Nhìn lại thế giới năm 2022: Bức tranh xám màu (Kỳ cuối)
Xung đột bùng phát cùng sự căng thẳng trở lại của nhiều điểm nóng cũ là chủ đề xuyên suốt, song chỉ là một phần trong bức tranh của thế giới năm 2022.
Cạnh tranh nước lớn gay gắt
Không khó để thấy sự xuất hiện của xung đột Nga-Ukraine đã tác động đáng kể tới tam giác nước lớn Mỹ- Nga-Trung trong năm 2022.
Cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục gay gắt, ngày càng trở nên toàn diện hơn. Từ chính trị, kinh tế, cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã mở rộng ra lĩnh vực công nghệ và chất bán dẫn. Đạo luật CHIPS và khoa học cùng Đạo luật Giảm lạm phát cho thấy nỗ lực của Mỹ trong lĩnh vực chip bán dẫn và xe ô tô điện, cũng như kiểm soát việc xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc.
Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ đều coi Trung Quốc là đối thủ số một và thách thức dài hạn. Đạo luật chi tiêu quốc phòng năm 2023 ngày 15/12 với trị giá 858 tỷ USD, tăng 45 tỷ USD so với năm ngoái, sẽ giúp Washington chi tiêu “mạnh tay” hơn trong tăng cường tiềm lực quốc phòng trước năng lực quân sự đang gia tăng của Bắc Kinh.
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc), cũng cho thấy, nước này sẵn sàng thể hiện quan điểm cả những vấn đề cốt lõi với Trung Quốc. Washington tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua các thiết chế đa phương và sáng kiến hợp tác kinh tế mới, song song tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh với châu Mỹ và châu Phi.
Đáp lại, Trung Quốc sẵn sàng bày tỏ thái độ gay gắt với Mỹ về vấn đề Đài Loan, nguyên tắc cốt lõi và nền tảng trong quan hệ hai nước. Trước các lệnh hạn chế thương mại đến từ Washington, Bắc Kinh đang đẩy mạnh phát triển và hướng tới tự chủ trong ngành công nghiệp bán dẫn, ngay cả khi phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đặc biệt, Trung Quốc đã tăng cường tần suất các cuộc tuần tra sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, đồng thời triển khai các cuộc tập trận chung với Nga trên không và trên biển ở Biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống, cả hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ không “đối đầu và xung đột”, dù tiếp tục duy trì cạnh tranh một cách “có trách nhiệm” như Washington nêu. Mỹ và Trung Quốc cũng tiếp tục duy trì liên lạc, hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như nợ công, y tế công cộng, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Nga lại diễn biến theo chiều hướng khác. Sự bùng phát xung đột tại Ukraine đã khiến mối quan hệ giữa Washington và Moscow xấu đi nhanh chóng, chạm đáy trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Bên cạnh hàng chục tỷ USD viện trợ về tài chính và quân sự dành cho Kiev, Washington và phương Tây đã áp đặt những đợt trừng phạt toàn diện về chính trị, kinh tế và ngoại giao khiến xứ bạch dương gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Nga đã đáp trả bằng nhiều biện pháp tương tự, đồng thời nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, củng cố và tăng cường quan hệ với các đối tác như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Đặc biệt, trước áp lực từ Mỹ và phương Tây, mối quan hệ Nga-Trung đang ngày càng chặt chẽ. Điều này thể hiện qua cuộc gặp của lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan hồi tháng Chín, kim ngạch thương mại tăng 31% trong tám tháng đầu năm, cũng như các cuộc tập trận chung gần đây trên Biển Hoa Đông. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn diễn biến phức tạp với cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục gay gắt, mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển một cách “không giới hạn” trong thời gian tới.
Điểm mới trong điều cũ
Năm 2022 cũng chứng kiến một số xu hướng đáng chú ý. Hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, song sự xuất hiện của một số xung đột, đối đầu, với không ít điểm nóng khiến mặt cạnh tranh ngày càng nổi trội.
Hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine, cùng tác động từ đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng hơn. Theo phân tích của Tạp chí Nikkei (Nhật Bản), ngày 29/6, số lượng hàng tồn kho do 2.349 công ty sản xuất toàn cầu niêm yết nắm giữ đạt mức kỷ lục 1.870 tỷ USD. Lượng hàng tồn kho lớn, nhu cầu tiêu thụ chậm, thiếu hụt nguyên vật liệu then chốt, quá trình vận chuyển kéo dài đã khiến không ít nhà sản xuất ngừng làm việc, ảnh hưởng nghiêm trọng và làm giảm tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đã tích cực tận dụng các công nghệ mới từ Cách mạng công nghiệp 4.0 làm lực đẩy quan trọng, tích cực hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đặc biệt, năm 2022 chứng kiến sự nổi lên rõ nét hơn bao giờ hết của các vấn đề an ninh phi truyền thống. Giá năng lượng tăng cao đến từ đối đầu giữa Nga và phương Tây đã kìm hãm động lực phục hồi, tăng trưởng toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, phân bón từ Nga và Ukraine đã dẫn đến tình trạng rủi ro về an ninh lương thực và đẩy hàng chục triệu người, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, đến bờ vực khủng hoảng nhân đạo.
Năm 2022 chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt hiện tượng khí hậu dị thường khắp thế giới, từ lũ lụt ở Pakistan, mùa Hè nóng nhất châu Âu trong 500 năm đến các trận bão lớn tại Philippines, Cuba, Mỹ hay Việt Nam. Thỏa thuận tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) hay Hội nghị của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) là đáng hoan nghênh, song nó cũng cho thấy còn đó nhiều khác biệt giữa các quốc gia trong ứng phó với các thách thức chung này.
Trong năm 2022, vấn đề an ninh mạng, an ninh không gian cũng được các nước ngày một quan tâm, thể hiện rõ qua Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ và tài liệu tương tự của Nhật Bản. Chủ nghĩa khủng bố, Hồi giáo cực đoan tiếp tục là mối đe dọa, nhất là sau hàng loạt vụ tấn công ở Afghanistan và Iraq. Kiểm soát dòng người di cư từ xung đột Nga-Ukraine cũng là thách thức với các nước châu Âu.
Vai trò đặc biệt
Trong bối cảnh đó, vai trò của các tổ chức đa phương và khu vực ngày càng quan trọng. Song xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh nước lớn cùng đại dịch Covid-19 đã gây chia rẽ, “phủ bóng” đen lên diễn đàn khu vực và đa phương thời gian qua.
Trong năm 2022, Liên hợp quốc đã đạt được một số bước tiến nhất định trong tháo gỡ hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt là vai trò trung gian về Sáng kiến Biển Đen, xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Ukraine sang các nước đang phát triển. Mặt khác, tổ chức này vẫn gặp khó khăn trong việc ban hành các nghị quyết có tính ràng buộc pháp lý về tình hình tại Ukraine. Đồng thời, Liên hợp quốc chưa giải quyết được tình trạng mất an ninh lương thực và giá nhiên liệu tăng cao. Không ít nước từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã đến lúc Liên hợp quốc cần có cải tổ mạnh mẽ hơn.
Về phần mình, dưới tác động ban đầu của xung đột Nga-Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò trung tâm và thậm chí có phần đoàn kết hơn trong các nỗ lực viện trợ Kiev và áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện với Moscow. Tuy nhiên, càng về sau, hệ quả kinh tế từ xung đột này, cụ thể là thiếu hụt nguồn cung năng lượng, giá nhiên liệu và lương thực tăng cao cùng lạm phát đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới từng nước thành viên nói riêng và đoàn kết nội khối nói chung.
Trong khi đó, một tổ chức khu vực khác là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chứng tỏ vai trò trung tâm tại khu vực, đặc biệt là thông qua việc ba nước thành viên làm chủ nhà tổ chức ASEAN cấp cao và đối tác, Hội nghị thượng đỉnh G20 và Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế lớn trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, ASEAN tiếp tục đứng trước nhiều thách thức, bao gồm hệ quả kinh tế-chính trị từ xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh nước lớn tại khu vực và điểm nóng nổi bật.
Bức tranh có phần xám màu của năm 2022 đang ở những nét vẽ cuối cùng. Liệu sau cơn mưa, trời có sáng?
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhin-lai-the-gioi-nam-2022-buc-tranh-xam-mau-ky-cuoi-210756.html