Nhìn lại để hoàn thiện

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia và thực hiện cam kết với các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới, nông sản Việt Nam sẽ đối diện với những thời cơ và thách thức nào? Hà Nội Ngày nay đã ghi lại ý kiến của các cá nhân và đơn vị liên quan về vấn đề này.

Công nghệ giống, chuồng trại, chế biến của Đan Mạch sẽ giúp ngành chăn nuôi Việt Nam cải thiện năng suất, nâng cao giá trị gia tăng.

PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội:

Điểm yếu nằm ở khâu chế biến

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực sẽ mở ra cho hàng hóa Việt Nam nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng một thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trước nay vẫn là một thị trường khó tính với hàng loạt các quy định về chất lượng rất khắt khe. Vì thế, cánh cửa vào thị trường EU tuy rộng nhưng không dễ vào bởi hệ thống “hàng rào” kỹ thuật chặt chẽ. Xét ở chiều ngược lại, nông sản Việt Nam cũng chịu sức ép nông sản từ EU có không ít lợi thế sẽ xâm nhập mạnh hơn vào thị trường Việt Nam.

Nhìn tổng thể, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt Nam, đặc biệt là ngành rau quả, mới chỉ tham gia khâu cung cấp đầu vào là nông sản thô trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Chính hiện trạng này đã dẫn đến hệ lụy “được mùa - mất giá” và bị động do phụ thuộc nhiều vào thương lái. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 2, một lượng lớn nông sản tồn ứ không xuất khẩu được. Thực tế, thách thức này không mới với nông sản Việt Nam bởi trước khi xuất hiện dịch Covid-19, đã có rất nhiều đợt nông sản bị tồn ứ do phía Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu.

Cả nước hiện có chưa tới 150 doanh nghiệp chế biến rau, hoa quả; “vựa trái cây” lớn nhất tại khu vực Tây Nam Bộ chỉ có 5 - 6 cơ sở chế biến. Ngoài ra, Việt Nam đang rất thiếu hệ thống bảo quản rau quả phục vụ xuất khẩu như kho lạnh, xe tải lạnh... Vì vậy, để xuất khẩu vào những thị trường lớn, nhiều tiềm năng nhưng ở xa, cách duy nhất là phải chuyển hướng, giảm tỷ trọng xuất khẩu tươi, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng qua chế biến. Rau quả chế biến sâu không chỉ tăng giá trị mà còn đem lại lợi thế cạnh tranh, giúp sản phẩm dễ dàng hơn trong việc vượt qua những rào cản kỹ thuật của phía nhập khẩu do không bị kiểm tra chặt về vệ sinh thực phẩm như sản phẩm ở dạng tươi.

Mặt khác, việc phát triển công nghệ chế biến sâu sẽ giải quyết được tình trạng “được mùa - mất giá”. Đó cũng là lý do để chúng tôi - nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (INAPRO) thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - phát triển công nghệ JEVA có thể được ứng dụng trong chế biến nhiều loại rau quả thành các sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản... Đặc biệt, công nghệ JEVA rất thích hợp để ứng dụng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tại các hợp tác xã, giúp đẩy mạnh việc chế biến nhiều loại nông sản ở các địa bàn khác nhau trên cả nước.

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (Công ty TNHH Nông nghiệp Hòn Đất):

Hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng để đứng vững

Nông sản Việt Nam có sự phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nhiều mặt hàng còn là đặc sản được thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, nông sản Việt cũng đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, quy mô sản xuất của chúng ta vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, vì thế, việc quản lý chất lượng rất khó khăn. Tiếp đó, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch của nước ta vẫn hạn chế, ứng dụng công nghệ mới hiện đại chưa nhiều, nên nông sản chủ yếu xuất khẩu dưới dạng tươi, thô. Cuối cùng, quan trọng nhất, những đơn vị đầu tàu làm thương hiệu cho nông sản tại Việt Nam hiện hoạt động còn kém hiệu quả, chủ yếu đang làm thương hiệu cho thị trường nội địa là chính và bán sản phẩm phổ thông chứ chưa chú trọng vào sản phẩm cao cấp.

Đây là thách thức lớn sau khi Hiệp định EVFTA được ký, bởi không chỉ nông sản Việt Nam được xuất khẩu mà số lượng nông sản lớn từ thị trường EU sẽ vào thị trường Việt Nam. Là một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản, chúng tôi đã gấp rút hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng để có thể trụ vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị xây dựng những thương hiệu sản phẩm riêng, đặc biệt là trái cây - mặt hàng được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng, để có thể xuất khẩu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam:

Cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít

EVFTA mang lại cơ hội rất lớn cho ngành chăn nuôi của Việt Nam vì các doanh nghiệp lớn ở các nước như Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha... sẽ đến đây để tìm cơ hội đầu tư. Thông qua việc đầu tư, ngành chăn nuôi sẽ được tiếp cận trình độ sản xuất hàng hóa cao với công nghệ hiện đại. Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tiếp thu những thành quả nghiên cứu của các quốc gia phát triển và áp dụng thành công vào công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, việc tham gia Hiệp định EVFTA cũng tạo thách thức lớn cho ngành chăn nuôi, nhất là khi các nước châu Âu có hàng rào kỹ thuật liên quan tới vấn đề hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, và đặc biệt là tạo sự cạnh tranh trực tiếp về giá. Khi Hiệp định EVFTA được ký kết, Việt Nam cam kết xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch (các sản phẩm gia cầm), số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 - 9 năm.

Các nước châu Âu cam kết sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, 27% số dòng thuế về 0% sau 3 - 7 năm. Nghĩa là, bài toán về giá đang là điểm yếu của ngành chăn nuôi nước ta, bởi sản phẩm thịt châu Âu đang phải chịu thuế 20 - 40% khi vào thị trường Việt Nam thì giá vẫn thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trong nước.

Một điểm yếu nữa của ngành chăn nuôi nước ta là tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, thiếu các cơ sở chế biến sản phẩm... Cả nước có 6 - 7 triệu hộ chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng, tạo thế cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín, Hà Nội):

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa

Hiệp định EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thay đổi phương thức sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh với các mặt hàng của nước ngoài.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa trong nước có thể gặp khó khăn vì thực tế xuất phát điểm của hai bên khác nhau. Cụ thể, cả nước hiện có 12.581 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, vốn ít nên khả năng cạnh tranh thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài vốn lớn, các mặt hàng của họ phủ sóng toàn thế giới. Ngoài ra, phần lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa có thương hiệu và đây là một trong những hạn chế lớn.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển, tôi đề xuất các cơ quan chức năng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất tập trung có đủ cơ sở hạ tầng để phục vụ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, không thu thuế VAT với sản phẩm sử dụng nguyên liệu được sản xuất trong nước... để tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

Đoan Trang - Ngọc Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/964542/nhin-lai-de-hoan-thien