Nước Đức trước bài toán khó nhập cư
Nhiều năm qua, Đức được xem là một trong những quốc gia thân thiện nhất đối với người nhập cư, nhưng vấn đề nhập cư đang trở thành chủ đề chính trong các cuộc tranh luận về chính trị và kinh tế tại Đức hiện nay.
Mười năm trước, dân số thị trấn Suhl, bang Thuringia (Đức) già đi, dân số giảm nhanh chóng và hầu như toàn bộ là người da trắng. Ngày nay, dân số đã ổn định, trẻ hơn và bao gồm dân nhập cư từ 92 quốc gia.
Một số cư dân lâu năm hoan nghênh sự thay đổi này, nhưng đối với nhiều người khác, việc này diễn ra quá nhanh. Sự lớn mạnh của các quan điểm chống nhập cư cũng đang đe dọa sự thay đổi trên.
Vào tháng 5-2024, Thị trưởng của Suhl là ông André Knapp theo xu hướng bảo thủ đã tái đắc cử với hơn 82% số phiếu, sau một chiến dịch vận động chỉ trích người nhập cư. Vào tháng 9-2024, đảng cực hữu AfD ủng hộ trục xuất hàng loạt người nhập cư đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang tại Thuringia, theo tờ The Wall Street Journal.
"Tất nhiên chúng ta cần người nhập cư, chúng ta cần lao động nước ngoài, nhưng chúng ta không thể để thị trấn của mình bị quá tải hoàn toàn" – ông Knapp nói.
Lượng người nhập cư lớn
Đức từ lâu đã là một trong những quốc gia chào đón nhiều người nhập cư nhất thế giới. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, từ năm 2013 đến năm 2023, số người nhập cư vào Đức nhiều hơn số người rời khỏi Đức là 6,43 triệu người. Theo Liên Hợp Quốc, Đức là quốc gia chứng kiến dòng người nhập cư đổ vào nhiều nhất, chỉ sau Mỹ.
Một số người mới đến Đức là công nhân từ các quốc gia khác hoặc sinh viên đến du học. Đức cũng là điểm đến phổ biến nhất ở Liên minh Châu Âu (EU) đối với người tị nạn, chiếm 1/3 đơn xin tị nạn trong khối. Kể từ cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015, khi hàng trăm ngàn người đổ xô vào châu Âu, Đức đã tiếp nhận 2,4 triệu người xin tị nạn, gấp đôi dân số TP Munich.
Theo Liên Hợp Quốc, người nhập cư chiếm 18,8% dân số ở Đức vào năm 2021.
Tại Đức, 42% người dưới 15 tuổi sinh ra ở nước ngoài hoặc có ít nhất có cha hoặc mẹ sinh ra ở nước ngoài. Trong khi đó, tỉ lệ này ở những người từ 15 đến 24 tuổi là 37%.
Tại Mỹ, những người xin tị nạn thường không nhận được viện trợ liên bang, nhưng họ được phép làm việc sau khi nộp đơn xin tị nạn. Trái lại, ở Đức, họ thường không được phép làm việc cho đến khi chính thức được coi là người tị nạn. Quá trình này có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, họ có quyền được hưởng các phúc lợi trị giá lên tới hàng trăm hoặc hàng ngàn euro/tháng.
Thách thức đa chiều
Đức là quốc gia không có lịch sử nhập cư hàng loạt và có ít kinh nghiệm trong việc hòa nhập những người nhập cư từ các nền văn hóa khác. Hiện, Đức trở thành một nghiên cứu điển hình về những thách thức có thể phát sinh khi tình trạng nhập cư vượt quá khả năng điều chỉnh của xã hội.
Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng nền kinh tế Đức – vốn gặp nhiều thách thức kể từ năm 2019 – rất cần những người nhập cư. Đức là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu ghi nhận tỉ lệ sinh giảm mạnh vào những năm 1970. Giờ đây, gánh nặng tài chính từ chi phí lương hưu và bảo hiểm y tế của những người nghỉ hưu cũng là một trong những thách thức đối với chính giới Đức.
Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp ở Đức đã tăng lên, nhưng nhiều ngành, từ kỹ thuật, y tế đến dịch vụ khách sạn vẫn đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Một nghiên cứu vào năm 2024 của tổ chức nghiên cứu Bertelsmann Foundation phát hiện ra rằng Đức sẽ cần lượng nhập cư ròng từ 288.000 đến 368.000 người/năm từ nay đến năm 2040 để duy trì quy mô lực lượng lao động của mình.
"Đức nói chung và miền đông nước Đức nói riêng đang trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Cứ 2 cư dân Thuringia nghỉ hưu ngày hôm nay thì chỉ có 1 người bước vào thị trường lao động. Chúng ta không thể chỉ dựa vào đổi mới công nghệ để duy trì tăng trưởng. Chúng ta cần đưa người từ bên ngoài vào" – ông Niklas Wassmann, một thành viên trung hữu của cơ quan lập pháp tiểu bang Thuringia, cho biết.
Tuy nhiên, Đức vẫn chưa thành công trong việc đưa người mới vào thị trường lao động. Tỉ lệ thất nghiệp của những người không phải công dân Đức vào năm 2023 là 14,7%, cao hơn so với tỉ lệ 5% của công dân Đức.
Các cuộc thăm dò cho thấy nhập cư là vấn đề hàng đầu đối với cử tri trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2. Mối lo ngại này có thể trở nên cấp bách hơn sau khi một người tị nạn Saudi Arabia (50 tuổi) bị bắt vì nghi ngờ đâm xe vào một khu chợ Giáng sinh vào ngày 20-12-2024, khiến 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Nhập cư cũng là một trong những vấn đề chia rẽ liên minh cầm quyền tại Đức, dẫn đến sự sụp đổ của liên minh này vào tháng 11-2024. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng CDU trung hữu là đảng có nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 2 tới và đảng AfD đứng thứ hai.
"Nhập cư đang tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang bị quá tải. Chúng ta không theo kịp" – ông Thorsten Frei, nhà lập pháp cấp cao của CDU, cho biết.
Vấn đề nhập cư ở các nước phương Tây
Nhiều quốc gia phương Tây đang xem xét lại chính sách nhập cư của họ, ngay cả khi đang đối mặt với những tác động của tỉ lệ sinh thấp và dân số già hóa. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã sử dụng các chính sách hạn chế người nhập cư, bao gồm trục xuất hàng loạt, là trọng tâm trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua của ông.
Các quốc gia như Canada, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan đã thắt chặt kiểm soát người nhập cư, viện dẫn lý do về chi phí, áp lực của người dân và an ninh. Tại Áo, đảng Tự do chống nhập cư đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10-2024. Cùng tháng đó, Ba Lan tuyên bố sẽ cấm người xin tị nạn nhập cảnh và thắt chặt chính sách thị thực.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nuoc-duc-truoc-bai-toan-kho-nhap-cu-post827936.html