Nhìn lại 9 năm đổi mới tuyển sinh đại học từ năm 2015

Năm 2024, công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non cơ bản ổn định như những năm trước. Đây cũng là năm thứ 10 thực hiện đổi mới tuyển sinh từ năm 2015.

Nhìn lại quá trình đổi mới từ 2015 đến nay, có thể thấy, cách thức tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non ngày càng ổn định và tốt hơn. Qua quá trình triển khai, có 8 điểm mới được thực hiện qua các năm.

Thứ nhất, tổ chức thi để xét tuyển, phương thức xét tuyển

Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng; các cơ sở đào tạo xét tuyển căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển.

Năm 2017, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển. Năm 2018, các trường được tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Năm 2019, cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Năm 2020, bổ sung điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng. Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Năm 2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh… tổ chức kỳ thi riêng. Các trường thuộc Bộ Công an tổ chức thi riêng để kết hợp với điểm thi THPT, điểm học tập bậc THPT xét tuyển.

Năm 2024, hình thành nhóm 6 cơ sở đào tạo (Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức thi và công nhận kết quả lẫn nhau.

Năm 2025, ngày 24/11/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Thứ hai, đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển

Năm 2015, trong xét tuyển đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào một trường, thời gian đăng ký khoảng tháng 8, nếu thay đổi nguyện vọng phải đến trực tiếp cơ sở đào tạo. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển tại cơ sở đào tạo. Đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phiếu và nộp tại cơ sở đào tạo.

Năm 2016, đợt 1, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Trong các đợt bổ sung, thí sinh đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành.

Năm 2017, thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phiếu cùng với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và nộp tại cơ sở giáo dục. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi, chỉ trúng 1 nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất

Năm 2021, đăng ký xét tuyển bằng phiếu hoặc trực tuyến (nơi có điều kiện) theo quy định của Sở GD&ĐT, thời gian đăng ký cùng với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần.

Năm 2022, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi thi tốt nghiệp THPT, và được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần trong thời gian quy định. Năm 2023, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành - trường, không cần chọn phương thức xét tuyển.

Thứ ba, ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng

Năm 2015, điểm ưu tiên khu vực: Khu vực 1 là 1,5 điểm; khu vực 2 nông thôn là 1,0 điểm; khu vực 2 là 0,5 điểm; khu vực 3 không hưởng ưu tiên. Ưu tiên đối tượng: Nhóm 1 là 2,0 điểm; nhóm 2 là 1,0 điểm.

Năm 2018, giảm 1/2 điểm ưu tiên khu vực. Cụ thể: Khu vực 1 là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm; khu vực 2 là 0,25 điểm; khu vực 3 không hưởng ưu tiên. Ưu tiên đối tượng giữ nguyên như năm 2017.

Năm 2023, điểm ưu tiên giảm dần từ 22,5, tối đa điểm xét tuyển (đã cộng ưu tiên) là 30 điểm.

Thứ tư, ngưỡng bảo đảm chất lượng

Năm 2015, Bộ GD&ĐT quy định, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào chung. Năm 2018, các cơ sở đào tạo tự quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng, Bộ GD&ĐT chỉ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đối với các ngành đào tạo giáo viên.

Năm 2019, Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đối với các ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề

Năm 2024, công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non cơ bản ổn định như những năm trước.

Năm 2024, công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non cơ bản ổn định như những năm trước.

Thứ năm, xét tuyển và lọc ảo

Năm 2015, điểm môn xét tuyển làm tròn đến 0,25. Các cơ sở đào tạo chủ động tự xét tuyển. Năm 2016, tổng điểm các môn thi làm tròn đến 0,25. Hình thành nhóm xét tuyển (nhóm GX). Năm 2017, hình thành các nhóm xét tuyển và lọc ảo (nhóm phía Bắc, nhóm phía Nam), Bộ GD&ĐT lọc ảo chung phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm 2018, điểm xét tuyển làm tròn đến hai chữ số thập phân. Các cơ sở đào tạo được xét tuyển nhiều đợt trong năm.

Năm 2022, tất cả các nguyện vọng (theo các phương thức xét tuyển) của thí sinh đều được lọc ảo trên hệ thống chung. Năm 2023, xét tuyển tất cả các phương thức do cơ sở đào tạo công bố cho các nguyện vọng thí sinh đăng ký đủ điều kiện xét tuyển.

Thứ sáu, cơ sở dữ liệu

Năm 2015, điểm thi tốt nghiệp của thí sinh được cập nhật trên hệ thống chung. Thí sinh được cấp Giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển. Năm 2017, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống chung để xét tuyển. Năm 2018, liên thông giữa các hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung với hệ thống báo cáo xác định chỉ tiêu.

Năm 2022, kết quả học tập bậc THPT trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành được đồng bộ sang Hệ thống hỗ trợ xét tuyển sinh chung để các cơ sở đào tạo làm căn cứ xét tuyển. Kết nối giữa Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Năm 2023, các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đưa kết quả thi lên hệ thống chung để các cơ sở đào tạo dùng xét tuyển.

Năm 2024, liên thông giữa các Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung với Hệ thống báo cáo xác định chỉ tiêu và Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Dự kiến hỗ trợ các trường có tổ chức thi năng khiếu đưa dữ liệu lên hệ thống chung.

Thứ bảy, chỉ tiêu tuyển sinh

Trước năm 2018, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh. Năm 2018, các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh (trừ ngành đào tạo giáo viên Bộ GD&ĐT giao). Nếu đã kiểm định cơ sở giáo dục (còn hạn) được tăng không quá 120%.

Năm 2019, nếu ngành được kiểm định thì chỉ tiêu ngành được tăng theo năng lực. Năm 2021, cơ sở đào tạo được kiểm định thì được tăng theo năng lực. Chỉ tiêu vừa làm, vừa học tăng từ 30% lên 50% so chỉ tiêu chính quy đối với các nhóm ngành đào tạo giáo viên và văn hóa nghệ thuật.

Từ năm 2023, chỉ tiêu vừa làm, vừa học được tính theo năng lực chính quy (không theo chỉ tiêu chính quy do Bộ GD&ĐT thông báo hoặc trường xác định).

Thứ tám, một số điểm mới khác

Năm 2018, đề án tuyển sinh phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng. Năm 2019, thí sinh xác nhận nhập học phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi vào 1 trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

Năm 2020, Quy chế tuyển sinh áp dụng trong tuyển sinh trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non bao gồm các hình thức đào tạo: Chính quy, vừa làm vừa học, theo đặt hàng, liên thông. Dừng tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm.

Năm 2022, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Cơ sở đào tạo phải có phương án giải quyết rủi ro trong quá trình xét tuyển cho thí sinh.

Năm 2023, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. Cơ sở đào tạo phải ban hành Quy chế tuyển sinh.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhin-lai-9-nam-doi-moi-tuyen-sinh-dai-hoc-tu-nam-2015-167783.html