Nhìn lại 10 ngày phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh
Tính đến ngày 16-2-2021, thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 10 ngày quyết liệt khoanh vùng dập dịch và bước đầu thành công khi bước sang ngày thứ bảy liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Hai từ khóa của thành công bước đầu này là 'chủ động, thần tốc'.
Người dân thành phố Hồ Chí Minh đã có một cái Tết đầm ấm, an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chủ động tìm vùng dịch
Ngay khi đợt dịch Covid-19 thứ ba bùng phát tại thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định, nguy cơ dịch Covid-19 tiềm ẩn trong cộng đồng là rất lớn, cần nhanh chóng xác định ổ dịch tiềm tàng để sớm khoanh vùng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan giao nhiệm vụ chung cho các sở, ngành phải chung tay đạt "mục tiêu kép + 1": Chủ động khống chế dịch, phát triển kinh tế thành phố và để người dân vui xuân, đón Tết.
Việc khó nhất là xác định nguồn bệnh tiềm tàng. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 13 triệu dân; các hoạt động kinh tế, văn hóa sôi động, di biến động của người từ các tỉnh, thành phố khác trên cả nước đến thành phố diễn ra phức tạp, liên tục. Vẫn có nhiều trường hợp người nhập cảnh trái phép qua các cửa khẩu biên giới về thành phố...
Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh chủ động xét nghiệm tầm soát cán bộ, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, từ đó phát hiện sớm dịch Covid-19.
Trong bối cảnh chung đó, ngành Y tế thành phố đã đưa ra một quyết định khá bất ngờ: Tầm soát kỹ Covid-19 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đầu mối đưa người và hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới về phía Nam Việt Nam.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Phó Trưởng khoa Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, từ ngày 30-1-2021, thành phố đã chủ động xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho hơn 8.000 nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đến ngày 5-2, đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên là bệnh nhân số 1.979, nhân viên xếp, dỡ hàng hóa trong sân bay.
“Từ trường hợp chỉ điểm này, các hoạt động giám sát được mở rộng, tiến hành truy vết, khoanh vùng nhanh chóng các trường hợp tiếp xúc để cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hải Yến cho biết.
Nhiều khu dân cư tại thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa, nhưng cuộc sống các khu vực xung quanh vẫn diễn ra bình thường.
Thần tốc khoanh vùng dịch
Một khối lượng công việc khổng lồ được triển khai nhanh, mạnh, dứt khoát. Ngay khi phát hiện ca bệnh, ngành Y tế đã xác định chiến lược chung: Khoanh vùng rộng, xét nghiệm nhanh. Theo đó, diện khoanh vùng đến tận trường hợp F3; diện xét nghiệm đến tận trường hợp F2, áp dụng phương pháp xét nghiệm mẫu gộp để có kết quả xét nghiệm nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất.
Với khoanh vùng, mọi trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung ngay lập tức. Cao điểm có tới 33 khu vực dân cư, điểm công cộng liên quan đến các ca F0, F1 được phong tỏa và khử khuẩn. Các ca F2, F3 được cách ly và giám sát chặt chẽ tại nhà, để kịp thời phát hiện biểu hiện lâm sàng của bệnh và sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Bà Bùi Tường Vi, một cư dân sống tại lô F, chung cư Carilion, số 1 đường Trần Văn Danh, phường 13, quận Tân Bình, chia sẻ về thực trạng nơi bà sống: “Chung cư nơi tôi ở bị phong tỏa ngay ngày 28 Tết, khi có một trường hợp F1 thành F0. Mọi cư dân đều được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19. Sau 2 ngày điều tra dịch tễ, xác minh lịch trình di chuyển của ca bệnh trong tòa nhà và căn cứ kết quả xét nghiệm, diện phong tỏa được thu hẹp còn vài tầng, sau 4 ngày chỉ còn tầng 15. Người dân không còn tâm lý căng thẳng như hai đợt giãn cách trước, mà thấy vững tin hơn vào những biện pháp phòng dịch quyết liệt và hiệu quả của các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh”.
Chỉ trong vòng 4 ngày đầu, sau khi phát hiện ca bệnh chỉ điểm (bệnh nhân 1.979), ngành Y tế thành phố đã xét nghiệm tầm soát Covid-19 lần 2 cho toàn bộ nhân viên công ty dịch vụ mặt đất VIAGS, nơi bệnh nhân 1.979 làm việc và người nhà của họ, với số lượng 5.400 mẫu xét nghiệm (hơn 1.600 nhân viên và hơn 3.800 người liên quan). Kết quả là thành phố đã phát hiện được 35 trường hợp mắc Covid-19 trong chuỗi lây này.
Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm duy trì các biện pháp phòng dịch hiệu quả để tạo môi trường an toàn cho cuộc sống người dân và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, với phương pháp xét nghiệm mẫu gộp (ghép 5 mẫu dịch vào 1 mẫu xét nghiệm), chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan y tế còn triển khai xét nghiệm tầm soát 24/24 giờ với 1.570 trường hợp F1, hơn 1.370 trường hợp F2 và 9.864 mẫu tại các địa điểm liên quan đến các ca F0. Nếu tính chung số mẫu xét nghiệm liên quan đến các ca F0, F1, con số lên đến 25.620 mẫu, tất cả đều âm tính. Nhiều điểm dân cư lớn đã được gỡ phong tỏa.
Tính đến sáng 16-2, thành phố Hồ Chí Minh đã bước sang ngày thứ bảy liên tiếp chưa ghi nhận ca nhiễm mới. Lần đầu tiên sau 3 lần dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, với số ca nhiễm có ngày phát hiện mới lên đến 24 ca, nhưng cuộc sống người dân thành phố Hồ Chí Minh không bị xáo trộn lớn. Không còn tình trạng cách ly phong tỏa diện rộng. Nhiều điểm vui chơi, giải trí dịp Tết vẫn mở cửa, với các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh đã bị khống chế.
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với sự trở lại của một lượng lớn người lao động sau kỳ nghỉ Tết, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn rất lớn. Toàn ngành Y tế thành phố sẽ tiếp tục cùng các cấp, các ngành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho cuộc sống người dân và phát triển kinh tế.
Theo đó, những người tiếp xúc gần với ca nhiễm, nghi nhiễm do Bộ Y tế công bố đều phải cách ly tập trung. Những người trở về từ địa phương có ca bệnh bị giám sát, địa điểm phong tỏa, nơi thông báo khẩn của Bộ Y tế nếu trong thời gian 14 ngày phải tự cách ly tại nhà, nếu sau 14 ngày thì tự theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu nghi nhờ nhiễm bệnh sẽ được xét nghiệm.
Ngoài những trường hợp đến từ các vùng dịch và phương tiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế phải đi cách ly tập trung, một số trường hợp khác cũng phải áp dụng biện pháp này. Cụ thể: Những người từ tổ 1, khu phố 6, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long và người từ các xã Thủy An, An Sinh, Bình Dương, Nguyễn Huệ của thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đến thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1-2 đến nay phải cách ly tập trung. Quy định này cũng áp dụng cho những người đến từ các huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương từ ngày 1-2 đến nay.
Những người từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đến thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15-1 đến ngày 31-1 tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Ngành Y tế thành phố sẽ xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên đối với người đến từ các địa phương đang có dịch. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên với 10-20% số lượng khách đến. Tại ga Sài Gòn, sẽ tiến hành 100 mẫu đơn/ngày đối với hành khách đến từ các tỉnh, thành có ca nhiễm. Bến xe Miền Đông cũ, Bến xe Ngã Tư Ga, Bến xe Miền Đông mới sẽ tiến hành lấy 100 mẫu đơn/ ngày/ địa điểm.
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.