Nhìn lại chặng đường 1 năm Mỹ triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19

Cách đây tròn một năm, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã bắt đầu với sự háo hức giữa lúc không khí ảm đạm bao trùm đất nước do đại dịch COVID-19.

Hộp chứa vaccine Pfizer chuẩn bị được vận chuyển tại nhà máy sản xuất Kalamazoo của Pfizer Global Supply ở Portage, Michigan, ngày 13/12/2020. Ảnh: AP

Hộp chứa vaccine Pfizer chuẩn bị được vận chuyển tại nhà máy sản xuất Kalamazoo của Pfizer Global Supply ở Portage, Michigan, ngày 13/12/2020. Ảnh: AP

Những chiếc xe chứa đầy vaccine được bảo quản kỹ càng chuyển đến khắp nơi trên nước Mỹ là minh chứng cho thành công rực rỡ của các thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19, mang đến những mũi tiêm mà nhiều người hy vọng sẽ đánh dấu sự kết thúc của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Song kỳ vọng đó vẫn chưa trở thành hiện thực. Một năm sau, vẫn còn quá nhiều người Mỹ chưa được tiêm chủng và quá nhiều người đã tử vong vì dịch bệnh này.

Số người tử vong vì COVID-19 trên toàn nước Mỹ đã chạm mốc 800.000 nghìn ca vào đúng thời điểm chiến dịch tiêm chủng của nước này đã đi được chặng đường tròn 1 năm. Song không thể phủ nhận rằng một số lượng rất lớn, có lẽ là hàng chục nghìn người, đã được cứu sống nhờ tiêm chủng.

Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Francis Collins cho biết các nhà khoa học và quan chức y tế có thể đã đánh giá thấp việc lan truyền thông tin sai lệch - “hòn đá tảng” cản trở thành tựu “đáng kinh ngạc” của vaccine.

Được phát triển và phân phối với tốc độ chóng mặt, vaccine đã được chứng minh là vô cùng an toàn và có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca tử vong và nhập viện vì COVID-19. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người không được tiêm chủng có nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ.

Hiệu quả của vaccine đã giúp các trường học mở cửa trở lại, các nhà hàng được phép đón thực khách và các gia đình có thể tụ tập trong các kỳ nghỉ. Theo dữ liệu mới nhất, 95% người Mỹ trên 65 tuổi đã đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine Pfizer tại một phòng khám ở Trung tâm Y tế Công cộng Norristown ở Norristown, Pennsylvania. Ảnh: AP

Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine Pfizer tại một phòng khám ở Trung tâm Y tế Công cộng Norristown ở Norristown, Pennsylvania. Ảnh: AP

Tiến sĩ David Dowdy, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins, đánh giá: “Về mặt khoa học, các thành tựu của vaccine đối với sức khỏe cộng đồng cũng tương tự như việc đưa con người lên Mặt Trăng”.

Tuy nhiên, năm triển khai vaccine đầu tiên của Mỹ cũng gặp không ít khó khăn. Chiến dịch tiêm chủng của nước này đã phải đối mặt với nhiều trở ngại, như các ca nhiễm đột phá, xung đột chính trị về vấn đề tiêm chủng bắt buộc, và giờ đây là lo lắng về hiệu quả của vaccine trước sự xuất hiện của Omicron, biến thể mới lây lan nhanh hơn.

Bất chấp tất cả những thách thức đó, ông Dowdy khẳng định: “Chúng ta cần nhìn lại và nói rằng vaccine là một câu chuyện thành công lớn”.

Hôm 14/12/2020, đúng ngày Mỹ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng, số người tử vong vì COVID-19 ở quốc gia này đã chạm mốc 300.000 ca. Vào đúng thời điểm đó, số người chết đã tăng trung bình trên 2.500 ca mỗi ngày và tăng rất nhanh, tồi tệ hơn những gì họ đã phải trải qua vào mùa xuân năm 2020. Thành phố New York khi đó nhanh chóng trở thành tâm chấn của đợt bùng phát COVID-19 ở Mỹ.

Vào cuối tháng 2/2021, tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt 500.000 người. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong hàng ngày đã giảm mạnh so với mức cao nhất của đầu tháng 1. Với hy vọng tỉ lệ tiêm chủng sẽ tăng lên vào đầu tháng 3, một số bang bắt đầu mở cửa trở lại, dỡ bỏ quy định và hạn chế đối với việc ăn uống trong nhà. Cựu Tổng thống Donald Trump lúc đó đã khẳng định vaccine an toàn và thúc giục người dân tiêm chủng.

Sandra Lindsay, nhân viên chăm sóc sức khỏe, người đầu tiên ở Mỹ được tiêm vaccine COVID-19, vẫy chào khán giả khi dẫn đầu đoàn diễu hành tôn vinh lực lượng tuyến đầu trong việc đưa Thành phố New York vượt qua đại dịch COVID-19, hồi tháng 7/2021. Ảnh: AP

Sandra Lindsay, nhân viên chăm sóc sức khỏe, người đầu tiên ở Mỹ được tiêm vaccine COVID-19, vẫy chào khán giả khi dẫn đầu đoàn diễu hành tôn vinh lực lượng tuyến đầu trong việc đưa Thành phố New York vượt qua đại dịch COVID-19, hồi tháng 7/2021. Ảnh: AP

Nhưng đến tháng 6, mối đe dọa từ COVID-19 dường như giảm dần, nhu cầu tiêm chủng cũng giảm theo. Nhiều bang cũng như công ty đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích người dân tiêm vaccine nhằm khôi phục tỉ lệ tiêm chủng ở nước này.

Nhưng động thái đó dường như là quá ít và quá muộn. Delta, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan, đã âm thầm xâm nhập vào nước này và bắt đầu lây nhiễm nhanh chóng, tấn công rất nhiều người chưa được tiêm chủng.

Andrew Noymer, Giáo sư y tế công cộng tại Đại học California, Irvine, cho biết: “Bạn phải luôn đưa ra mọi biện pháp để có thể để đánh bại loại virus này. Chỉ riêng vaccine không thể ngăn chặn đại dịch quay trở lại Trái Đất”.

Một trong những cơ hội lớn bị bỏ lỡ trong đại dịch COVID-19 là nhiều người Mỹ đã trốn tránh tiêm phòng. Vào mùa thu năm nay, Rachel McKibbens, 45 tuổi, đã mất cả cha và anh trai của mình vì COVID-19. Cả hai đều từ chối tiêm chủng vì họ tin vào thuyết âm mưu sai lầm rằng vaccine có chứa chất độc.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế Willis-Knighton ở Louisiana. Ảnh: AP

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế Willis-Knighton ở Louisiana. Ảnh: AP

McKibbens đã tổng hợp những thông tin trong tin nhắn điện thoại của anh trai cô, bao gồm cả những tin nhắn giữa anh trai cô và một người anh họ. Người này đã trích dẫn các video từ TikTok để đưa ra những lời khuyên vô căn cứ cho việc không tiêm chủng.

McKibbens, sống ở Rochester, New York cho biết: “Anh trai tôi đã không tìm kiếm bệnh viện cho bố tôi. “Chúng tôi phải đặt ông nằm ngửa, hơi thở của ông bắt đầu giống như động cơ bị hỏng”. Cha cô, ông Pete Camacho, đã qua đời ngày 22/10 ở tuổi 67.

Anh trai của cô sau đó cũng nhiễm virus, nhưng anh đã từ chối cho cô vào nhà vì nói cô đã tiêu diệt virus vì đã được tiêm phòng. McKibbens chia sẻ: “Đó là một niềm tin lạ lùng mà tôi chưa từng nghe thấy trước đây”.

Một người bạn đã tìm thấy thi thể của anh trai cô McKibbens sau khi nhận thấy những những bưu kiện chưa có người nhận được đặt đầy trước cửa. Anh đã qua đời ngày 8/11 ở tuổi 44.

Y tá Sandra Lindsay (trái) được tiêm vaccine Pfizer ở New York. Ảnh: AP

Y tá Sandra Lindsay (trái) được tiêm vaccine Pfizer ở New York. Ảnh: AP

Lời khuyên quan trọng cũng đến quá muộn đối với một số người. Mang thai 7 tháng và chưa được tiêm phòng, Tamara Alves Rodriguez có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 9/8. Hai ngày sau, khi nhiều phụ nữ mang thai mắc COVID-19 nặng, các quan chức y tế Mỹ đã ban hành chỉ dẫn thúc giục tất cả các bà mẹ sắp sinh đi tiêm phòng.

Rodriguez đã cố tìm cách tiêm phòng nhiều tuần trước đó nhưng các bác sĩ thông báo rằng họ cần được sự cho phép. “Cô ấy không bao giờ quay trở lại,” chị gái Rodriguez, cô Tanya Alves sống tại Weston, Florida, cho biết.

Sáu ngày sau khi nhận kết quả dương tính, Rodriguez phải đặt ống thở tại một bệnh viện gần nhà ở San Juan, Puerto Rico. Con gái của cô đã được sinh bằng phương pháp mổ lấy thai khẩn cấp vào ngày 16/8. Điều đau đớn nhất là người mẹ trẻ không bao giờ được bế con. Rodriguez qua đời ngày 30/10 ở tuổi 24. Cô bỏ lại chồng, hai đứa con khác và một đại gia đình.

“Những đứa trẻ liên tục đòi mẹ”, Alves nói. “Tôi cảm thấy đau đớn như xé ruột, và ngay cả những từ ngữ đó cũng không đủ để diễn tả nỗi đau mà tôi phải trải qua”.

Alves kêu gọi những người khác đi tiêm chủng: “Nếu bạn thấu hiểu nỗi kinh hoàng khi phải nhập viện hoặc có người thân ở đó, họ sẽ sợ điều này thay vì sợ vaccine”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhin-lai-chang-duong-1-nam-my-trien-khai-chien-dich-tiem-vaccine-covid19-20211214104428407.htm