'Nhìn lại 2 năm thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới' (Bài 7): Khơi dậy tiềm năng quỹ đất vườn nhờ tiêu chí sản xuất

Phát triển sản xuất được xem là giải pháp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời tạo tiền để huy động nguồn lực, thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp góp phần tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất để xây dựng 'vườn hộ', 'vườn mẫu' nhằm đánh thức tiềm năng quỹ đất vườn còn là giải pháp góp phần tạo diện mạo nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; nâng cao thu nhập cho người dân và chất lượng XDNTM tại địa phương.

Vườn hộ tại xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) được quy hoạch khoa học, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa có quỹ đất rộng và tập quán sinh sống gắn bó, hòa nhập với thiên nhiên nên hầu như mỗi hộ gia đình đều có một diện tích đất vườn nhất định. Trước đây, người dân thường phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo cảm tính, thiếu tính quy hoạch, chưa chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thì những năm gần đây thực trạng này đã dần được khắc phục nhờ tiêu chí “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” trong XDNTM. Các địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, định hướng người dân đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, khơi dậy tiềm năng để phát triển kinh tế vườn hộ.

Về xã NTM nâng cao Ngọc Phụng (Thường Xuân), chúng tôi bị thu hút bởi sự phong quang, sạch đẹp từ những con đường bê tông, đến những hàng hoa rực rỡ hay hàng cây xanh mát dọc hai bên đường. Thăm khu vườn rộng hơn 5.000m2 của ông Trịnh Quang Hải, thôn Xuân Lập, chúng tôi được mãn nhãn bởi sự trù phú của những loại cây trái trĩu quả, các loại rau xanh, ao cá, khu chăn nuôi được quy hoạch gọn gàng, đẹp mắt. Giữa các lối đi đều có đường bê tông sạch sẽ, hệ thống nước tưới trải rộng khắp khu vườn. Ông Hải cho biết: Năm 2017, khi địa phương có chủ trương xây dựng vườn mẫu theo tiêu chí NTM, gia đình tôi đã mạnh dạn chặt bỏ nhiều cây trồng hỗn tạp, cải tạo đất, đầu tư trồng gần 1.000 trụ thanh long ruột đỏ và các loại rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Chỉ sau hơn 1 năm đầu tư, khu vườn đã trở thành một “tiểu vùng” sản xuất với đầy đủ các loại rau, quả theo mùa. Đồng thời, trở thành nguồn thu nhập chính giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống và tích lũy lâu dài. Nhờ được quy hoạch và lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để sản xuất, khu vườn của gia đình ông Trịnh Quang Hải trở nên khoa học, đẹp mắt. Hiện, trung bình mỗi ngày gia đình ông Hải thu nhập khoảng 200.000 đồng từ bán các loại rau, hoa quả trong vườn.

Trên địa bàn xã Ngọc Phụng còn có hàng trăm hộ gia đình tham gia cải tạo vườn tạp, phát triển vườn hộ của gia đình trở thành khu sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Ông Hà Đình Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, cho biết: Trên địa bàn xã có hàng trăm hộ gia đình phát triển sản xuất, đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: cam, bưởi, ổi, mít Thái, thanh long và các loại rau theo hướng hữu cơ trên diện tích vườn hộ, mang lại thu nhập ổn định. Trong đó, có 39 khu vườn đạt chuẩn theo tiêu chí xã NTM nâng cao và 25/39 khu vườn mẫu được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và bán tự động một cách khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, 100% các vườn mẫu trên địa bàn đã có sản phẩm cho thu hoạch, tổng doanh thu bình quân của các khu vườn mẫu trên địa bàn xã đạt hơn 2,7 tỷ đồng/năm. Việc hình thành các khu vườn mẫu không chỉ tạo cảnh quan đẹp, giảm thiểu sự lãng phí nguồn đất từ các vườn hộ, góp phần nâng cao thu nhập mà còn định hướng cho người dân tư duy sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tại huyện Hoằng Hóa, theo điều tra, khảo sát sơ bộ, toàn huyện có 20.350 hộ có vườn. Trong đó, có 1.620 vườn có diện tích hơn 500m2; 13.741 vườn có diện tích từ 50m2 đến dưới 500m2, còn lại là các khu vườn dưới 50m2. Với mục tiêu cải tạo, nâng cấp vườn hộ thành vườn sạch sẽ, gọn gàng trở thành nơi sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của Nhân dân gắn với Chương trình XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xây dựng đô thị văn minh. Tháng 6-2021, UBND huyện Hoằng Hóa đã ban hành Đề án 1089/QĐ-UBND về “Cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Để triển khai thực hiện đề án, UBND huyện Hoằng Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc cải tạo vườn hộ. Đồng thời, tổ chức nhiều chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả ở trong và ngoài huyện nhằm giúp người dân lựa chọn được loại cây trồng phù hợp với đất đai, điều kiện lao động của từng hộ, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao... Đến nay, trên địa bàn huyện đã quy hoạch được hàng trăm khu vườn có cảnh quan đẹp, hài hòa, khoa học, mang giá trị kinh tế cao, như: vườn hộ các ông Nguyễn Đức Quy, Lương Đức Vượng, Nguyễn Xuân Miên (xã Hoằng Xuân); hộ ông Nguyễn Đức Phấn (xã Hoằng Lộc), hộ ông Tô Văn Tước (xã Hoằng Phượng); ông Hoàng Văn Lâm, ông Lương Hữu Toán (xã Hoằng Phong); ông Lê Đức Huy, ông Nguyễn Tiến Tư (xã Hoằng Trạch); ông Lê Khắc Ngọc (thị trấn Bút Sơn)...

Được biết, cùng với Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cũng triển khai nhiều chương trình, phong trào gắn với việc xây dựng, quy hoạch, phát triển vườn hộ. Tiêu biểu, như: hội liên hiệp phụ nữ với phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”; hội nông dân với phong trào “Cải tạo vườn tạp”, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh với chủ trương xây dựng vườn đẹp theo tiêu chí NTM... Xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương, sự đồng tình ủng hộ của người dân, phong trào “đánh thức vườn hộ” trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả tích cực trở thành một trong những điều kiện để giúp các địa phương hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM. Việc khơi dậy tiềm năng quỹ đất vườn đã được các địa phương, người dân thực hiện đồng bộ tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Theo đó, đã có hàng nghìn hộ gia đình chuyển đổi, cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh hay cây dược liệu... Đồng thời, quy hoạch, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để hình thành nên những khu vườn khang trang, hiện đại, có hiệu quả kinh tế cao.

Quá trình triển khai XDNTM, để hoàn thành tiêu chí sản xuất, các địa phương đã tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện có hiệu quả việc khai thác các khu vườn của gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, chỉnh trang nhà ở, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo ra diện mạo mới khá rõ nét trong các khu dân cư về kinh tế, cảnh quan; thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa, kết nối với thị trường. Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn từ kinh tế vườn, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm công tác phát triển kinh tế vườn nhằm nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư; lựa chọn cây, con chủ lực phù hợp với địa phương; thành lập các tổ hợp tác, HTX, vừa giúp nhau phát triển sản xuất, vừa tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ; vệ sinh môi trường; tăng cường liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Bài 8: Phát triển tiêu chí nổi trội ở những xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/nhin-lai-2-nam-thuc-hien-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-bai-7-khoi-day-tiem-nang-quy-dat-vuon-nho-tieu-chi-san-xuat/180344.htm