Nhìn lại sự dị thường hiếm gặp của bão Trà Mi thách thức công tác dự báo

Trà Mi có thể được xem là một cơn bão có đường đi kỳ dị, đã được nhận định từ giai đoạn dự báo. Cùng một thời điểm, bão Trà Mi chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau đã thách thức công tác dự báo.

Đường đi kì dị hiếm gặp của bão Trà Mi

Bão Trà Mi đổ bộ đất liền nước ta trưa 27/10. Tuy nhiên, do đĩa mây rộng, ngay chiều 26/10, mưa lớn đã trút xuống các tỉnh miền Trung, trọng tâm là Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Bão Trà Mi có hướng đi khá kỳ dị, sau khi đổ bộ đất liền nước ta, bão di chuyển rất chậm, có thời gian gần như đứng yên, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi đổi hướng ra biển. Do thời gian bão lưu đất liền khá lâu, vùng áp thấp sau khi ra biển tiếp tục gây mưa lớn nên miền Trung hứng chịu một đợt mưa dữ dội dài ngày.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai nhận định, Trà Mi có thể được xem là một cơn bão có đường đi kỳ dị như được nhận định từ giai đoạn dự báo. Cùng một thời điểm Trà Mi chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau nên công tác dự báo khá khó khăn.

Bão Trà Mi đổ bộ khiến nhiều khu vực ở miền Trung ngập nặng.

Bão Trà Mi đổ bộ khiến nhiều khu vực ở miền Trung ngập nặng.

Yếu tố tác động giai đoạn đầu là địa hình núi cao phía Đông của đảo Luzon (Philippines). Điều này dễ dự báo vì hầu hết các cơn bão đi vào Luzon đều bị phá cấu trúc và giảm cẩp, hoặc không thể tăng cấp.

Yếu tố thứ hai là áp cao lục địa có thời điểm khí áp lên đến 1024hpa từ phía Bắc đi xuống và sau đó là áp cao cận nhiệt đới khi bão vào gần bờ. Yếu tố này khiến bão bị "ép" đi theo hướng Tây thẳng vào miền Trung, và sau đó áp cao cận nhiệt đới góp sức bẻ lái bão đi từ trong bờ ra ngoài. Yếu tố thứ 3 là không khí lạnh yếu tác động khiến bão giảm cấp nhưng lại gây mưa nhiều.

TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định, về công tác dự báo, đa số các đài đều dự báo đúng về xu hướng "bẻ lái" của bão và thực tế là Trà Mi có bẻ lái. Tuy nhiên nhiều mô hình dự báo sai về vị trí và thời gian "bẻ lái" của bão. Sai số này là chuyện dễ xảy ra trong dự báo vì có giai đoạn bão đi nhanh và vào bờ sớm hơn so với kịch bản dịch chuyển của áp cao cận nhiệt đới và không khí lạnh về. Ban đầu bão được dự báo sẽ "bẻ lái" khi cách bờ biển Trung Trung Bộ khoảng 150km (sau đó có cập nhật dự báo bão vào bờ rồi mới đi ra). Nhưng thực tế nó lại vào sâu, ở lâu và chỉ vòng ra biển khi đã yếu.

Bão Trà Mi vào bờ lúc 8 giờ sáng ngày 27/10 tuy nhiên gió mạnh nhất là khoảng 5-6 giờ sáng. Sớm hơn rất nhiều so với các kịch bản dự báo. Tâm bão khi vào bờ trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sóng biển cao 4m - 5m gần bờ nên nó đã phá hủy nhiều hạ tầng ven biển. Trong buổi sáng ngày 27/10, nước biển vượt qua cả bãi cát đi vào khu dân cư ở ven biển Thuận An (Thừa Thiên Huế).

Vì sao Quảng Bình không phải tâm bão lại mưa lũ nghiêm trọng?

Trả lời câu hỏi vì sao Quảng Bình lại bị ngập lụt nghiêm trọng dù không phải tâm bão, TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích, mưa lớn đã được dự báo trước. Nguyên nhân là do hoàn lưu bão đi lệch về phía Bắc theo lực quán tính và gặp phải không khí lạnh nên càng có cơ hội ngưng tụ nhiều hơi nước. Cùng thời điểm đó, vùng áp thấp của bão hút gió về tâm nên gió Đông Bắc thổi mạnh cấp 5-6 liên tục trong 2 ngày 27 và 28/10.

Gió mạnh khiến sóng cao kết hợp triều cường khiến nước lũ trên sông Nhật Lệ không thoát ra ngoài biển nhanh được. Với tổng lượng mưa ở Quảng Bình dao động từ 800mm - 1100mm trong 2 ngày kết hợp triều cường thì khó tránh ngập lụt.

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, lượng mưa hơn ba ngày (tính từ 19h ngày 25/10 đến 7h sáng 29/10) ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và Tây Nguyên phổ biến từ 200-400 mm.

Một số trạm ghi nhận được lượng mưa từ 700-900 mm như Hồ An Mã (Quảng Bình) 866 mm, Lệ Ninh (Quảng Bình) 798 mm, Thủy điện La Tó (Quảng Trị) 771 mm, Tà Long (Quảng Trị) 771 mm, riêng Hồ Sông Thai (Quảng Bình) ghi nhận lượng mưa tới 1.142 mm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 30/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, cục bộ xuất hiện mưa rất to với lượng mưa từ 30-60 mm, có nơi trên 120 mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện từ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).

GS.TS Phan Văn Tân từ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng sự chuyển pha từ El Nino sang La Nina có thể tạo ra những điều kiện bất thường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Những năm xảy ra La Nina thường có bão nhiều hơn so với năm El Nino, kèm theo đó là lượng mưa lớn hơn. Thống kê cũng cho thấy, trong những tháng cao điểm từ tháng 9 đến tháng 11, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ 2 đến 3 cơn bão trong một tháng.

Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi các quy luật thời tiết, khiến hiện tượng La Nina trở nên dị thường hơn bao giờ hết. Cường độ bão mạnh, mưa lớn và lũ lụt kéo dài là những hậu quả trực tiếp của quá trình này. Để đối phó với thiên tai, cần tăng cường theo dõi các hiện tượng thời tiết bất thường, bảo vệ rừng và áp dụng các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, nhằm bảo vệ cộng đồng trước những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhin-lai-su-di-thuong-hiem-gap-cua-bao-tra-mi-thach-thuc-cong-tac-du-bao-169241030090731132.htm