Nhìn lại một năm thực hiện chính sách tín dụng cho người mãn hạn tù
Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/8/2023 về tín dụng với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định 22) đã được Hà Nam triển khai thực hiện, bước đầu ghi nhận đạt hiệu quả tích cực, giúp những người lầm lỡ có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Theo Công an tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.300 người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng. Quyết định 22 đi vào cuộc sống sẽ tạo cơ hội cho nhiều đối tượng làm lại cuộc đời, tránh tái phạm tội, trở thành người có ích cho xã hội.
Tạo điều kiện để chính sách đi vào cuộc sống
Trước khi Quyết định 22 được ban hành, ngày 20/5/2023, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tại huyện Kim Bảng. 108 đối tượng có mặt tham dự phiên giao dịch này đã được nghe lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý Tạm giữ, tạm giam và Thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an) cung cấp thông tin về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách tín dụng với người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Theo đó, đối tượng được vay là người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng, đáp ứng các điều kiện như: chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, có nhu cầu vay vốn, được công an cấp xã nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú lập danh sách và được UBND xã xác nhận. Thời gian kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù đến khi được vay vốn tối đa là 5 năm, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Đối tượng thứ 2 được vay vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, với mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án. Lãi suất cho vay chương trình này bằng lãi suất cho vay hộ nghèo. Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục C11, Bộ Công an đánh giá cao cách làm của Hà Nam khi tiến hành các phiên giao dịch việc làm cho đối tượng người thi hành xong án phạt tù về cộng đồng. Đồng thời, khẳng định đây là cách làm vừa mang tính nhân văn trong việc thực thi các chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước; vừa tạo kế sinh nhai, ổn định cuộc sống, hướng các đối tượng đã từng lầm lỡ trở lại cuộc sống tích cực hơn. Hà Nam là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện cách làm này, cho kết quả khả quan và cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong cả nước, tạo điều kiện để chính sách đi nhanh vào đời sống.
Sau khi Quyết định 22 được ban hành, Hà Nam tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù tại thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân, thu hút trên 300 đối tượng tham gia. Anh Phạm Trường Giang, thị trấn Vĩnh Trụ chia sẻ: Tôi đã được mãn hạn tù một thời gian, luôn tìm kiếm việc làm, nhưng gặp khó khăn. Nhờ có phiên giao dịch này, chúng tôi vừa được tiếp cận với doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng, vừa nắm bắt được chính sách cho vay đối với những người như chúng tôi. Tôi rất mong muốn gây dựng lại cuộc sống cho bản thân và gia đình bằng thực lực của mình, nhưng gặp khó khăn về vốn. Bây giờ, có sự hỗ trợ từ chính sách này bản thân tôi rất phấn khởi. Tôi sẽ xin chính quyền địa phương, công an thị trấn tạo điều kiện để được vay vốn làm cây cảnh... Cũng như anh Giang, nhiều đối tượng có mặt trong các phiên giao dịch đặc thù này đã rất vui khi nắm được thông tin về chính sách, hy vọng những dự định của mình trong phát triển kinh tế gia đình sẽ sớm thành hiện thực.
Để chính sách phát huy hiệu quả...
Đến Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lý Nhân làm thủ tục vay vốn, chị Trần Thị Tin (vợ anh Trần Quang Đoài, trú tại xã Nguyên Lý, người vừa chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương) rất phấn khởi khi được vay 100 triệu đồng để thực hiện dự án phát triển chăn nuôi hộ gia đình. Chị Tin cho biết: Trước đây hai vợ chồng tôi đã từng phát triển chăn nuôi, nhưng vốn ít quá, không đủ để mở rộng theo nhu cầu. Khi được bình xét cho vay theo Quyết định 22, chúng tôi bàn nhau sẽ dùng số tiền này để phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, chồng tôi có việc làm để tránh xa tệ nạn xã hội.
Trở về địa phương vào năm 2021, sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Nguyễn Văn Cố (trú tại tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) đã cố gắng phấn đấu trở thành công dân tốt. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên để đầu tư phát triển sản xuất đối với anh là không dễ dàng. Được tiếp cận nguồn vốn, anh Cố may mắn được bình xét cho vay 100 triệu đồng. Với số vốn này, anh dùng để đầu tư mở rộng kho làm đá lạnh và sửa chữa máy làm đá, tạo việc làm ổn định cho 4-5 lao động, thu nhập trung bình 250-300 nghìn đồng/người/ngày. Anh Nguyễn Văn Cố tâm sự: Nhiều khi nghĩ về quá khứ, bản thân tôi cảm thấy mặc cảm. Khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, vốn liếng phát triển kinh tế không có nên tôi cảm thấy khá bế tắc. Bây giờ, được tiếp cận nguồn vốn vay này, tôi sẽ cố gắng sử dụng nó một cách hiệu quả nhất để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình.
Theo bà Nguyễn Phương Chi, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thời gian qua, Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền về chính sách; phối hợp với Công an tỉnh xây dựng chương trình phối hợp triển khai thực hiện, khảo sát nhu cầu vay vốn đến từng đối tượng theo danh sách cơ quan công an cung cấp để làm căn cứ xây dựng kế hoạch vốn… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 71 khách hàng được vay vốn với số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Thành phố Phủ Lý và các huyện Kim Bảng, Lý Nhân là những địa phương triển khai tốt chương trình này. Tại huyện Kim Bảng, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với Công an huyện, công an các xã, thị trấn và các tổ chức hội đoàn thể triển khai Quyết định 22 nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện, bước đầu cho thấy chính sách đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đã và đang đi vào đời sống một cách thiết thực, giúp cho 7 đối tượng đã được vay vốn trên 400 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Đại tá Phạm Hùng Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Hà Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước theo tinh thần Quyết định 22 đối với các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù và ngay cả với những đối tượng trong trại giam sắp sửa chấp hành xong án phạt tù. Công an tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, lập danh sách và hoàn thiện các thủ tục cho đối tượng vay đúng quy định, bước đầu phát huy hiệu quả, giúp các đối tượng có việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội. Để ngăn ngừa việc trục lợi chính sách, Công an tỉnh đã tổ chức tập huấn cho lực lượng công an cơ sở tăng cường công tác quản lý, giám sát, xác định đúng đối tượng, đủ điều kiện để phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp vốn cho họ triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các quy chế theo Quyết định 22, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát, quản lý đối tượng...