Nhìn lại văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng
Sáng 25/4, tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc 'Văn học, nghệ thuật với đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng'.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương…
Chủ trì hội thảo gồm: ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương; ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng; TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, trong thời gian vừa qua Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, các cuộc khảo cứu thực tiễn và mở các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng kiến thức, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông và cơ sở đào tạo cấp đại học, viện nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ trong cả nước.
"Dù đã gần 50 năm chúng ta được sống trong không khí hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển nhưng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội say mê khám phá, sáng tạo.
Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật ra mắt công chúng trong những năm qua, chất lượng, sức lan tỏa các giải thưởng văn học, nghệ thuật cho thấy đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng.
Dù không còn giữ vị trí chủ lưu như trong giai đoạn văn nghệ 1945 - 1975 nhưng dòng văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy quan trọng hàng đầu, có sức định hướng và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn nghệ nước nhà.
Dòng văn nghệ đó luôn nhận được sự quan tâm của các thế hệ văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu lý luận - phê bình và đông đảo công chúng trên cả nước" – PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho hay.
Tổ chức Hội thảo khoa học tầm vóc quốc gia, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó, tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà, phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Luân Kim cho rằng, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt là qua các cuộc kháng chiến giữ nước trường kỳ, văn nghệ sĩ nước ta như những chiến sĩ thực thụ trên tiền tuyến, luôn bám sát tình hình và kịp thời phản ảnh, tường thuật các chiến công trên khắp các mặt trận. Nhờ đó, đã có rất nhiều tác phẩm VHNT trên các lĩnh vực như: văn học, phim truyện, âm nhạc, nhiếp ảnh. Tuy nhiên, hiện trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, phổ biến tác phẩm VHNT, mặc dù điều kiện đã được mở rộng, song vẫn tồn tại những hạn chế, kìm hãm bước tiến xa và nhanh đối với hoạt động VHNT đề tài quân đội và chiến tranh giải phóng.
“Trước đây, trong giai đoạn chiến tranh, từng xuất hiện những tác phẩm VHNT về quân đội và chiến tranh cách mạng sâu sắc, thuyết phục, động viên người người quyết chí xông lên. Song hiện nay, khi quân đội vẫn đêm ngày rèn luyện tiến lên chính quy hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, lại có quá ít tác phẩm về đề tài quan trọng này, đặc biệt lại hiếm tác phẩm giá trị cao. Thậm chí, có tác phẩm bị hạ thấp tính khách quan khoa học; khiến tác dụng cổ vũ, tuyên truyền vốn sẵn có ở đề tài này, bị phân tán, hạ thấp”, PGS.TS Trần Luân Kim bày tỏ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết trong mỗi giai đoạn của lịch sử, từng thế hệ văn nghệ sĩ sẽ có sứ mệnh và nhiệm vụ của riêng mình.
"Tôi mong rằng, các văn nghệ sĩ hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân, nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, nhà nước và nhân dân.
Đặc biệt, các văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân phải “lĩnh ấn tiên phong", là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền văn học Việt Nam trên con đường đổi mới và phát triển.
Các văn nghệ sĩ hôm nay phải cống hiến hết mình để vun đắp các giá trị cao đẹp, chúng ta nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà" – ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, để phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cần tập trung vào một số vấn đề như cần quán triệt sâu sắc vai trò quan trọng của văn hóa nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, cần phát huy hiệu quả của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng tinh thần, bản lĩnh, nhân cách người chiến sĩ quân đội nhân dân, người chiến sĩ công an nhân dân. Bằng hoạt động văn học nghệ thuật, cần phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cuối cùng là cần có những chính sách khuyến khích, đầu tư đúng mức cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Hội thảo đã nhận được 126 bản tham luận, các tham luận cùng tập trung vào các mục tiêu: Đánh giá thực trạng của VHNT trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; Phân tích, đánh giá thực trạng VHNT tham gia phản ảnh tầm vóc, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và những năm sau; Phân tích, đánh giá thực trạng, vai trò của VHNT cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến; Đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ cách mạng...
Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở, luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư; Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.