Nhìn lại con số thiệt hại trong những vụ án lớn liên quan 'đất vàng'
Hàng loạt vụ án gây thất thoát tài sản nhà nước trong thời gian qua đều liên quan đến các khu 'đất vàng' tại TPHCM, Đà Nẵng hay khu đất 43ha tại Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương… Trong đó, một số vụ khiến dư luận quan tâm đã được yêu cầu sớm đưa ra xét xử; có vụ đã kết thúc giai đoạn điều tra, 'chờ' truy tố.
Tòa án yêu cầu sớm đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án liên quan khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1.
Loạt "đất vàng" về tay tư nhân
TAND cấp cao tại TPHCM đã có văn bản gửi các Chánh án Tòa chuyên trách, nhắc nhở các thẩm phán được phân công làm chủ tọa các vụ án hình sự, chủ động, khẩn trương nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo những khó khăn, vướng mắc cần xin ý kiến chỉ đạo và sớm lên lịch đưa 3 vụ án lớn được dư luận quan tâm ra xét xử phúc thẩm. Trong đó có vụ án Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) và đồng phạm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Đây là vụ án mà Viện trưởng Viện KSND TPHCM có kháng nghị liên quan việc xác định thiệt hại và trách nhiệm dân sự vụ ông Tài và đồng phạm giao đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1. Vụ án này TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù; Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Lavenue) và Đào Anh Kiệt (63 tuổi, nguyên Giám đốc Sở TNMT TPHCM) đều cùng 5 năm tù; Nguyễn Hoài Nam (55 tuổi, nguyên Bí thư Quận ủy quận 2) 4 năm tù; Trương Văn Út (50 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TNMT TPHCM) 3 năm tù, cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 252 tỷ đồng. HĐXX sơ thẩm cũng tuyên giao UBND TP.HCM thu hồi, quản lý và sử dụng nhà đất 8-12 Lê Duẩn. Buộc 5 bị cáo cùng liên đới bồi thường hơn 4,7 tỷ đồng theo tỷ lệ bằng nhau. Sau đó, ông Tài và đồng phạm đều có đơn kháng cáo.
Tương tự, Vũ “nhôm” (Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79) cũng biến một loạt bất động sản khác tại TPHCM, Đà Nẵng thành của riêng, khiến Nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng như nhà đất số 15 Thi Sách quận 1; 129 Pasteur quận 3; số 8 Nguyễn Trung Trực quận 1; nhà đất số 319 Lê Duẩn Đà Nẵng; diện tích 3.264m2 đất tại đường Ngô Quyền Đà Nẵng; nhà đất tại số 16 Bạch Đằng Đà Nẵng.
Còn nguyên Phó bí thư Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TPHCM khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Bị cáo buộc cùng tội danh là hai cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy Phạm Văn Thông và Phan Thanh Tân; Huỳnh Phước Long, nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy.
Ông Cang bị xác định sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán 320.000m2 đất ở Phước Kiểng, huyện Nhà Bè cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ. Hành vi của ông Cang là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.
Theo điều tra, ngày 5/6/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn với giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Sau khi khu đất đã được bán đứt, ngày 5/12/2017 Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở TNMT đánh giá lại giá trị khu đất. Theo sở này, khu đất phần lớn là đất nông nghiệp, chỉ có hơn 480 m2 là đất ở. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân là hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất sẽ là hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ.
Thiệt hại cả nghìn tỷ đồng
Khu đất 43ha tại Thủ Dầu Một, Bình Dương là của Nhà nước, do Tổng công ty 3/2 quản lý. Trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty, Tỉnh ủy Bình Dương đã yêu cầu chuyển giao lại khu đất này cho doanh nghiệp Nhà nước khác quản lý. Tuy nhiên, ngày 30/11/2016, Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Tổng công ty 3/2) tổ chức họp HĐQT quyết định chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá thỏa thuận từ 6 năm trước (2010) là 570.000 đồng/m2, tổng số tiền thu về 250 tỷ đồng. Công ty Tân Phú là liên doanh giữa Tổng công ty 3/2 và Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương (từng là chủ vũ trường New Century, con rể của Nguyễn Văn Minh)
Từ trước đó, khi đất vẫn là của Nhà nước và chưa thuộc sở hữu 100% Công ty Tân Phú, Nguyễn Đại Dương đã thương lượng với Công ty K.O và đến 19/8/2016, Công ty Âu Lạc của Nguyễn Đại Dương ký Hợp đồng hứa mua hứa bán cho Công ty Thuận Lợi toàn bộ dự án trên khu đất 43ha với giá 350 tỷ đồng.
Sau khi thâu tóm xong khu đất vàng bằng cách sở hữu Công ty Tân Phú, 43ha đất đã được thế chấp cho Ngân hàng Phương Đông để vay vốn.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã đề nghị các cá nhân, tổ chức có thực hiện các giao dịch (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng...) liên quan đến quyền sử dụng khu đất 43ha (là vật chứng của vụ án) liên hệ cung cấp thông tin, phối hợp giải quyết. Công an cũng đã thu giữ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ngân hàng Phương Đông quản lý, đồng thời ngăn chặn các giao dịch có liên quan đến 43ha đất là vật chứng của vụ án.
Trong kết luận vụ án bán rẻ 43ha đất vàng của Tổng công 3/2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Hàng loạt cựu lãnh đạo Bình Dương cũng bị đề nghị truy tố gồm Phạm Văn Cành, cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trần Xuân Lâm, Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương; Võ Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương; Ngô Dũng Phương, Trưởng phòng tài chính Đảng Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương; cựu cục trưởng, cục phó Cục Thuế…
Trong đó, những hành vi vi phạm pháp luật của ông Nam bị C03 cáo buộc gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 1.063 tỷ đồng. Hành vi của ông Liêm và ông Cành bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 302 tỷ đồng.