Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thành tựu của văn học chống Mỹ là ghi lại được lịch sử dân tộc Việt ở một giai đoạn đặc biệt, khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn ở phương diện bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, công lý và chính nghĩa. Cũng bởi những lý do trên, Hội thảo 'Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước' đã được chuẩn bị tiến hành và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo của nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà báo kỳ cựu.

Sáng ngày 09/04, tại Thư viện Quân đội (địa chỉ 83 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra khai mạc Hội thảo khoa học “Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”.

Sự kiện có sự tham gia của nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ, với những tham luận sâu sắc về văn học trải dài từ kháng chiến đến thời bình của dân tộc.

Trưng bày các tác phẩm tiêu biểu viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ

Trưng bày các tác phẩm tiêu biểu viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ

Tính chất tiên phong, sức mạnh chính nghĩa, biểu hiện tầm văn hóa nhân loại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi vào lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã ví cuộc kháng chiến đó như ngọn lửa “Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”. Ngọn lửa ấy sẽ sáng mãi không chỉ soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên đài vinh quang sánh vai với cường quốc năm châu, mà còn soi đường cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng dậy đánh đuổi thực dân, đế quốc, tháo ách nô lệ, phụ thuộc, giành lấy quyền độc lập, tự do.

Là một “binh chủng” đặc biệt, văn học đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế một anh hùng. Văn học góp phần khích lệ, cổ vũ cả nước ta đoàn kết thành một khối “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).

Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lí tưởng cách mạng, với Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Hòn Đất của Anh Đức, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật...

Đại tá Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu khai mạc hội thảo

Đại tá Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu khai mạc hội thảo

Là một trong những nền văn học tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc, văn học thời kì kháng chiến chống Mỹ đã phản ánh sinh động mâu thuẫn cơ bản của thời đại là xung đột giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Với đặc điểm bao trùm là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, văn học trong kháng chiến chống Mỹ đã thi vị hóa hình tượng con đường lịch sử mà dân tộc đã lựa chọn, đó là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” với “Những buổi vui sao, cả nước lên đường”. Và mặt trái của chiến tranh, với những đau thương, mất mát, bi kịch một thời né tránh, sẽ được bổ khuyết trong những tác phẩm hậu chiến sau này.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, diễn ra trong suốt 20 năm, là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong những cuộc chiến có số thương vong lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Sự dai dẳng và khốc liệt của cuộc chiến này càng dễ nhận khi chúng ta đặt nó bên cạnh những đại chiến của thế kỷ XX, như Thế chiến I (1914 - 1918), Thế chiến II (1939 - 1945) trong đó có cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài 4 năm của nhân dân Xô-Viết. Như một quy luật tất yếu, cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đòi hỏi không ngừng được văn học nghệ thuật khai thác, đòi hỏi phải có những tác phẩm xứng tầm.

Con người yêu nước là con người không được quên đi quá khứ của dân tộc mình. Một quá khứ đau thương nhưng cao cả, hào hùng phải luôn được làm sống lại trong mỗi con tim người Việt hôm nay và mai sau.

Đóng vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, ở bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, văn hóa cũng là nguồn lực của sự phát triển. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những giá trị và bài học của nó, được phản ánh và lưu giữ trong văn học nghệ thuật, đã trở thành tài sản vô giá, là sức mạnh nội sinh, là điểm tựa để hôm nay con cháu Lạc Hồng đưa đất nước vươn mình cất cánh bay vào kỉ nguyên mới.

Đại tá Phùng Văn Khai - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu tại hội thảo

Đại tá Phùng Văn Khai - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu tại hội thảo

Thành tựu của văn học chống Mỹ là ghi lại được lịch sử dân tộc Việt ở một giai đoạn đặc biệt, khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn ở phương diện bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, công lý và chính nghĩa. Cũng bởi những lý do trên, hội thảo đã được chuẩn bị tiến hành và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo của nhiều nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà báo kì cựu.

Phát biểu tại buổi khai mạc, hhà báo Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ: “Mổ xẻ một chủ đề văn học về đề tài chiến tranh không có nghĩa dừng lại ở phạm vi phân tích những câu chuyện cụ thể hay phân tích sự chuyển động của thể loại, mà từ những hiện thực được trưng cất qua văn học, chúng ta có cơ hội để nhìn thấy tình thế của dân tộc và cách ứng xử của người Việt trong thời điểm cam go, ác liệt nhất. Như thế chúng ta mới thấy khát vọng của người Việt với thống nhất và hòa bình ra sao, từ đó mới hiểu được giá trị của ngày hôm nay. Đó cũng là ý nghĩa sâu xa nhất của hội thảo hôm nay.”

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa - Phó Tổng Biên tập Tạ chí Văn nghệ Quân đội phát biểu tại hội thảo

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa - Phó Tổng Biên tập Tạ chí Văn nghệ Quân đội phát biểu tại hội thảo

Ra đời trong hoàn cảnh đạn bom, lấy tuyên truyền, cổ vũ làm mục đích chính nên không tránh khỏi tính sơ lược, công thức, minh họa, một chiều. Khoảng trống ấy dần được lấp đầy, hạn chế ấy dần được khắc phục ở những tác phẩm ra đời sau năm 1975.

Nội dung hội thảo tập trung vào 3 cụm chủ đề: Khẳng định thành tựu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay trong lòng cuộc chiến. Đó là giai đoạn văn học được viết theo khuynh hướng sử thi, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Ghi nhận những cách tân, tìm tòi, sáng tạo của mảng văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ từ ngày thống nhất đất nước đến nay; tổng kết những bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, gợi ý cho văn học tiếp tục viết về chiến tranh trong thời gian tới. Đánh giá, khẳng định những tác giả, tác phẩm nổi bật, tiêu biểu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong cả hai giai đoạn trước và sau 1975. Đồng thời, mở ra đa dạng những ý kiến về hướng viết, hướng nghiên cứu; đa chiều những tranh luận phù hợp với đường lối văn hóa của Đảng và xu hướng đối thoại của thế giới hôm nay.

Hội thảo khoa học lần này do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Thư viện Quân đội phối hợp tổ chức. Hơn 50 bài tham luận chất lượng cao được nghiên cứu công phu đã được gửi đến ban tổ chức. Điều này cho thấy văn học về đề tài kháng chiến chống Mỹ vấn tiếp tục tạo được sự thu hút, quan tâm rất lớn, thậm chí còn được đào sâu và phát hiện, đưa ra kiến giải mới thông qua nghiên cứu với tinh thần khoa học, khách quan và nhân văn.

Ngọc Diệp

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-noi-khai-mac-hoi-thao-khoa-hoc-nhin-lai-van-hoc-viet-ve-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-sau-50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-3041975-3042025-a28253.html