Nhìn lại ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Thượng Lào sau 7 thập niên
Hội thảo 'Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm' sẽ diễn ra vào ngày 13/4 tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Sáng ngày 5/4, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào (1953-2023) với chủ đề “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Tham dự họp báo có Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Bộ Tổng Tham mưu; đồng chí Nguyễn Tiến Việt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La; đại diện một số đơn vị Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu tại họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Bộ Tổng Tham mưu cho biết, Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 13/4 tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Hội thảo có sự tham dự của 450 đại biểu gồm đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và một số địa phương; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Đại sứ, Tùy viên Quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; đại biểu lãnh đạo và chỉ huy trưởng quân sự hai tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn; đại diện, cán bộ, học viên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đang học tập tại tỉnh Sơn Là, các nhà khoa học, một số nhân chứng và phóng viên thông tấn, báo chí.
Bên lề sự kiện, Ban chỉ đạo Hội thảo cũng sẽ thăm, tặng quà một số gia đình chính sách và tổ chức dâng hương và viếng nghĩa trang liệt sỹ.
Nhấn mạnh mục đích và ý nghĩa Hội thảo, Đại tá Nguyễn Văn Sáu cho biết, Hội thảo góp phần khẳng định và làm sáng tỏ tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tư lệnh Bộ Quốc phòng, phối hợp với Chính phủ Kháng chiến Lào.
Hội thảo cũng nhấn mạnh sự chủ động, mưu trí, sáng tạo, tinh thần chiến đấu anh dũng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp Cách mạng Lào; công lao to lớn và sự đóng góp của vùng Tây Bắc, trong đó có quân và dân Sơn La vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung và Chiến dịch nói riêng.
Đặc biệt, Hội thảo cũng sẽ góp phần làm rõ nét đặc sắc về nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi; sự phát triển bền chặt, tất yếu của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 5 bài khung, 71 bài tham luận và 1 ý kiến nhân chứng lịch sử từ các đơn vị Bộ Quốc phòng, đại biểu dân sự và nhân chứng lịch sử.
Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, khoa học, bám sát nội dung, chủ đề Hội thảo.
Đặc biệt, các bài viết đã đánh giá phân tích và làm rõ về chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Bộ Tư lệnh Chiến dịch trong quá trình tổ chức chuẩn bị, thực hành và tác chiến Chiến dịch; tư liệu, sự kiện khai thác với cách nhìn nhận mới, phong phú, tin cậy; phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề có tính khoa học và thuyết phục.
Nhiều tham luận đã cung cấp thêm tư liệu, tài liệu mới, với nhãn quan chính trị và tư duy mới; có sự phân tích sâu, góp phần khẳng định thắng lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trình bày về công tác chuẩn bị cho Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Việt, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La cho biết, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành cùng các cơ quan thông tấn báo chí, tích cực tuyên truyền, sắp xếp tổ chức các hoạt động về Hội thảo.
Đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La mong rằng, cùng với Hội thảo, các đại biểu, phóng viên báo chí tham dự sẽ hiểu hơn về Chiến thắng Thượng Lào, cũng như lịch sử, quá trình phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-con người đa dạng, đặc sắc của địa phương.