Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi ở Thanh Hóa
Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Công ước La Hay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã giải quyết nhiều trường hợp NCN trong nước, 42 trường hợp NCN có yếu tố nước ngoài. Qua đó, nhiều trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha, mẹ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác đã tìm được gia đình thay thế, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em được sống, bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
Thủ tục về nuôi con nuôi được UBND cấp xã niêm yết công khai tại trụ sở để người dân thuận tiện tìm hiểu, giải quyết các thủ tục hành chính. Trong ảnh: Công chức tư pháp – hộ tịch xã Thọ Thành (Thường Xuân) hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục hành chính.
Ngay sau khi Luật NCN được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 7 thông qua, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 10-3-2011 phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Luật NCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật NCN trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về NCN đến cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong Nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi để người có đủ điều kiện nhận trẻ em làm con nuôi, bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình; tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức giải quyết các việc về NCN; các biện pháp ngăn ngừa và xử lý hiện tượng mua bán trẻ em làm con nuôi hoặc lợi dụng việc NCN để trục lợi... Sở cũng đã tổ chức hội nghị phổ biến quán triệt Luật NCN cho gần 500 cán bộ chủ chốt, báo cáo viên pháp luật các sở, ngành cấp tỉnh và đại diện lãnh đạo, trưởng các phòng có liên quan ở cấp huyện. Thường xuyên lồng ghép tổ chức phổ biến quán triệt Luật NCN, Công ước La Hay và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành cho báo cáo viên, hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ chủ chốt ở cơ sở thông qua triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật do ngành tư pháp chủ trì thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, sở đã tổ chức 15 hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp luật lĩnh vực công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, NCN cho gần 8.000 lượt công chức tư pháp - hộ tịch cấp huyện, xã. Các vướng mắc liên quan đến công tác NCN được phản ánh đều được Sở Tư pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời...
Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký NCN và lưu trữ hồ sơ đăng ký NCN thông qua phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho việc đăng ký, thống kê, theo dõi số liệu nhanh chóng, chính xác, đầy đủ; giảm thao tác, rút ngắn thời gian tra cứu, tạo thuận lợi cho UBND cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch trong việc thực thi nhiệm vụ. Công tác cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực NCN luôn được UBND các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện bằng việc rà soát, công khai thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh; niêm yết công khai về thủ tục, hồ sơ tại trụ sở làm việc của UBND cấp xã để người dân thuận tiện tìm hiểu, giải quyết thủ tục hành chính.
Là một trong những địa phương triển khai sâu, rộng Luật NCN trong toàn dân, ngay sau khi có kế hoạch của tỉnh, UBND thị xã Nghi Sơn đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về NCN, đồng thời thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết công tác tư pháp. Chỉ đạo UBND xã, phường xây dựng các bài tuyên truyền về Luật NCN, Công ước La Hay, tổ chức phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở nhằm giúp cho cán bộ và Nhân dân hiểu thêm về những quy định của Luật NCN, Công ước La Hay; phát huy hiệu quả mô hình lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động tiếp công dân, hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở. Các thủ tục hành chính liên quan đến NCN thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND thị xã. Trong giai đoạn 2011 - 2020, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có 14 trường hợp nhận NCN trong nước; không có trường hợp nhận NCN có yếu tố nước ngoài.
Huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo các xã, thị trấn chỉ đăng ký việc NCN khi hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 17 và Khoản 1 Điều 18 của Luật NCN; khi đăng ký việc NCN, công chức tư pháp - hộ tịch phải kiểm tra mục đích của việc NCN để bảo đảm việc NCN là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm con nuôi được chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình theo quy định tại Điều 2 của Luật NCN. Kết quả, từ năm 2011 đến hết năm 2020 trên địa bàn toàn huyện Vĩnh Lộc đã giải quyết 17 trường hợp đăng ký NCN. Các trường hợp đăng ký NCN được giải quyết theo đúng thẩm quyền và thủ tục. Huyện Thạch Thành cũng đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện Luật NCN, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng các Luật NCN và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, địa phương xuống các xã, thị trấn lựa chọn các hình thức tuyên truyền một cách có hiệu quả pháp luật về NCN...
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, sau 10 năm thực hiện Luật NCN và Công ước La Hay, công tác NCN trong nước trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật về NCN và các quy định pháp luật có liên quan, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em được sống, bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình thay thế, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt. Đồng thời, góp phần giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ đơn thân hoặc các gia đình hiếm muộn được thực hiện quyền làm cha mẹ. Các trường hợp đăng ký NCN được thực hiện đúng tinh thần nhân đạo, tự nguyện xác lập quan hệ cha mẹ và con; kịp thời ngăn chặn và phát hiện những trường hợp lợi dụng quy định của pháp luật về NCN nhằm mục đích trục lợi mà pháp luật nghiêm cấm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính liên quan đến việc NCN.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác đăng ký, quản lý NCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: nhận thức, sự hiểu biết pháp luật về NCN của một số người dân còn hạn chế, do đó có trường hợp người dân nhận trẻ em bị bỏ rơi về nuôi dưỡng mà không thực hiện các thủ tục đối với trẻ em bị bỏ rơi hoặc tự ý nhận con nuôi mà không thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Sau một thời gian dài mới làm thủ tục đăng ký nhận con dẫn đến việc xác định nguồn gốc và tình trạng trẻ em bị bỏ rơi là hết sức khó khăn, phức tạp, không đủ cơ sở pháp lý để giải quyết việc nhận NCN.
Theo quy định của Luật NCN thì việc nhận NCN phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc của người giám hộ của trẻ em được nhận NCN. Nhưng thực tế lại phát sinh một số trường hợp cho nhận con nuôi rất tùy tiện, như sau khi sinh con, cha mẹ đẻ cho con làm con nuôi dưới hình thức trao tay, giấy viết tay, giấy chứng sinh... mà không để lại địa chỉ hoặc để lại địa chỉ giả dẫn đến khi tiến hành thủ tục đăng ký NCN, cơ quan đăng ký hộ tịch không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến đồng ý theo quy định của pháp luật. Việc thông báo tình hình phát triển của trẻ định kỳ còn gặp nhiều khó khăn do nhiều trường hợp cha mẹ nuôi thay đổi địa chỉ hoặc không chủ động báo cáo tình hình phát triển của trẻ em theo định kỳ 6 tháng 1 lần, nên nhiều trường hợp UBND cấp xã không nắm bắt kịp thời được tình hình phát triển của trẻ em...