Nhìn lại thế giới năm 2024

Cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột giữa Israel với Hamas và Hezbollah, đối đầu giữa Israel và Iran cùng những biến động ở Syria là những mối quan tâm của thế giới trong năm 2024, song song với quan ngại về sự cạnh tranh và cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Các vấn đề này diễn biến ra sao chắc sẽ ảnh hưởng đến tình hình thế giới, và liệu hòa bình có thể xuất hiện trong năm mới hay không cũng là điều mong đợi của thế giới.

Dai dẳng thương chiến Mỹ - Trung

Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, chính thức đánh dấu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước vào giai đoạn mới. Nhưng ứng cử viên được ông Trump lựa chọn đảm nhận các vị trí quan trọng trong chính phủ nhiệm kỳ mới đều là các nhân vật theo trường phái “diều hâu”, hứa hẹn sự leo thang trong mối quan hệ đối đầu Trung Quốc và Mỹ hiện nay. Những phát biểu của ông Trump trong 1 tháng qua cho thấy ông có khuynh hướng dùng thuế quan đánh vào Trung Quốc. Vì vậy, các chuyên gia và học giả cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu nhau và cuộc chiến thương mại sẽ là trọng tâm chính.

Một nhà hàng Mc Donald’s tại Trung Quốc.

Một nhà hàng Mc Donald’s tại Trung Quốc.

Mặc dù Mỹ muốn tập trung mọi nguồn lực để chống lại đối thủ, nhưng không dễ đạt được mục tiêu do nhiều sự hạn chế ở trong và ngoài nước. Quan hệ Trung - Mỹ sẽ khó hàn gắn sau khi ông Trump quay trở lại. Tuy nhiên, khó có khả năng hai nước sẽ xảy ra xung đột quá mức, bởi vì khi đối mặt với một đối thủ mạnh, việc hành động thận trọng là điều bình thường. Kịch bản tốt nhất cho Trung Quốc và Mỹ là sau khi hai bên áp dụng thuế quan hạn chế và các biện pháp thương mại trừng phạt lẫn nhau, sẽ ngồi vào bàn đàm phán và đạt được thỏa thuận nhằm ổn định mối quan hệ giữa hai bên. Kịch bản xấu nhất là thuế quan do Mỹ và Trung Quốc áp đặt sẽ gây ra cuộc chiến thương mại rộng hơn, khiến các nước khác áp đặt thuế quan trả đũa và làm gián đoạn hệ thống thương mại toàn cầu.

Theo một phân tích khác, Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh nhau về kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự; và không bên nào có lợi thế rõ ràng. Vì thế, kịch bản tốt nhất là cạnh tranh có kiểm soát, trong đó cả 2 bên đều không hài lòng với bên kia nhưng đều cùng phát triển. Còn kịch bản xấu nhất, tất nhiên, sẽ là khi cạnh tranh biến thành xung đột. Mỹ luôn tự tin vào sức mạnh kinh tế và quân sự của mình, nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng một cuộc xung đột toàn diện ở sân trước của Trung Quốc là vấn đề lớn đối với nước này, và ngược lại.

Nga và Ukraine

Trên chiến trường, Nga và Ukraine gần đây tăng cường liên tục tấn công đa điểm, bên ngoài cho rằng có vẻ như hai nước đang tích lũy quân bài chấm dứt chiến tranh để có được thuận lợi trên bàn đàm phán.

Những người lính Ukraine trên chiến trường.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh trong một ngày nhưng chưa bao giờ nói rõ sẽ thực hiện bằng cách nào. Các chuyên gia và học giả cho rằng cả Nga và Ukraine đều muốn chấm dứt cuộc chiến tiêu hao này và hai bên nên tranh thủ đàm phán. Tuy nhiên, luật rừng sẽ là kẻ mạnh nuốt kẻ yếu và bên yếu sẽ phải hy sinh lợi ích.

Theo James Dorsey, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyan, cho biết xu hướng của cuộc chiến Nga - Ukraine nay mai phụ thuộc phần lớn vào chính sách của ông Trump đối với Ukraine. So với ông Biden, ông Trump đã tuyên bố sẽ giảm viện trợ quân sự cho Ukraine và là nhân vật chủ chốt trong việc liệu cuộc chiến này có thể kết thúc hay không. Ông Trum nói rằng ông muốn kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ phải làm gì nên tất cả vẫn còn mơ hồ. Cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo dài gần 3 năm và đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao sinh lực mà chưa bên nào tỏ ra có thể áp đảo hoàn toàn được bên nào.

Cũng theo James Dorsey, cả Nga và Ukraine đều không đạt được mục tiêu quân sự của mình. Điều này có nghĩa là cuối cùng cả hai bên phải giải quyết cuộc chiến thông qua đàm phán và tìm kiếm giải pháp chính trị. Điều quan trọng là cơ sở của các cuộc đàm phán là gì? Nếu là cuộc đọ sức thuần túy, Nga và Ukraine sẽ phải tự phân thua với nhau. Trong trường hợp đó, bên yếu hơn sẽ buộc phải hy sinh lợi ích.

“Thùng thuốc súng” Trung Đông

Từ cuộc xung đột Israel - Hamas đến xung đột Israel - Lebanon, cuộc đọ sức của Iran với Israel thông qua các lực lượng ủy nhiệm như Hamas, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, cũng như sự hỗn loạn ở Syria, đang làm nổi bật sự mong manh của an ninh Trung Đông. Lực lượng đối lập Syria dễ dàng lật đổ Tổng thống Assad trong vòng 2 tuần là biến số lớn nhất ở Trung Đông vào cuối năm 2024, tạo thêm biến số mới cho tình hình khu vực vốn đã rất hỗn loạn.

Israel và lực lượng Hezbollah đã đạt được thỏa thuận hòa bình mong manh trên danh nghĩa.

Israel và lực lượng Hezbollah đã đạt được thỏa thuận hòa bình mong manh trên danh nghĩa.

Thực tế, xung đột ở Trung Đông phức tạp hơn cuộc chiến Nga - Ukraine và có nhiều yếu tố khó dự đoán. Dù là xung đột Israel - Hamas hay Israel - Hezbollah, việc tìm cách chấm dứt chiến tranh là điều rất khó khăn. Ví dụ như ở Gaza, ngay cả khi có một ngày hai bên đều sẵn sàng dừng giao tranh, thì ai cai trị Dải Gaza sau đó sẽ là một vấn đề hao tâm tổn trí khác, và chỉ một sơ suất nhỏ thôi là lại có thể dẫn đến xung đột mới bất cứ lúc nào, khiến mọi nỗ lực trước đó đổ xuống sông xuống biển cả.

Thỏa thuận ngừng bắn tháng 11 giữa Israel và Hezbollah cho đến nay chỉ tồn tại trên danh nghĩa, cả 2 bên đều có những việc vi phạm lệnh ngừng bắn và việc lệnh ngừng bắn này có thể được duy trì hay thậm chí gia hạn hay, không phụ thuộc phần lớn vào khả năng của Lực lượng vũ trang Lebanon.

Lực lượng vũ trang Lebanon cùng với Lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL) đóng quân ở miền Nam Lebannon đã giám sát khu vực này. Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Israel đã tiếp cận sông Litani quan trọng ở miền Nam Lebanon. Sông Litani nằm cách biên giới Israel khoảng 30km về phía Bắc. Theo các nhà quan sát, sự xuất hiện của quân đội Israel ở đó mang tính biểu tượng vì cho thấy ý định của Israel trong việc kiểm soát vùng đệm an ninh mới giữa Syria và Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.

Cuộc đối đầu Israel - Iran

Những cảnh báo gần đây của ông Trump về việc muốn trừng phạt nghiêm khắc đối với Hamas đã gây thêm áp lực cho Hamas trong chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, Israel đang chiếm thế thượng phong về mặt quân sự sẽ dùng vũ lực để đuổi người Palestine ra khỏi Dải Gaza, hoặc dám sáp nhập Bờ Tây, có thể gây thêm bạo lực và khiến tình hình trở nên khó giải quyết hơn.

Các cuộc đàm phán Israel - Hamas đã bị đình chỉ vào tháng 11 và gần đây được nối lại. Các nhà đàm phán mới đây cho rằng Israel và Hamas có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vài ngày tới. Nếu Israel và Hamas chấp nhận lệnh ngừng bắn, điều tiếp theo đáng được quan tâm hơn sẽ là sự tương tác giữa Israel và Iran. Một trong những lý do được Thủ tướng Israel Netanyahu đưa ra khi tuyên bố ngừng bắn với Hezbollah là để Israel có thời gian “đối phó toàn lực” với Iran.

Việc Israel tới đây sẽ tiếp tục tấn công các thiết bị hạt nhân và cơ sở quân sự của Iran là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng đây sẽ là giới hạn tối đa mà Israel có thể gây hại cho Iran. Suy cho cùng, Israel và Iran cách nhau hàng ngàn dặm và Israel khó có thể chấp nhận rủi ro lớn khi đưa quân đến biên giới Iran để phát động một cuộc chiến tổng lực trên bộ. Israel và Iran đã bắn tên lửa trực tiếp vào lãnh thổ của nhau hai lần trong năm 2004, và có thông tin cho rằng họ lại đang chuẩn bị các cuộc tấn công tiếp theo.

Theo các nhà phân tích, chiến lược của Iran là chuyển bất kỳ cuộc giao tranh nào ra ngoài lãnh thổ Iran, nhưng hiện Israel và Iran đang trực tiếp tấn công lẫn nhau, điều này đã phá vỡ các tính toán chiến lược của Iran. Ngoài ra, các tổ chức ủy nhiệm của Iran, trong đó có Hamas và Hezbollah, đã bị tổn hại nặng nề, sự sụp đổ của Assad ở Syria đồng nghĩa với sự sụp đổ của “Trục kháng chiến”. Điều này dường như đang có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ phải chú ý để không đẩy Iran vào thế tuyệt vọng, bởi mọi chuyện sẽ có thể dễ dàng chuyển sang cực đoan, sẽ mang đến nguy hiểm dưới hình thức khác. Iran là nước sở hữu hạt nhân.

Sự sụp đổ của Assad ở Syria, người từng được Iran, Nga và Hezbollah hỗ trợ trước đây, là đòn giáng nặng nề nhất đối với Iran đang bị suy yếu. Nhiều nhà phân tích đều dự đoán rằng những thay đổi ở Syria sẽ làm thay đổi địa chính trị của toàn bộ Trung Đông. Assad bị lật đổ, các thế lực mới đã nắm quyền kiểm soát Syria và quyền lực của Iran ở Trung Đông bị suy yếu, điều này sẽ ảnh hưởng đến bố cục chiến lược tổng thể của Iran ở Trung Đông. Và Iran sẽ còn phải hứng chịu những tác động chắc chắn không tốt đẹp trong nay mai, khi ông Trump lần nữa tiến vào Nhà Trắng.

Mặc dù Nga quá bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine nên không giúp gì được cho sự tồn tại của ông Assad như khi phong trào dân chủ “Mùa xuân Arab” nổ ra, nhưng rõ ràng về chiến lược, sự sụp đổ của ông Assad ảnh hưởng lớn đến Nga vì các căn cứ hải quân và không quân của Moscow ở Syria rất quan trọng để Nga thể hiện sức mạnh trong khu vực và tái lập ảnh hưởng thời Chiến tranh Lạnh. Một khi mất đi những căn cứ này, Moscow sẽ mất đi thành trì để triển khai sức mạnh trong khu vực và xa hơn nữa.

Hiện tại, lực lượng đối lập đang nhanh chóng củng cố, thành lập chính phủ lâm thời và đang đàm phán với chính phủ nước ngoài để chuẩn bị thành lập một Syria hoàn toàn mới. Đất nước Syria sẽ phải đối mặt với 2 ẩn số lớn: Một là, liệu ê-kíp lãnh đạo mới có thể giữ lời hứa về tính toàn diện và đảm bảo sự chung sống hòa bình của tất cả các bên hay không, hai là liệu Syria có phải đối mặt với số phận như Ai Cập, Libya, Yemen và Tunisia đã đi chệch hướng sau Mùa xuân Arab hay không.

Ngọc Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhin-lai-the-gioi-nam-2024-i755102/