Nhìn lại một năm sóng gió của hàng không thế giới

Năm 2024 đánh dấu ngày mở đầu và áp chót bằng một loạt vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng, khiến dư luận bàng hoàng.

Liên tiếp tai nạn hàng không

Ngày đầu tiên của năm 2024, thế giới rúng động khi máy bay chở khách của hãng hàng không Japan Airlines va chạm với máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Toàn bộ 379 hành khách bảo toàn tính mạng, duy nhất 5 thành viên phi hành đoàn không may tử nạn.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air.

Đến cuối năm 2024, một loạt sự kiện hàng không nghiêm trọng tiếp diễn, đau xót nhất là vụ tai nạn máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air, cướp đi sinh mạng của 179 người, trở thành thảm họa hàng không chết nhiều người nhất tại Hàn Quốc kể từ năm 1997.

Trong cả năm, những tin tức về tai nạn, sự cố hàng không nhỏ lẻ liên tục xuất hiện trên báo chí.

Ngay trước vụ máy bay Hàn Quốc, máy bay chở khách Canada và Azerbaijan cũng gặp sự cố nghiêm trọng.

Trong ngày Giáng sinh, chuyến bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines bị rơi khi đi vào không phận Grozny, Chechnya (Nga) khiến 38 người thiệt mạng.

Những sự cố hàng không liên tiếp đã khép lại một năm không mấy tươi sáng đối với ngành hàng không thế giới, đặc biệt là đối với hãng sản xuất máy bay Boeing.

Ngành hàng không vẫn an toàn

Tuy nhiên, hàng không vẫn được đánh giá là phương thức vận tải an toàn hàng đầu. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), rất khó xảy ra các vụ tai nạn (bao gồm cả các vụ có thương vong) tính trên hàng chục triệu chuyến bay thương mại mỗi năm.

Hiện trường vụ va chạm máy bay tại Nhật Bản ngày 1/1/2024.

Hiện trường vụ va chạm máy bay tại Nhật Bản ngày 1/1/2024.

IATA cho biết năm 2023 ghi nhận 30 vụ tai nạn hàng không (bao gồm có người tử vong hoặc không), tương đương tỉ lệ cứ 1,26 triệu chuyến bay thì xảy ra một vụ tai nạn. Con số này thấp hơn so với tỉ lệ của năm 2022 khi cứ 770.000 chuyến bay thì có 1 chuyến báo cáo tai nạn.

So sánh để thấy rõ hơn, ông Anthony Brickhouse, Giáo sư về an toàn hàng không tại Đại học Hàng không Embry-Riddle ở New Jersey chỉ ra, quá trình lái xe đến sân bay còn rủi ro hơn cả khi trên máy bay. Thậm chí, ở một số nơi trên thế giới, nguy cơ tai nạn khi đi thang cuốn còn cao hơn so với đi trên máy bay.

Theo nghiên cứu về an toàn hàng không được công bố vào tháng 8/2024, trong giai đoạn năm 2018 đến năm 2022, trên quy mô toàn thế giới, rủi ro tử vong mỗi lần lên máy bay là 1/13,7 triệu chuyến. Theo Tổng giám đốc IATA Willie Walsh, hơn 4,4 tỷ hành khách trải nghiệm bay an toàn trong năm 2023, mặc dù môi trường hoạt động ngày càng phức tạp.

Còn nhiều khoảng trống cần cải thiện

Hiện, chưa có thống kê, đánh giá đầy đủ về an toàn hàng không của năm 2024 nhưng báo National Post dẫn lời ông David Learmount, một nhà báo chuyên theo dõi hàng không nhận định: "Dù năm 2024 kém an toàn hơn những năm gần đây nhưng nếu tính trong một thập kỷ qua có thể nói đây là thập kỷ an toàn nhất trong lịch sử hàng không".

Trong một thập kỷ trước, rủi ro chết người trong ngành hàng không là 1/350.000 chuyến còn nay tỉ lệ này đã giảm trung bình 7%/năm trong 10 năm qua.

Dẫu vậy, Tổng giám đốc IATA Willie Walsh nhấn mạnh không bao giờ coi nhẹ an toàn, cần phải ưu tiên các tiêu chuẩn toàn cầu và liên tục hiện đại hóa.

Chủ tịch, Giám đốc điều hành Quỹ An toàn bay Hassan Shahidi cho biết ngày càng có nhiều trường hợp thương tích liên quan đến nhiễu loạn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do biến đổi khí hậu và sự chủ quan của hành khách khi không thắt dây an toàn.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tới an toàn hàng không là nguy cơ từ các khu vực xung đột và bất ổn trên toàn cầu khi ngày càng nhiều chiến sự bùng nổ.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhin-lai-mot-nam-song-gio-cua-hang-khong-the-gioi-192250103014911933.htm