Nhìn lại 5 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc
Sau 5 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hàn Quốc hiện đang là quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Sau 5 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), hai nước đã và đang tận dụng tốt các điều khoản từ VKFTA, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương giữa hai nước về thương mại và đầu tư.
Hàn Quốc hiện đang là quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Hiệp định VKFTA-FTA song phương đầu tiên với đối tác kinh tế
Chính thức được ký ngày 5/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, VKFTA là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đầu tiên trong số các FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế.
VKFTA một hiệp định mang tính toàn diện, có mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả đôi bên.
Hiệp định VKFTA gồm 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận thực thi quy định, với các nội dung chính gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý.
Với nội dung đã được thỏa thuận, VKFTA được đánh giá là mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.
Về kinh tế, thương mại, đầu tư, việc ký kết VKFTA giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng nhiều cơ hội về thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.
Về lợi ích xã hội, VKFTA tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, nhất là của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
Việc ký Hiệp định VKFTA là một bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, góp phần tích cực phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc, theo hướng ổn định, lâu dài, góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Để thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định mang lại, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã thành lập một Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định cấp Bộ trưởng và đã hợp tác hết sức chặt chẽ, tích cực trong suốt thời gian qua. Nhờ đó, Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang tận dụng tốt các điều khoản từ VKFTA, qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương giữa hai nước về thương mại và đầu tư.
Cụ thể, sau 5 năm thực thi VKFTA, thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc liên tục tăng trưởng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong giai đoạn 2016-2018 đạt mức tăng trưởng trung bình 26,9%/năm so với mức 24,3%/năm của giai đoạn (2010-2015).
Các mặt hàng Hàn Quốc và Việt Nam cam kết cắt giảm thuế đều có mức tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Đối với Việt Nam là thủy sản, dệt may, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, giầy dép các loại, xơ, sợi dệt các loại, rau quả. Đối với Hàn Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; dây điện và cáp điện…
Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc đạt hơn 65,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 18,24 tỷ USD; Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 47,6 tỷ USD.
Năm 2019, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt trên 67 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 19,75 tỷ USD; nhập khẩu đạt 47,29 tỷ USD. Hàn Quốc hiện đang là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
VKFTA cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Trong những năm gần đây, vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh.
Giai đoạn từ 2015-2018, Hàn Quốc liên tiếp đứng đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD; trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD.
Bên cạnh lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, Hàn Quốc hiện cũng là đối tác lớn của Việt Nam về hợp tác phát triển du lịch. Vài năm trở lại đây, khách Hàn Quốc đến Việt Nam du lịch ngày càng tăng.
Đây là thị trường quan trọng thứ hai chỉ sau Trung Quốc đối với du lịch Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam trong ba năm qua đạt những con số rất ấn tượng.
Nếu như năm 2016, Việt Nam đón khoảng 1,5 triệu khách Hàn Quốc thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 3,5 triệu và năm 2019, cán mốc 4,3 triệu lượt. Đầu năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam vẫn đạt con số ấn tượng với 468 nghìn lượt khách, tăng 10% so với tháng 12-2019.
Nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào cuối năm 2020
Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được, Việt Nam và Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) Park Ki Young (tháng Hai vừa qua, tại Seoul, Hàn Quốc) hai bên đã thống nhất 4 định hướng chính của kế hoạch hành động giữa hai Bộ nhằm thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD.
Để thực hiện mục tiêu trên sẽ đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao giá trị xuất khẩu sang Hàn Quốc; hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng tiềm năng như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, nông thủy sản và thực phẩm chế biến; tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp ô tô, dệt may, hóa chất, cơ khí-chế tạo và linh kiện của Việt Nam, từ đó tạo năng lực cạnh tranh thúc đẩy xuất khẩu trở lại Hàn Quốc và xuất khẩu sang các nước khác.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Park Ki Young nhấn mạnh: Việt Nam là đối tác quan trọng của Hàn Quốc và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành mắt xích chủ yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ôtô, điện tử, da giày, dệt may..../.