Nhìn lại một năm NATO viện trợ cho Ukraine
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ban đầu chỉ hỗ trợ phi sát thương như gửi nhiên liệu, mũ sắt và sau một năm đã chuyển lên thành xe tăng, hệ thống phòng không.
Một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, lãnh đạo của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để giải quyết những gì họ mô tả là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương trong nhiều thập kỷ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên: “Trong tình hình đang khó khăn và tiến triển này, thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng các đồng minh đang hỗ trợ và cam kết duy trì”.
Trong những tháng sau đó, các nước ủng hộ Ukraine tại NATO và những nơi khác đã gửi nhiên liệu, mũ sắt, thiết bị y tế và các hỗ trợ phi sát thương khác. Sau đó là hệ thống pháo binh và phòng không được chuyển đến Ukraine kèm hy vọng rằng chúng sẽ không khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, vào hôm 14/2 cho biết đã có 11 quốc gia đồng ý gửi xe tăng, 22 quốc gia khác cam kết gửi xe chiến đấu bộ binh trong khi 16 quốc gia cam kết cung cấp pháo và đạn dược cho Ukraine.
Trong năm 2022, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Mỹ đã cung cấp hơn 27 tỷ USD trợ giúp quân sự cho Ukraine. Hai quan chức quốc phòng cấp cao ước tính trong tuần này rằng các đồng minh khác đã cung cấp trên hơn 19 tỷ USD, với hơn 1 tỷ USD từ Anh, Canada, Đức, Italy, Hà Lan và Ba Lan. Bên cạnh đó còn có hàng chục tỷ USD phương Tây đang gửi để duy trì nền kinh tế của Ukraine.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào tháng 1 nhận định: “Nếu bạn gửi vũ khí, nếu bạn tài trợ toàn bộ ngân sách năm cho một trong những bên tham chiến, nếu bạn hứa ngày càng nhiều vũ khí, ngày càng nhiều vũ khí hiện đại, thì bạn có thể nói bất cứ điều gì bạn muốn. Bất kể bạn nói gì, bạn đang tham chiến”.
Nhưng Tổng thư ký NATO Stoltenberg ngay cả khi kêu gọi các đồng minh và đối tác cung cấp thêm vũ khí và đạn dược cho Ukraine, vẫn khẳng định với hãng thông tấn AP (Mỹ) rằng NATO không trong chiến tranh với Nga. “Cả NATO và các đồng minh của NATO đều không tham gia vào cuộc xung đột. Những gì chúng tôi làm... là hỗ trợ cho Ukraine. Ukraine đang tự bảo vệ mình. Loại hỗ trợ mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine đã phát triển khi chiến tranh phát triển”, ông nhấn mạnh.
Ukraine hiện bắn số lượng đạn pháo hàng ngày bằng số lượng mà một quốc gia nhỏ thuộc NATO đặt hàng trong một năm thời bình, và ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu không thể theo kịp. Ông Stoltenberg nói: “Đây đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, và do đó nó cũng là một trận chiến về hậu cần, và đây là nỗ lực to lớn của các đồng minh để thực sự có được đạn dược, nhiên liệu, phụ tùng cần thiết”.
Vào giai đoạn đầu xung đột, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định rằng NATO sẽ bảo vệ “từng tấc đất” trong lãnh thổ các nước thành viên. Phần Lan và Thụy Điển thậm chí đã từ bỏ lập trường truyền thống để đăng ký gia nhập NATO. Một năm sau, khoảng 40.000 binh sĩ dưới sự chỉ huy của NATO đã hiện diện ở Đông Âu, từ Estonia cho đến Bulgaria. Khoảng 100.000 lính Mỹ đang đóng quân ở châu Âu. Khoảng 140 tàu chiến di chuyển khắp các vùng biển “Lục địa già”, hoạt động giám sát trên không suốt ngày đêm và bên cạnh đó là tổng cộng 130 máy bay ở chế độ chờ thường trực.
NATO cảnh giác về việc bị lôi kéo vào cuộc chiến toàn diện với nước Nga. Nhưng một năm sau, Ukraine sau khi nhận được đảm bảo về những chiếc xe tăng chiến đấu lại muốn nhiều hơn thế và ngỏ ý cần chiến đấu cơ. Khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7, họ có thể sẽ xem xét cung cấp nhiều thiết bị tiên tiến hơn.