Nhìn lại những lần doanh nghiệp Việt vượt 'bão' thuế quan: Bộ Công Thương luôn sát cánh

Dù nhiều lần bị điều tra, áp thuế song doanh nghiệp Việt luôn chủ động, linh hoạt các giải pháp bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương để vượt bão.

Theo các quy định của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quốc gia có thể sử dụng các công cụ, biện pháp thương mại, trong đó có chính sách thuế để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

Một trong những công cụ thuế phổ biến nhất được nhiều nước vận dụng là thuế chống bán phá giá (Hiệp định về Chống bán phá giá của WTO) với lý do hàng hóa nhập khẩu được bán tại nước nhập khẩu với giá thấp hơn giá bán tại thị trường nước xuất khẩu.

Để áp thuế, nước sở tại sẽ tiếp nhận đơn của các chủ thể trong nước để điều tra nếu có đủ bằng chứng, sẽ áp thuế chống bán phá giá tương đương với biên độ phá giá.

Kể từ khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đến nay, quốc gia này đã nhiều lần sử dụng các biện pháp, trong đó có thuế để hạn chế hàng hóa của Việt Nam như bán phá giá, trợ cấp Chính phủ, sử dụng nguyên liệu bất hợp pháp, thao túng tiền tệ, thâm hụt thương mại. Những biện pháp này được Hoa Kỳ áp dụng nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và thúc đẩy thương mại công bằng.

Chủ động trước hàng rào thuế quan

Thống kê từ những năm 2000 đến nay, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam liên tục rơi vào “tầm ngắm” của các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng, trong đó phổ biến nhất là thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, đến các biện pháp khác, gần đây nhất là thuế đối ứng. Điển hình như nhóm hàng cá tra, cá basa bị áp thuế chống bán phá giá, rồi đến tôm đông lạnh, lốp xe, đồ gỗ, thép mạ và năm 2025 là hầu hết các hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ.

Không chỉ có Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã đối mặt với hàng trăm vụ việc phòng vệ thương mại của nhiều quốc gia với nhiều nhóm mặt hàng.

Mặc dù vậy, với sự đồng hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt vẫn chủ động thích ứng một cách linh hoạt để vượt qua hàng rào thuế quan một cách ngoạn mục. Bởi lẽ các doanh nghiệp luôn ý thức được rằng, trong cuộc chơi cạnh tranh toàn cầu, những biện pháp phòng vệ thương mại và rào cản là điều đương nhiên. Chỉ có chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, thích ứng, tự mình lớn lên thì mới có thể tồn tại.

Một trong những giải pháp chủ động mà doanh nghiệp đã và đang làm là “thích ứng”, đối diện, đối thoại sòng phẳng với đối tác.

Thứ nhất, đối với các vụ việc liên quan đến thuế chống bán phá giá và những cáo buộc khác, doanh nghiệp Việt Nam đã “không im lặng” mà luôn chủ động hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và cơ quan chức năng, thậm chí cả luật sư nước sở tại để chuẩn bị hồ sơ tài liệu một cách chi tiết, chứng minh chi phí; tăng cường đối thoại; nộp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của nguyên đơn. Đơn cử như trong vụ kiện cá tra, basa năm 2002, một số doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn, Agifish đã thực hiện như vậy. Qua tiến trình điều tra, các doanh nghiệp đã được hưởng mức thuế thấp hơn đáng kể so với các đối thủ không hợp tác.

Thứ hai, để giảm sự rủi ro, phụ thuộc vào một thị trường, doanh nghiệp Việt Nam đã điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp vừa củng cố thị trường nội địa vừa đẩy mạnh tìm kiếm đối tác mới để đa dạng hóa thị trường.

Thực tế cho thấy, sau khi bị áp thuế cao trong vụ tôm đông lạnh năm 2004, nhiều doanh nghiệp như Minh Phú, Stapimex… đã chuyển hướng sang thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc để phân tán rủi ro, đồng thời tiếp tục giữ chỗ tại thị trường Mỹ bằng cách đầu tư vào quy trình kiểm soát chất lượng và hợp tác minh bạch với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

Thứ ba, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tái cấu trúc chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đầu tư nhà máy, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cùng với tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu.

Theo đó, các tập đoàn lớn sản xuất các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu như thép, lốp xe đã chủ động đầu tư nhà máy sản xuất, tìm kiếm nguyên liệu đầu vào đa dạng; tăng tỷ lệ nội địa hóa để tránh cáo buộc là “lẩn tránh thuế”.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt cũng thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp đến tư duy thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống ERP, kiểm toán độc lập, và số hóa dữ liệu để phục vụ việc đối chiếu chi phí, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ điều tra thuận lợi hơn. Đối với các biện pháp thuế hoặc hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp đã không coi đó là gánh nặng không may mắn mà cho rằng đó là xu hướng tất yếu, coi sự phòng vệ của đối tác là công cụ bảo vệ quyền lợi. Biến rào cản đó thành cơ hội hoàn thiện và là công cụ chiến lược để nâng cao lợi thế cạnh tranh, sẵn sàng ứng phó với mọi rủi ro.

Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp Việt sẽ vượt qua được những rào cản thương mại, trong đó có thuế quan (Ảnh minh họa)

Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp Việt sẽ vượt qua được những rào cản thương mại, trong đó có thuế quan (Ảnh minh họa)

Sự đồng hành của Chính phủ và Bộ Công Thương

Từ kinh nghiệm các vụ việc phòng vệ thương mại 2 chiều, đặc biệt là thuế, với vai trò là cơ quan Chính phủ, chịu trách nhiệm về quản lý ngành, Bộ Công Thương luôn nỗ lực đồng hành cùng các doanh nghiệp. Thể hiện vai trò “chỉ huy trưởng” từ hậu trường, xây dựng cơ chế phản ứng nhanh, tổ chức đàm phán cấp cao, đến hỗ trợ pháp lý.

Ngay sau khi có thông tin hay thông báo điều tra từ các cơ quan chức năng của các nước nguyên đơn, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch bài bản, khoa học, tuân thủ luật lệ quốc tế; giải quyết mọi việc theo hướng hợp tác, đối thoại, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu của nguyên đơn. Bộ cũng thường xuyên tổ chức họp khẩn với doanh nghiệp, luật sư quốc tế và các cơ quan liên quan để đưa ra chiến lược ứng phó, thu thập dữ liệu và giải trình minh bạch. Điều này đã được các nguyên đơn và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Sau khi có đầy đủ cơ sở pháp lý, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đàm phán. Sự vào cuộc chủ động này đã giúp nhiều doanh nghiệp được hưởng mức thuế thấp hơn so với nguyên đơn định đưa ra hoặc tránh được áp thuế bổ sung. Cùng với đó, bộ cũng đề xuất rà soát, sửa đổi bổ sung khung khổ pháp lý nhằm thích ứng với những quy định của nước nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Trong một báo cáo của Mỹ liên quan đến chính sách tiền tệ và sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp đã thừa nhận: “Hoa Kỳ đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cải cách chính sách tiền tệ và minh bạch nguồn gốc gỗ. Đây là minh chứng cho tinh thần hợp tác cởi mở, thực chất.”

Song song với các biện pháp hành chính, Bộ Công Thương đã hỗ trợ xây dựng năng lực “phòng vệ” cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp từ thế bị động sang chủ động ứng phó. Theo đó, bộ đã thành lập Cục Phòng vệ Thương mại có chức năng nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin, cảnh báo sớm cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp về cách tiếp cận hồ sơ, luật lệ phòng vệ thương mại quốc tế; hướng dẫn cho doanh nghiệp ứng phó với từng nhóm mặt hàng cụ thể.

Nhìn lại những vụ kiện từ năm 2022, có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đang trụ vững giữa các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có thuế quan mà còn khẳng định mình là đối tác thương mại đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó cũng minh chứng cho tinh thần vượt khó, sự thông minh và bản lĩnh thị trường trong cuộc chơi đầy khốc liệt.

Vì vậy, việc Hoa Kỳ áp thuế quan 46% lên hầu hết các hàng hóa nhập từ Việt Nam trong năm 2025 cũng sẽ sớm có lời giải. Bằng chứng là ngay sau khi có thông tin, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để tìm lời giải. Tin rằng, bằng các biện pháp ngoại giao, cùng sự nỗ lực, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức như đã từng.

Vào tối 4/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump và bày tỏ quan điểm sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng nhập từ Việt Nam.

Nguyên Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhin-lai-nhung-lan-doanh-nghiep-viet-vuot-bao-thue-quan-bo-cong-thuong-luon-sat-canh-381867.html