Nhìn lại các vụ mẹ bỏ rơi con sơ sinh: Người cha ở đâu?

Người phụ nữ sống buông tuồng, nhẹ dạ, vô trách nhiệm với bản thân, phải chịu sự lên án của dư luận và chế tài của pháp luật. Vậy nhưng không hề thấy bóng dáng của người đàn ông trong các vụ việc đau lòng này.

 Người dân đã đục tường cứu bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi trong khe tường. Ảnh: ST

Người dân đã đục tường cứu bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi trong khe tường. Ảnh: ST

Tháng 6/2020, người phụ nữ tên T., 31 tuổi, quê Hà Tĩnh, đã bị Công an thị xã Sơn Tây, Hà Nội, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết và vứt bỏ con mới đẻ theo điều 124 Bộ luật hình sự 2015.

Trước đó, người mẹ này đã đón xe bus từ nội thành Hà Nội lên thị xã Sơn Tây. Vào lúc 23h cùng ngày, cô có dấu hiệu trở dạ và đi bộ một mình tới ruộng rau cạnh đền Mẫu thuộc thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ, để tự sinh con. Sau đó, người mẹ này đã bế đứa trẻ để lại cạnh hố ga. Cháu bé phải chịu dầm sương cả đêm và dưới cái nắng nóng thiêu đốt 40 độ C mấy ngày sau nữa.

2 ngày sau, người dân địa phương đã phát hiện ra bé sơ sinh còn nguyên dây rốn, không có quần áo, bị nhiều tổn thương do tác động môi trường. Bé ngay lập tức được đưa đi cấp cứu nhưng sau đó con đã không qua khỏi vì sốc nhiễm khuẩn và kháng các loại kháng sinh.

Các cơ quan chức năng đã truy tìm ra người mẹ. Cô này ban đầu không thừa nhận hành vi bỏ con và có những lời khai gian dối để che giấu thân phận. Nhưng sau đó, T. đã khai rằng từng có đứa con 3 tuổi với người đàn ông không có hôn thú trú tại xã Thanh Mỹ. Khi người này đi tù, T. để con cho ông bà nội nuôi, chỉ thỉnh thoảng mới về thăm con.

T. đi rửa bát thuê ở Hà Nội, sống cuộc đời lang chạ, vô gia cư. Cô có mối quan hệ buông tuồng với nhiều đàn ông khác nhau nên không thể biết cha của con mình là ai. Khi dịch bệnh tràn tới, các cửa hàng ăn đóng cửa, T. thất nghiệp. Không tiền bạc, không nhà cửa, không ai cưu mang, người phụ nữ này cùng quẫn. Vào ngày sinh con, T. đã bắt xe buýt tới xã Thanh Mỹ thăm đứa con đang ở với ông bà nội. Sau khi để con sơ sinh trên hố ga, người mẹ này đã rời đi ngay.

Mới đây, vào 17h50 ngày 18/8, người dân tại phố Đào Nguyên A, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ trong khe tường hẹp giữa 2 dãy nhà trọ. Họ phát hiện ra có em bé sơ sinh không mặc quần áo, còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi tại đây. Người dân đã đục tường ra, đưa bé đi cấp cứu. Rất may, em bé đã được cứu sống.

Sau khi công an vào cuộc đã phát hiện ra người mẹ bỏ rơi con là sinh viên năm thứ 2 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Người mẹ này ở trọ tại đây, thường mặc váy áo rộng và đi về trễ nên không ai biết cô gái mang bầu. Lý do vứt bỏ con mà nữ sinh này đưa ra là có thai ngoài ý muốn nhưng vì lo sợ nên giấu tất cả bạn bè và gia đình.

Người mẹ vứt bỏ con xuống hố ga viết tường trình tại cơ quan công an

Người mẹ vứt bỏ con xuống hố ga viết tường trình tại cơ quan công an

Không thấy bóng dáng người cha

Cả 2 vụ việc vứt bỏ con sơ sinh của 2 bà mẹ nêu trên đều không hề thấy bóng dáng của người cha. Những người mẹ này, kẻ có học thức, người sống lang bạt, mà đều chung hành vi mất nhân tính, vô trách nhiệm với bản thân và con cái. Họ xứng đáng nhận tất cả sự lên án của dư luận và cả án phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Song, 1 đứa trẻ được hoài thai phải có sự kết hợp của cả cha lẫn mẹ. Cô T. sống lang bạt kia lấy các mối quan hệ với đàn ông làm sự đổi chác vật chất để duy trì sự sống. Vì vậy, cô T. và người đàn ông nào đó đều vô trách nhiệm như nhau, khi chọn quan hệ tình dục không an toàn.

Còn với nữ sinh năm thứ 2 đại học kia, chắc hẳn cô đã (hoặc đang) có mối tình với người bạn trai. Nhưng khi biết tin mang bầu, chỉ có mình nữ sinh ấy chịu trận. Cô sợ hãi, né tránh người thân, bạn bè, hàng xóm nên phải cố gắng đi về thật trễ, cố gắng mặc váy áo rộng nhất để che bụng bầu. Không ai biết bạn trai của cô là ai. Thiếu kiến thức tình dục, thiếu kinh nghiệm sống, nữ sinh này đơn thương độc mã chống chọi với những va vấp đầu tiên trong cuộc đời. Tới tận lúc mọi sự đổ bể, người bạn trai của cô, người cha của đứa trẻ, vẫn không thấy xuất hiện.

Ở phía ngược lại, trong các cuộc ly hôn kéo dài của nhiều cặp đôi, thông thường đều vì tranh chấp tài sản và con cái. Một cuộc hôn nhân đã kết thúc thì những đứa trẻ lại được mang ra tòa án để cha mẹ chúng chứng minh thu nhập nuôi con, đưa ra các bằng chứng bất lợi và xấu xa nhất của đối phương nhằm giành nuôi con. Đã có vô số trường hợp người cha bận rộn ra ngoài làm ăn kiếm tiền, việc nhà việc chăm sóc con cái dồn lên vai người mẹ. Thậm chí nhiều ông bố còn không nhớ được con của mình học lớp mấy và chưa khi nào đưa đón con tới trường. Tuy nhiên, tới khi ly hôn thì họ bắt đầu xuất hiện để chứng minh thu nhập, hòng mang con cái về ở với mình.

Vứt bỏ đứa con vừa mới chào đời, khi đứa trẻ chưa thể tự bảo vệ, là hành vi mất nhân tính của người mẹ khó có thể bào chữa. Tuy nhiên, khi áp dụng chế tài, chắc chắn các nhà giữ cán cân công lý cũng sẽ xét tới các yếu tố cùng quẫn, tâm lý hoảng loạn khi đối mặt với hoàn cảnh cá nhân, để tuyên phạt mức án phù hợp. Nhưng không có pháp luật nào kết tội được người cha, cũng ít thấy dư luận truy tìm dấu vết của người cha, để tính chuyện phải trái, đạo nghĩa ở đời, khiến chuyện của 2 người lại chỉ dồn nỗi đau và trách nhiệm lên vai người mẹ. Việc quan hệ lang chạ, hành vi không sử dụng biện pháp tránh thai cũng cần phải lên án mạnh mẽ theo chiều hướng không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn là vấn đề đạo đức, cần được truyền thông và các nhà xã hội học để tâm.

Điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội giết hoặc vứt bỏ con mới sinh:

- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi sẽ bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng - 2 năm.

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhin-lai-cac-vu-me-bo-roi-con-so-sinh-nguoi-cha-o-dau-20200908204729367.htm