Nhìn lại một nhiệm kỳ thắng lợi

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp hội nông dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ và đã đạt, vượt các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Các phong trào thi đua của hội tiếp tục được đổi mới, phát triển, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, nông dân.

Xây dựng, củng cố tổ chức hội

Xác định công tác xây dựng tổ chức hội là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Châu Thành đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh toàn diện; tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội, chất lượng hội viên, tỷ lệ tập hợp hội viên nông dân. Đến nay, Hội Nông dân huyện có 9.158 hội viên, chiếm 83,41% so với số hộ nông dân. Các cấp hội chú trọng chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vào hoạt động công tác hội và phong trào nông dân sát thực với nhu cầu của hội viên. Do đó chất lượng hoạt động của các cơ sở hội và chi hội được nâng lên rõ rệt.

 Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THẠCH PÍCH

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Nguyễn Văn Nhơn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian qua, hội nông dân các cấp tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp huyện giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, vận động, hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn hội viên, nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các sản phẩm lợi thế của địa phương. Áp dụng các biện pháp thâm canh, khoa học công nghệ;, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước hình thành những cánh đồng lớn; phát triển các mô hình sản xuất theo quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao”.

Nhiều mô hình hiệu quả, nhiều tấm gương tiêu biểu

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng lan tỏa. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả, có 27.287 lượt cán bộ, hội viên, nông dân được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Điển hình như hộ chị Phan Thị Là, ngụ ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa là một trong những hội viên tiêu biểu của huyện. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó và biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã giúp gia đình chị Là phát triển thành công mô hình chăn nuôi bò, nuôi dê kết hợp trồng dừa, rau màu. Chị Là còn ủ phân để bón cho cây trồng và bán cho người làm vườn ở một số địa phương lân cận. Chị Phan Thị Là phấn khởi cho biết: “Mô hình này đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần ổn định cuộc sống gia đình”.

Ngoài mô hình của hộ chị Phan Thị Là, còn có nhiều mô hình khác như: bưởi da xanh hộ ông Nguyễn Văn Bé Chính, mô hình nuôi dê hộ ông Liêu Văn Kích, đều ngụ ấp Xây Đá, thị trấn Châu Thành; mô hình trồng táo hồng của ông Trần Hoàng Vũ, ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa; mô hình trồng cây vú sữa và hành tím của ông Nguyễn Phi Bằng, tại ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp; mô hình nuôi ba ba kết hợp nuôi rắn ri voi hộ ông Dương Văn Thắng, hội viên nông dân ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện; mô hình nuôi heo rừng của hộ ông Lê Văn Oanh, ấp Kinh Đào, xã Hồ Đắc Kiện…

Mô hình trồng táo hồng của gia đình anh Trần Hoàng Vũ, ở ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: THẠCH PÍCH

Mô hình trồng táo hồng của gia đình anh Trần Hoàng Vũ, ở ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: THẠCH PÍCH

Bên cạnh đó, nhằm giúp hội viên có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh tín chấp cho hội viên vay các nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hiện hội nông dân quản lý 66 tổ tiết kiệm vay vốn, đã giải ngân trên 87,5 tỷ đồng cho 3.677 hộ hội viên, nông dân. Quỹ hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng cho 187 hộ hội viên, nông dân đầu tư thực hiện 34 dự án, góp phần tăng thu nhập cho kinh tế hộ.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhơn cho biết thêm: “Huyện hội chỉ đạo các cấp hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảng ủy, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mạnh dạn tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, cánh đồng sản xuất tập trung; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai chương trình hành động thực hiện 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW về “Đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp”, đến nay toàn huyện có 18 hợp tác xã; 67 tổ hợp tác; 5 chi hội và 42 tổ hội nghề nghiệp đang hoạt động có hiệu quả”.

Thời gian qua, công tác tham gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá của huyện. Các cấp hội đã vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: phát quang gần 156km, đắp lề đường giao thông được hơn 125.560m3, duy tu bảo dưỡng 25,2km lộ giao thông. Đồng thời, triển khai, vận động nông dân xây dựng mô hình tham gia bảo vệ môi trường như: Mô hình lò đốt rác tại nông hộ, hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi, thu gom rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, thu gom phân bò, ủ phân vi sinh từ rác thải và phế phẩm nông nghiệp tại nông hộ, ứng dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi gà tại nông hộ...

Nhiệm kỳ mới, thời cơ mới

Với những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân huyện Châu Thành đề ra phương hướng hoạt động là “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Tổ chức các dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho hội viên, nông dân. Xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”, từng bước thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội, thể hiện được “Ý chí, khát vọng, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, quyết tâm vượt khó vươn lên… của các cấp hội và hội viên nông dân”.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhơn cho rằng: “Trong 5 năm tới, hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng hội trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân trong tình hình mới”.

Cùng nhìn lại chặng đường nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã gặt hái được những thành công tốt đẹp. Hội đã được Trung ương Hội tặng 3 bằng khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 36 cá nhân, Hội Nông dân tỉnh tặng 10 giấy khen cho 4 tập thể và 6 cá nhân; UBND huyện tặng 57 giấy khen cho tập thể và cá nhân; Hội Nông dân huyện đã tặng 56 giấy khen cho 16 lượt tập thể và 40 cá nhân; tặng Kỷ niệm chương vì giai cấp Nông dân Việt Nam cho 18 đồng chí.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-chau-thanh/nhin-lai-mot-nhiem-ky-thang-loi-65026.html