Nhìn lại hiệu quả ba năm thực thi EVFTA
Sau ba năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại những lợi ích nhất định nhưng vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt khai thác.
Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thứ tư mà Liên minh châu Âu (EU) ký kết với một nước châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
EVFTA cam kết loại bỏ hoặc giảm thuế quan cho hầu hết hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và EU, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. EVFTA cũng có quy định rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thương mại.
Hơn nữa, EVFTA bảo vệ nhà đầu tư và tạo môi trường đầu tư ổn định và an toàn cho các doanh nghiệp. Điều này có thể tạo sự tin tưởng và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp EU vào Việt Nam. EVFTA cũng mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ và kiến thức tiên tiến từ EU, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp hiện đại hơn.
Đáng chú ý, EVFTA còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác như bảo hộ sở hữu trí tuệ, giảm thủ tục hải quan, bảo vệ môi trường, mua sắm của chính phủ và giải quyết tranh chấp. Những điều này hứa hẹn tạo ra sự thay đổi toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng kinh doanh và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
“Đường cao tốc” để hàng Việt chinh phục thị trường EU?
Dẫu gặp phải nhiều biến động do đại dịch COVID-19 trong ba năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng nhất định hằng năm, với mức tăng 14,2% năm 2021 và 16,7% năm 2022.
Đã có nhiều mặt hàng khá thành công trong việc tận dụng các ưu đãi từ hiệp định. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên một tỉ đô la Mỹ vào thị trường EU hàng năm trong suốt ba năm qua bao gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, cà phê, sắt thép và hải sản.
Hầu hết các mặt hàng này đã có mức tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là sắt thép với mức tăng trưởng hơn 844% trong năm 2021 so với năm 2020 và hơn 634% trong năm 2022 so với năm 2020.
Tuy nhiên, mặt hàng điện thoại và linh kiện đã ghi nhận sự giảm sút lần lượt là 9,5% vào năm 2021 và 15,7% vào năm 2022 so với năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đóng cửa vì COVID-19 và căng thẳng giữa Nga và Ukraine gây ra khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn chung, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động xuất khẩu vẫn còn hạn chế do thương hiệu Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi tại các nước châu Âu. Thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường EU cũng mới chỉ chiếm khoảng 2% theo Trading Economics.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Rau củ quả, thủy sản và gạo là một vài ví dụ. Mặc dù có mức tăng trưởng khá tốt, nhưng những mặt hàng này hiện tại chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của EU đối với các mặt hàng đó.
Mặt hàng thủy sản vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU từ Ủy ban châu Âu, dẫn đến khó khăn nhiều mặt cho mặt hàng này. Ngoài ra, có một số mặt hàng chưa có dấu hiệu tăng trưởng sau khi hiệp định được thực thi, chẳng hạn như giấy và các sản phẩm từ giấy cùng với hạt điều.
Doanh nghiệp Việt đối mặt với nhiều thách thức cơ bản
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Đối với các ngành hàng nông nghiệp, lâm sản, các nhà khai thác và thương nhân phải chứng minh rằng sản phẩm hợp pháp và không vi phạm quy định về phá rừng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có hệ thống xuất xứ từ nông hộ và từng khu vực trồng trọt để có thể chứng minh với thị trường EU.
Hơn nữa, gần sáu năm nay, thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU vì các hành vi khai thác bất hợp pháp làm cho xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn. Thủy sản là ngành được ưu đãi nhất về thuế, nhưng cơ hội này sẽ không được tận dụng triệt để nếu không gỡ được thẻ vàng IUU.
EU là một thị trường khắt khe với tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, yêu cầu an toàn cho hàng hóa công nghiệp, và các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch cho các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu và thực phẩm từ nước ngoài. Điều này cũng là một trở ngại khác đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì phần lớn nguyên liệu sản xuất hàng hóa được nhập từ Trung Quốc và các nước trong ASEAN, khó kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng.
Mặt khác, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực và trên toàn cầu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU không có thương hiệu riêng hoặc được phân phối thông qua nhãn hiệu nước ngoài. Điều này gây hạn chế trong việc tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cao trong hoạt động vận chuyển sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đạt được sự tự chủ trong việc tìm hiểu và tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nhận thức của doanh nghiệp đối với EVFTA, mặc dù gần 94% doanh nghiệp đã nghe nói hoặc biết về EVFTA, chỉ khoảng 40% trong số đó hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về cam kết của hiệp định này đối với hoạt động kinh doanh của mình. Trong đó, nhóm doanh nghiệp FDI có tỷ lệ hiểu khá rõ hoặc rõ về EVFTA cao nhất (43%).
Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết lợi thế từ hiệp định này để mở rộng tiêu thụ sang các nước thành viên khác. Trong 27 quốc gia thành viên của EU, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ giao thương chủ yếu với 5-6 quốc gia, trong khi giao thương với các nước khác vẫn còn rất ít.
Cần làm gì để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA?
Châu Âu là một thị trường khó tính với tiêu chuẩn hàng hóa rất khắt khe, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường này cần phải có nỗ lực tự thay đổi và thích ứng, đồng thời tận dụng tối đa hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và hiệp hội.
Doanh nghiệp cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU. Họ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ nhanh chóng, xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu từ thị trường 500 triệu dân của EU.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp hội, để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật, và mở rộng mạng lưới phân phối, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, họ sẽ cần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường cao mà EU yêu cầu. Họ cũng nên đa dạng hóa nguồn tiêu thụ và giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu duy nhất. Quan trọng là cần bám theo xu thế tiêu dùng và tăng cường khả năng sáng tạo, đồng thời tương tác trực tiếp, liên tục, nhanh chóng với khách hàng.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhin-lai-hieu-qua-ba-nam-thuc-thi-evfta-690839.html