Nhìn lại vụ án vi phạm đấu thầu tại Bắc Ninh trước ngày tòa tuyên án
Trong các ngày 29 và 30-10, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử cựu Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng các đồng phạm trong vụ án Vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Ban quản lý dự án công trình Xây dựng y tế Bắc Ninh và các đơn vị liên quan.
Vi phạm thầu vì thỏa thuận xin vốn
Chiều 30-10, sau khi nghe các bị cáo nói lời sau cùng, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Bắc Ninh, do Thẩm phán Vũ Công Đồng làm chủ tọa quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào 14h 30 ngày mai (1-11).
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2006-2008, UBND tỉnh Bắc Ninh ký các quyết định phê duyệt đầu tư cho 6 dự án xây dựng bệnh viện đa khoa các huyện Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong. Đến đầu năm 2013, 6 bệnh viện cơ bản thực hiện xong việc đầu tư hạng mục xây dựng nhưng phần mua sắm thiết bị chưa được bố trí nguồn vốn.
Trong năm 2013, có 2 nhóm doanh nghiệp gồm nhóm AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm Sông Hồng của Đặng Tiên Phong (đã chết), Lã Tuấn Hưng liên hệ với Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban QLDA công trình Xây dựng Y tế Bắc Ninh) đề nghị giúp tin xin vốn, đổi lại được thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.
Bị cáo Tuynh báo cáo các lãnh đạo tỉnh lúc đó gồm cựu Chủ tịch UBND (sau này là Bí thư Tỉnh ủy) Nguyễn Nhân Chiến, cựu phó Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh, cưu Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hạnh Chung và được đồng ý, thống nhất. Tuynh đề xuất chia cho Công ty AIC 3 gói thầu, Tổng công ty Sông Hồng được 3 gói thầu.
Khi đấu thầu, các bị cáo đã có hành vi thông đồng, thỏa thuận, bố trí công ty “quân xanh” dự thầu để tạo điều kiện cho các công ty mục tiêu trúng các gói thầu. Kết quả nhóm Tổng công ty Sông Hồng trúng thầu 3 gói thầu, nhóm Công ty AIC trúng thầu 3 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 48 tỷ đồng.
Được tạo điều kiện trúng thầu như đã đặt vấn đề trước đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đại diện nhóm AIC) đã đưa hối lộ cho dàn lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Nhóm Công ty Sông Hồng cũng đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Bắc Ninh thông qua Trần Văn Tuynh.
Đồng phạm mang tính giản đơn
Diễn biến phiên tòa cho thấy, các bị cáo đều thừa nhận hành vi bị truy tố. Các bị cáo Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Hạnh Chung và Nguyễn Tiến Nhường (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh) đều khai có nhận tiền biếu xén. Có lần, khi đưa tiền, bị cáo Tuynh nói đây là tiền phần trăm Công ty Sông Hồng biếu. Nghe vậy, bị cáo Chiến không nhận, bảo cấp dưới mang về “cho anh dùng”.
Sau đó, Tuynh, Nhàn đưa tiền đều lấy lý do lễ, Tết, rồi quà sinh nhật, chúc mừng lên chức, về hưu. Theo lời khai cựu Bí thư tỉnh Bắc Ninh, “bản thân chưa bao giờ thỏa thuận, yêu cầu doanh nghiệp biếu tiền”.
Nêu quan điểm luận tội, Đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, quá trình xét xử cho thấy cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan tổ chức Nhà nước; xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty, doanh nghiệp khác tham gia đấu thầu, mà trọng tâm ở đây là xâm phạm đến chính sách quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Vì thế việc xử lý đối với các bị cáo với hình phạt nghiêm, tương xứng với tính chất hành vi phạm tội là cần thiết nhằm bảo đảm giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, VKS cũng thấy rằng trên cơ sở vai trò của các bị cáo, hậu quả của vụ án, ý chí chủ quan của từng bị cáo cho thấy, các bị cáo không có phân công, phân nhiệm chặt chẽ. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đồng phạm mang tính giản đơn.
Các bị cáo là lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi thực hiện hành vi phạm tội cũng mong muốn có nguồn tiền để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế cho 6 bệnh viện tuyến huyện nhằm khám chữa bệnh cho nhân dân. Do đó, cần xem xét, đánh giá điều kiện, hoàn cảnh phạm tội đối với các bị cáo.
Khi nói lời sau cùng, các bị cáo đều xin tòa xem xét nguyên nhân do dự án thiếu vốn để mua sắm trang thiết bị, bệnh viện xây xong để không nên mới đồng ý để doanh nghiệp làm. Ngoài ra, các bị cáo còn trình bày các tình tiết giảm nhẹ như thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác, được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân viết đơn xin giảm nhẹ…
Tham gia phiên tòa, hầu hết luật sư bào chữa đều bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm truy tố của VKS. Các luật chỉ tập trung đi sâu phân tích về nguyên nhân, bối cảnh, hoàn cảnh; động cơ phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo. Từ đó, hầu hết luật sư đều nghị nghị HĐXX áp dụng mức án thấp hơn mức đề nghị của VKS.
Mức án VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo:
1. Nguyễn Thị Thanh Nhàn: 12 – 13 năm tù tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp với bản án khác, bị cáo Nhàn phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.
2. Nguyễn Nhân Chiến: 4 – 5 năm tù tội “Nhận hối lộ
3. Nguyễn Tử Quỳnh: 3 – 3 năm 6 tháng tù tội “Nhận hối lộ”
4. Trần Văn Tuynh: 3 năm 6 tháng – 4 năm tù tội “Nhận hối lộ”
5. Nguyễn Hạnh Chung: 2 – 2 năm 6 tháng tù tội “Nhận hối lộ”
6. Nguyễn Tiến Nhường: 2 – 2 năm 6 tháng tù tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
7. Nguyễn Hồng Sơn: 10 – 11 năm tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với bản án khác buộc bị cáo phải chấp hành là 17 – 18 năm tù
8. Lã Tuấn Hưng: 2 – 2 năm 6 tháng tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”
9. Nguyễn Đằng An: 2 năm – 2 năm 6 tháng tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”
10. Nguyễn Kim Huân: 18 – 24 tháng tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”
11. Đặng Xuân Minh: 24 – 30 tháng tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”
12. Nguyễn Viết Toản: 24 – 30 tháng tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”
13. Nguyễn Đăng Linh: 18 – 24 tháng tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”