Nhìn lại 2 năm triển khai CPTPP: Thành tựu và tiềm năng còn để ngỏ
Là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao bậc nhất của Việt Nam cho đến nay, việc triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong 2 năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng liệu cho đến nay DN Việt Nam đã tận dụng được tối đa những ưu đãi từ hiệp định này?
“Trợ lực” cho nền kinh tế giữa đại dịch
"Có thể chúng ta còn phải sống chung với đại dịch ít nhất là tương lai gần, nhưng trong tình hình khó khăn đó chúng ta may mắn có Hiệp định CPTPP. Hiệp định CPTPP là một trong những cơ hội của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại Việt Nam với thế giới trong bối cảnh khó khăn.", Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ sáng 23/3 tại Hội thảo đánh giá 2 năm CPTPP được thực thi.
Trải qua 2 năm đi vào hiệu lực, Hiệp định CPTPP đã đem lại những thành tựu nhãn tiền trong quan hệ thương mại hai bên. Năm 2019, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Canada đạt tốc độ tăng trưởng cao xấp xỉ 30%, gần gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng thương mại song phương trung bình giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP. Năm 2020 dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉ lệ tăng trưởng thương mại giữa hai bên có chậm lại, nhưng vẫn cao gần gấp đôi so với trung bình tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Việc đương đầu với đại dịch Covid-19 đồng thời ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch khiến dòng vốn đầu tư đảo chiều. Trong bối cảnh này, có thể nói những FTA như CPTPP đóng vai trò một phần “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam, theo ông Vũ Tiến Lộc.
Về kết quả Hiệp định CPTPP sau 2 năm triển khai, bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam nhấn mạnh, kim ngạch thương mại hàng hóa song phương Canada - Việt Nam đạt mức kỷ lục 8,9 tỷ USD trong năm 2020, tăng 12% so với năm trước và 37% hai năm khi hiệp định đi vào hiệu lực bất chấp tác động từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh con số ấn tượng, Hiệp định CPTPP đã cải thiện khả năng tiếp cận cho hoạt động thương mại và dịch vụ giữa Canada và Việt Nam, củng cố một bộ quy tắc chung, giảm chi phí đối với thương mại và giúp cho hoạt động đầu tư dễ dự đoán hơn. Điều này giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm tại hai thị trường Canada và Việt Nam, theo Đại sứ Canada tại Việt Nam.
Theo bà Lisa Mallin, Chuyên gia cao cấp về CPTPP của Canada, sự bất ổn và căng thẳng liên tục trong môi trường toàn cầu đòi hỏi tăng cường hợp tác giữa Canada và Việt nam, và điều này càng cấp thiết hơn do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Hiệp định CPTPP đã tạo ra cơ hội làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước.
Vẫn còn tiềm năng "để ngỏ"
Trao đổi cụ thể về hiệu quả thực tiễn của CPTPP trong quan hệ thương mại Việt Nam- Canada, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) tiết lộ, tỉ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP tại thị trường xuất khẩu trong khối là 1,67%, con số này ở thị trường Canada là 8,03% so với trung bình các FTA 37,2% vẫn vô cùng khiêm tốn. Lý do lớn nhất khiến DN Việt Nam chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định là không biết về những ưu đãi thuế quan theo CPTPP, bên cạnh một số nguyên nhân khác như đã hưởng ưu đãi thuế theo FTA có lợi hơn, hay các vấn đề về giấy tờ vận chuyển, thủ tục thông quan… Do đó, việc thông tin cho các DN hiểu rõ cũng như về cách tận dụng các ưu đãi này cần được thúc đẩy nhiều hơn nữa trong tương lai.Số liệu thống kê cho thấy, tại Canada cũng chỉ có 7% DN hiểu biết chi tiết về CPTPP, trong khi 93% có hiểu biết ít hoặc không biết.
Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, tại Việt Nam công tác tuyên truyền hiểu biết về Hiệp định đã được triển khai tuy nhiên các DN vẫn cần nỗ lực để tìm hiểu rõ về thị trường; tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện các sản phẩm và dịch vụ để thực sự phát huy được hết những tiềm năng, lợi thế và tận dụng ưu đãi từ CPTPP.
Bên cạnh những ưu đãi thuế, việc hợp tác với các quốc gia trong FTA tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và chính quyền Việt Nam học hỏi và nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ. Đại sứ Deborah Paul cho biết, hiện Canada đang triển khai 3 sáng kiến cụ thể để hỗ trợ Việt Nam. Bao gồm EDM, cơ chế hỗ trợ chuyên gia về thương mại và phát triển; Dự án CTIPS phát triển về thương mại và đầu tư để tăng cường hiểu biết cho cán bộ công thương, hải quan cũng như cộng đồng DN và cuối cùng là Chương trình Safe growth - tăng cường năng lực an toàn thực phẩm để DN nông nghiệp Việt Nam tiếp cận tốt với thị trường thế giới.