Nhìn lại chuyến thăm Bangladesh, Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội rất thành công, đánh dấu mốc son mới, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với những nước bạn bè truyền thống là Bangladesh và Bulgaria.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria từ ngày 21-26/9/2023.
Tại hai nước đã có khoảng 70 hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và hoạt động của các ban, bộ, ngành, địa phương, 7 thỏa thuận hợp tác ở cả cấp trung ương và địa phương đã được ký kết.
Trao đổi với phóng viên đi cùng đoàn, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất thành công, đánh dấu mốc son mới, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với những nước bạn bè truyền thống là Bangladesh và Bulgaria.
Lãnh đạo của cả hai nước nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn của sự nghiệp Đổi mới của Việt Nam; khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam đã được nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước vun đắp trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được chính giới cũng như truyền thông hai nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao.
Quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Bangladesh là hằng số bất biến
Chuyến thăm Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Bangladesh và là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thăm Bangladesh kể từ năm 2018.
Nhìn về lịch sử, cùng trong khu vực châu Á, Việt Nam và Bangladesh chia sẻ nhiều điểm tương đồng, nhất là truyền thống đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người cha già dân tộc của Bangladesh Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman lãnh đạo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những tư tưởng lớn gần nhau, tầm nhìn vượt thời gian của hai vị lãnh tụ đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước coi là nền tảng của chính sách đối ngoại cho đến ngày nay.
Tại Bangladesh, với chương trình làm việc phong phú, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Bangladesh; khai trương Trưng bày ảnh kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao giữa hai nước; tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Bangladesh và Chủ tịch Đảng Công nhân Bangladesh...
Nổi bật trong chuyến thăm lần này, kết quả hội đàm và hai Bản ghi nhớ hợp tác được ký sẽ là cơ sở quan trọng để Quốc hội hai nước và Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Ban Thư ký Nghị viện Bangladesh triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, hai cơ quan tham mưu, giúp việc Quốc hội.
Trong bầu không khí hữu nghị, hợp tác, trong hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury đánh giá cao việc Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư hai nước lần đầu được tổ chức tại Thủ đô Dhaka.
Tại diễn đàn này, nhiều thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước đã được ký kết.
Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, đánh giá: “Với quy mô dân số của Bangladesh 170 triệu người và Việt Nam là 100 triệu người, với thị trường rộng, dân số đông, tôi cho rằng đây là cơ hội rất lớn cho cả hai bên. Chúng ta cần tăng cường thúc đẩy quan hệ với bạn về kinh tế, thương mại, đầu tư trên nền tảng của quan hệ chính trị vốn đã rất tốt đẹp giữa hai nước trong suốt 50 năm qua."
Bangladesh đang nỗ lực thực hiện “Tầm nhìn 2041” về xây dựng đất nước hiện đại và tri thức vào năm 2041 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nước, cũng như thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng điều thú vị là cũng giống mục tiêu của Bangladesh đã đưa ra, Việt Nam đã xác định 2 mục tiêu phát triển lớn của đất nước gồm đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam và Bangladesh cần tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi thương mại cho nhau, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp hai nước để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, cùng thu hút vốn, công nghệ cho phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính công nghiệp, có giá trị gia tăng cao, tăng cường hợp tác nông thủy sản (đặc biệt là gạo và lương thực), dệt may, vật liệu xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển công nghiệp Halal và du lịch…
Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo hai nước đều thể hiện quyết tâm phấn đấu để sớm đạt kim ngạch thương mại song phương khoảng 2 tỷ USD.
Dịp này, đánh giá cao Bangladesh đã “xanh hóa” ngành dệt may và vẫn giữ được đơn hàng trong bối cảnh các nước đang bị giảm sút, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn hai nước phối hợp để phát triển chuỗi giá trị của dệt may trên cơ sở cùng hợp tác, không cạnh tranh…
Giữa muôn vàn biến đổi của thời cuộc và thăng trầm của lịch sử, sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Bangladesh là hằng số bất biến. Và trong tổng thể mối quan hệ ấy, trong 50 năm qua, tài sản lớn nhất và quý giá nhất là tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Các nhà lãnh đạo hai nước đã khẳng định mong muốn chương mới trong quan hệ hai nước 50 năm tới sẽ được viết tiếp với tầm mức cao hơn, hiệu quả hơn và người dân đóng vai trò quyết định.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Bangladesh-Việt Nam, nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam - ông Chowdhury, nhận định cùng với việc góp phần tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế…, chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là cơ hội để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, giao lưu nhân dân hai nước, để người dân Bangladesh tiếp tục cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp với người dân Việt Nam.
Coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Việt Nam-Bulgaria
Cách đây 73 năm, ngày 8/2/1950, Bulgaria là một trong 10 quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập Quan hệ Ngoại giao với Việt Nam.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 8/1957 tiếp tục ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.
Kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào năm 2008, chuyến thăm chính thức Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này được thực hiện sau 15 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Aleksander Nevski, trung tâm Thủ đô Sofia theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Trong chuyến thăm, phía Bulgaria đã bố trí tất cả các lãnh đạo cao nhất hội đàm, hội kiến; Phó Chủ tịch Quốc hội Bulgaria cùng tham gia các hoạt động với Chủ tịch Quốc hội nước ta…
“Tôi cho rằng đây là nghi lễ ngoại giao rất đặc biệt của Bulgaria dành cho đối tác mà bạn nói rằng là người bạn tin cậy nhất của Bulgaria ở châu Á và Đông Nam Á. Bạn rất mong muốn hợp tác với chúng ta, cho rằng, cùng với sự tin cậy chính trị, hai bên cần tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư cho xứng tầm với quan hệ và vị trí của mỗi nước ở khu vực Đông Nam Á và châu Âu," ông Vũ Hải Hà nói.
Đặc biệt, ngay trước chuyến thăm, Quốc hội Bulgaria đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) với số phiếu ủng hộ tuyệt đối.
Theo Chủ tịch Quốc hội đây là một cử chỉ hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác đầu tư trong thời gian tới sau khi hiệp định có hiệu lực.
Bàn về những định hướng hợp tác trong bối cảnh tình hình mới, cả Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Bulgaria trong các cuộc hội đàm, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều cho rằng, hai bên cần khai thác lợi thế mà EVIPA khi đi vào thực thi mang lại, nghiên cứu thành lập các liên doanh ở Việt Nam hoặc Bulgaria sản xuất các sản phẩm mà hai bên có nhu cầu hoặc xuất khẩu sang thị trường thứ ba.
Hai bên cũng nhất trí cho rằng giáo dục-đào tạo, lao động, du lịch, hợp tác địa phương là những lĩnh vực hợp tác truyền thống giàu tiềm năng cần được khai thác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Rosen Zhelyazkov đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bulgaria cho giai đoạn mới. Cùng với đó đã có 4 văn kiện hợp tác được ký kết cùng gồm Bản ghi nhớ Hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Bulgaria; Hợp tác trong Lĩnh vực Văn hóa, Du lịch và giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Pernik (Bulgaria).
Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng để cải thiện cán cân thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế, hai bên khẳng định ủng hộ triển khai hiệu quả các văn kiện đã ký kết song phương cũng như trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU), sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 24 Ủy ban Liên chính phủ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Khoa học…
Theo Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Đỗ Hoàng Long, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội nhận được sự ủng hộ rộng rãi và đón chào của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Bulgaria.
Có thể thấy, từ trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, Việt Nam đã luôn nhận được sự ủng hộ quý báu cả về vật chất và tinh thần của Chính phủ và nhân dân Bulgaria.
Trên 30.000 người Việt Nam đã làm việc, học tập tại Bulgaria vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước để trở thành những nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư hàng đầu của Việt Nam, những người vẫn, đã và đang tích cực tham gia đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước đều nhận định, đây là tài sản vô giá, là những nhân tố tích cực góp phần gắn kết quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Bulgaria.
Theo ông Vũ Hải Hà, hiện nay Bulgaria có thế mạnh về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và cũng nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, sẵn sàng trao học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Với vị trí địa lý độc đáo, Bulgaria - hay còn được biết đến là Xứ sở Hoa hồng, được coi là quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng ở Trung và Đông Âu. Doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết với doanh nghiệp Bulgaria để thâm nhập thị trường châu Âu và các nước vùng Balkan và ngược lại, Bulgaria có thể đầu tư vào Việt Nam qua đó đầu tư vào thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân, nền kinh tế có quy mô lớn thứ 5 thế giới…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại Bangladesh và Bulgaria, Giáo sư, Tiến sỹ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có các bài phát biểu chính sách quan trọng; tham dự Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, hai bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội rất quan trọng, rất có ý nghĩa, đầy cảm xúc, ấn tượng đối với cử tọa của cả hai nước - những học giả, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, sinh viên, kể cả lãnh đạo các bộ, ngành, Quốc hội, cũng như đoàn ngoại giao…
Trong hai bài phát biểu đó, Chủ tịch Quốc hội muốn truyền đi thông điệp về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động; Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, góp phần củng cố, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở cả hai khu vực châu Á, châu Âu cũng như trên toàn thế giới.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến tình đoàn kết, tình hữu nghị đặc biệt đối với cả Bangladesh và Bulgaria; đề xuất một số phương hướng cụ thể để phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với hai nước, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao hài hòa với quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, giao lưu nhân dân…, được thực hiện trên tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Đại sứ quán - “mái nhà chung” của người Việt ở nước ngoài
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán, Cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh; gặp các Đại sứ và đại diện Cộng đồng người Việt tại Bulgaria và 5 nước châu Âu khác gồm Hy Lạp, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Séc và Slovakia.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm của Đảng trong Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới: Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân, công tác lãnh sự cần được các Đại sứ và cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài quan tâm sát sao, ưu tiên và triển khai chủ động hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về Công tác Người Việt Nam ở Nước ngoài trong tình hình mới.
Trong không khí đầm ấm và thân tình, Chủ tịch Quốc hội đã ân cần thăm hỏi đời sống bà con hiện nay; ghi nhận, giải đáp các ý kiến, đề xuất của kiều bào, đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Lễ hội Trung Thu là lễ hội quan trọng của Cộng đồng người Việt Nam. Trong không khí rộn rã của màn múa lân-sư-rồng và các tiết mục văn nghệ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã tặng quà, cùng vui Tết Trung Thu với các cháu thiếu nhi ngay tại “mái nhà chung” là Trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Thủ đô Sofia; cổ vũ cộng đồng giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, gắn kết chặt chẽ, hướng về cội nguồn dân tộc…
Có thể khẳng định chuyến thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đạt kết quả thực chất, toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân và các trụ cột của quan hệ chính trị-ngoại giao, hợp tác nghị viện, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, hợp tác địa phương…
Chuyến thăm mở ra những cơ hội mới để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với hai nước bạn bè hữu nghị truyền thống lâu đời ở khu vực Nam Á và Trung Đông Âu./.