi đặt mục tiêu sau năm năm sẽ mua đất xây nhà. Thời gian đó, đất đai còn rẻ, tôi có lúc dồn sắp đủ tiền để mua một lô ngoại ô đường năm mét năm rồi chần chừ không mua. Cơn sốt đất ập đến, giá đất nhảy vọt. Tiền tôi có, từ chỗ gần đủ mua một lô, sau hai năm chỉ còn mua được nửa lô, sau hai năm nữa thì chỉ còn mua được phần năm lô, dù mỗi năm tôi đều dư ra xấp xỉ hai trăm triệu. Dù cả tôi và Trương đều chăm chỉ làm việc, không tiêu xài vào những thứ xa xỉ hay vô nghĩa. Giờ thì tôi không mơ màng gì đến đất cát nữa.
Thực ra, khi dẹp được mối quan tâm về nhà đất ra khỏi đầu, tôi thấy mình sống khỏe hơn. Căn hộ nhỏ chật hay ngôi nhà rộng rãi, cũng chỉ là nơi để nấu ăn, dọn dẹp, ngủ nghỉ thôi mà. Tôi bắt đầu trồng hoa ngoài ban công. Tôi gieo cải, mồng tơi vào những hộp xốp. Như thể mình cũng đã có một khu vườn yên tĩnh để chăm bón. Trương thỉnh thoảng đem nước ra dội ầm ầm vào lũ rau xanh khờ dại. Anh không phân biệt được mồng tơi và rau ngót, nhưng vẫn bảo: "Mấy rau này, luộc lên ăn ngon phải biết".
Tôi ở đó. Trương ở đó. Chúng tôi giao tiếp với nhau bằng lời nói. Chúng tôi nhìn thấy nhau nhưng không nhìn nhau. Cuộc sống vẫn trôi đi. Thằng Rum ngày càng lớn. Tôi nhìn thằng Rum, không ngừng cho nó xem lại ảnh của mình ngày bé. Anh cũng vậy, anh mở máy tính gọi Rum đến cùng xem những album ảnh cũ và bảo với nó rằng khi bé nó xinh xẻo, thơm tho như cục kẹo sữa. Thằng Rum phản ứng, ôi, mùi sữa khiếp lắm, con ghét sữa.
Tôi lưu rất nhiều ảnh Rum trong máy tính. Ảnh Rum chụp một mình. Ảnh hai mẹ con chụp chung. Trong ảnh, tôi cười rạng rỡ. Tôi của năm hai mươi sáu tuổi bồng ngửa thằng Rum, đứng cạnh chậu mai trổ vàng, cánh rơi đầy mặt đất. Tôi của tuổi hai chín gầy guộc, dắt thằng Rum đi giữa công viên thành phố vào chiều mùng ba Tết. Tất cả ảnh của tôi và Rum, là do Trương chụp. Những bức ảnh, ghi dấu bao nhiêu khoảnh khắc của cuộc đời. Nhìn lại chúng, tôi thấy đoạn đường mình đã đi qua cũng đủ dặm dài. Nếu không có những bức ảnh, tôi tưởng như mình mới vừa chạy từ đâu đó đến đây, vừa quen vừa lạ với hiện thực ngồn ngộn vây quanh.
Tôi từng bị khủng hoảng tâm lý ở tuổi hai tám. Những vết chân chim nơi đuôi mắt bắt đầu xuất hiện. Tôi bắt đầu sợ hãi khi nghĩ mình sắp bước sang tuổi ba mươi. Dạo đó, tôi hay nói với Trương rằng tôi ước mình cứ mãi hai tám tuổi, thằng Rum cứ mãi tuổi lên ba. Tôi sợ thằng Rum lớn nhanh, nó sẽ không còn ngây thơ, không còn thơm mùi non dại cho tôi hít hà nữa. Dạo đó, tôi vẫn còn nhìn vào mắt Trương khi nói chuyện, và cãi nhau.
Khi tuổi ba mươi thực sự đến, tôi lại thấy rất bình thường. Thằng Rum bớt ốm vặt, tôi ít bị mất ngủ, da dẻ bỗng mịn màng hơn. Tôi không còn sợ thằng Rum lớn nhanh và phai dần mùi non dại, vì tôi còn bận trả lời hàng trăm câu hỏi vì sao của nó mỗi ngày. Tôi không còn sợ hãi tuổi ba mươi và cảm thấy mình may mắn vì có nhiều người đã năm mươi tuổi, đang đối mặt với các vấn đề về sức khỏe của thời kỳ mãn kinh. Tôi thấy mình bắt đầu hài hước với những suy nghĩ kiểu vậy.
Trương vẫn ở đó.
Nhưng tôi thì nhập viện rồi. Những vấn đề về sức khỏe đâu đợi khi tôi ngoài năm mươi mới xuất hiện. Bác sĩ bảo tôi phải mổ gấp trong đêm mới mong giữ được tử cung vì khối u quá to. Tôi òa khóc. Khi gọi taxi chở từ cơ quan vào bệnh viện vì đau không chịu nổi, tôi vẫn không nghĩ tình trạng của mình lại khẩn cấp như vậy. Tôi gọi cho Trương, thều thào bảo anh gửi thằng Rum cho hàng xóm rồi mang vào cho tôi ít đồ. Anh hỏi tôi muốn mặc váy màu gì, hay là mặc quần jeans áo pull vì bệnh viện lúc nào cũng đông người, mặc váy sẽ không tiện. Tôi định hét lên nhưng đã bị cơn đau quật ngã.
Tôi sẽ nằm viện thêm một tuần, Trương báo với tôi là bác sĩ mổ cho tôi đã dặn vậy. Lòng tôi rối bời. Ai sẽ lo cho thằng Rum?
- Em nằm đây, anh đi mua cháo nhé!
Phòng bệnh chật, kê sáu chiếc giường san sát nhau. Tôi nằm xoay đầu về phía cửa ra vào.
- Chị nhìn trẻ hơn chồng chị nhiều nhỉ? Cô gái trẻ nằm giường bên bắt chuyện. - Chắc chị thua chồng cũng cả chục tuổi nhỉ? Lấy chồng hơn tuổi, được chiều lắm nha.
Tôi lấy cớ còn mệt nên chỉ cười.
Trương xách cà-mèn đi vào, bảo tôi ngồi dậy ăn cháo. Tôi chưa kịp nói gì, cô gái giường bên đã nhanh nhảu:
- Ơ, anh bón cho chị ăn chứ, chị đang đau làm sao ngồi dậy được?
Trương nghe lời cô gái răm rắp, kê gối cao hơn, bón từng thìa cháo cho tôi. Ở khoảng cách gần như thế, mắt tôi không thể tránh nhìn vào gương mặt anh. Trông anh tiều tụy, mặt sạm đen vì thức khuya, hay vì chạy xe ngoài đường không đeo khẩu trang? Tóc anh vốn đã thưa, nay lại lộ thêm một vài sợi bạc. Tôi không biết cô gái trẻ đoán tôi bao nhiêu tuổi nhưng đúng là Trương trông già hơn nhiều so tuổi bốn mươi hai của mình. Tôi bảo với anh:
- Sau đợt này về, anh đi tập gym đi, cho khỏe người, nhìn anh có vẻ mệt mỏi. Em sẽ mua yến về cho cả nhà mình ăn, thằng Rum dạo này trở trời cũng hay ốm vặt.
Trương có vẻ hơi bối rối. Anh không nối tiếp ý tôi, đứng dậy bảo tối nay sẽ chở thằng Rum vào thăm mẹ.
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, chợt nhớ ra, lần đầu Trương ở bệnh viện với tôi là lúc sinh thằng Rum, mọi người tới thăm, chúc mừng đông vui lắm. Lần thứ hai này, còn có cả thằng Rum tới nữa, chẳng phải là một chuyện đáng để vui hay sao.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nhin-20200314205622241.htm