Nhìn lại một nhiệm kỳ đầy sóng gió và dấu ấn của nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Tính từ ngày 09/4/2016 đến ngày miễn nhiệm, thầy Phùng Xuân Nhạ đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ còn thiếu 2 ngày là tròn 5 năm trời.
Ngày 7/4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, tính từ ngày 09/4/2016 đến ngày miễn nhiệm, thầy Phùng Xuân Nhạ đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ còn thiếu 2 ngày là tròn 5 năm. Một nhiệm kỳ trôi qua, những thành tựu, hạn chế của giai đoạn này song hành với nhau.
Có nhiều việc mà Bộ trưởng Nhạ cùng với tập thể lãnh đạo Bộ Giáo dục đã làm được nhưng cũng còn nhiều việc chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội. Thậm chí, có những sự việc xảy ra đã gây ra những phản ứng trái chiều.
Song, công bằng mà nói, 5 năm là khoảng thời gia quá ngắn để 1 Bộ trưởng có thể có những dấu ấn đậm nét cho ngành giáo dục, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đang có sự chuyển đổi từ chương trình cũ sang chương trình giáo dục phổ thông 2018 với vô vàn công việc phải làm.
Tháng 4/2016, thầy Phùng Xuân Nhạ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thay cho thầy Phạm Vũ Luận.
Nếu như người tiền nhiệm xem “giáo dục là trận đánh lớn” thì Bộ trưởng Nhạ đã quan niệm: “Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm”.
Song, thực tế thì gần 5 năm qua, có những việc xảy ra trong ngành giáo dục đã không như mong muốn của cá nhân thầy Phùng Xuân Nhạ và xã hội.
Những sự việc bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi. Bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh, giữa phụ huynh với giáo viên xảy ra liên tục.
Những sự việc nổi cộm phải kể đến như: Năm 2018, tại trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) đã xảy ra sự việc một cô giáo bị phụ huynh yêu cầu quỳ gối ngay trong văn phòng của nhà trường.
Tại Hải Phòng, một cô giáo trẻ đứng lớp đã bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng, sự việc đã gây chấn động dư luận lúc bấy giờ về đạo đức của một nhà giáo.
Rồi tại Quảng Bình, một cô giáo đã yêu cầu 23 học sinh tát 1 nam sinh lớp 6 tổng cộng 231 cái vào mặt, khiến em học sinh này phải nhập viện. Đây thực sự là một trong những sự cố đau lòng về cách ứng xử ở môi trường giáo dục…
Tình trạng học sinh đánh nhau tung clip lên mạng xã hội, học sinh đánh nhau dẫn đến tử vong, chấn thương sọ não khiến cho xã hội xót xa về văn hóa học đường.
Những kiện cáo, thưa gửi kéo dài như trường hợp cô Nguyễn Thị Tuất- giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B (Quốc Oai, Hà Nội) kéo dài qua 4 đời hiệu trưởng, dài dằng dặc suốt 20 năm trời cho thấy những bất ổn trong quản lý ở cơ sở.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi ủng hộ thầy và trò miền Trung
Bên cạnh đó, những tiêu cực trong thi cử, đào tạo cũng có lúc đã khiến cho xã hội hoài nghi, thất vọng, mai một niềm tin ở một số kỳ thi, một số cơ sở đào tạo.
Đó là vụ tiêu cực chấn động cả nước trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang. Ngoài ra, dư luận cũng đặt ra những nghi vấn ở một số tỉnh, thành khác nữa nhưng chỉ tiếc sự việc này chỉ dừng lại ở 3 địa phương mà thôi.
Vụ án này đã khiến hàng chục nhà giáo rơi vào vòng lao lý. Nhiều nhà giáo đã không còn liêm sỉ trước tòa nên đã đổ tội, né tránh trách nhiệm của mình khi sự việc bị phanh phui…
Sự việc tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 của trường Đại học Đông Đô thu lời bất chính hàng tỷ đồng. Điều đáng sợ nhất là có nhiều người “học”ở đây là một số cán bộ, công chức, viên chức để nhằm hợp thức hóa văn bằng làm nghiên cứu sinh, để thăng tiến.
Sách giáo khoa phổ thông năm 2000, sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục cũng trở thành nỗi ám ảnh cho hàng triệu phụ huynh mỗi khi con em họ bước vào năm học mới.
Sách lớp 1 của chương trình mới có nhiều sạn cũng khiến dư luận bất bình, hoài nghi về năng lực của một số tác giả biên soạn sách giáo khoa, cũng như những dự án mà ngành giáo dục đã triển khai…
Cho dù những sự việc xảy ra ở các địa phương, đã được phân cấp trong quản lý, hoặc là những dự án còn dở dang của các khóa trước nhưng nó lại rơi vào đúng thời điểm Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại vị. Với cương vị đứng đầu ngành giáo dục, bất kỳ chuyện gì xảy ra trong ngành, thì ông vẫn là người đứng mũi chịu sào trước sóng gió dư luận, cho dù phân cấp quản lý nhà nước có thế nào đi nữa.
Vì thế, uy tín của Bộ trưởng Nhạ có những lúc bị ảnh hưởng.
Điều này dẫn đến việc ngày 25/10/2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ nhận được 28,87% phiếu tín nhiệm cao và ông là người đạt số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất trong số 48 chức danh do Quốc hội bầu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng Đà Nẵng bàn cách gỡ vướng dự án 23 năm trên giấy
Tuy nhiên, vượt qua tất cả những áp lực xã hôi, sóng gió dư luận, trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng với lãnh đạo của Bộ đã có những chỉ đạo, những kế hoạch phù hợp để đạt nhiều thành tựu trong đổi mới giáo dục và chấn chính những hạn chế trong khoảng thời gian tại vị của mình.
Đó là Bộ đã ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của chương trình mới.
Trong năm học vừa qua và năm học 2020-2021 này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương tinh giản những đơn vị kiến thức không cần thiết cho phù hợp với thực tế năm học.
Bộ đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào ứng dụng trong giảng dạy và học tập như: dạy và học trực tuyến, bồi dưỡng trực tuyến, cho phép các nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục…
Các hội thi như: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi đua khen thưởng cũng được chấn chỉnh bằng các văn bản mới.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục đã lên tiếng và thống nhất chủ trương bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên, đưa ra những giải pháp trong việc bồi dưỡng chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Nhiều trường đại học đã được xếp vào những trường uy tín của quốc tế, khu vực, nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế.
Những thành tựu này có một phần quyết liệt của lãnh đạo Bộ, trong đó có dấu ấn của thầy Phùng Xuân Nhạ trong suốt thời gian 5 năm vừa qua.
Hy vọng, Bộ trưởng kế nhiệm thầy Phùng Xuân Nhạ sẽ có những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tế của ngành để hạn chế được những sự cố và phát huy những thành tựu của người tiền nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục nước nhà trong những năm tới đây.