Nhìn Mỹ, Nhật Bản 'rào' trước về phản ứng với khinh khí cầu xâm phạm không phận

Tại cuộc họp báo ngày 7/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu khẳng định, Tokyo sẽ có 'phản ứng cần thiết' nếu khinh khí cầu nước ngoài được xác định xâm phạm trái phép không phận quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu. (Nguồn: Nikkei Asia)

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu. (Nguồn: Nikkei Asia)

Ông Hamada cho biết, khinh khí cầu nước ngoài nếu xuất hiện trong không phận của Nhật Bản mà không được phép sẽ bị coi là vi phạm không phận của nước này.

Theo luật pháp quốc tế, các quốc gia có chủ quyền toàn diện đối với vùng trời của mình và có thể áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết.

Từ lâu, quan điểm của chính phủ Nhật Bản là Lực lượng Phòng vệ chịu trách nhiệm tiến hành các biện pháp ứng phó với hành vi xâm phạm lãnh thổ, không phận và có thể sử dụng các biện pháp cần thiết được quy định tại điều 84 của Luật Lực lượng Phòng vệ.

Rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác vì còn phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể, nhưng về nguyên tắc chung, Tokyo sẽ triển khai các biện pháp cần thiết khi xét thấy cần phải bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Đài truyền hình NHK dẫn phát biểu của cựu phi công Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản Araki Junichi cho rằng, có thể giải thích khinh khí cầu chỉ quan sát khí tượng nhưng nếu nó bay vào không phận của một nước khác thì quốc gia đó phải thông báo trước, nếu không vụ việc sẽ cấu thành hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia.

Theo ông Araki, trong trường hợp này, việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc là điều cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.

Vấn đề quan trọng hiện nay là xác định các thiết bị được thu hồi là nhằm mục đích quan sát khí tượng đơn thuần hay có chức năng thu thập sóng vô tuyến, hình ảnh phục vụ mục đích quân sự.

Chiều 4/2, Mỹ đã điều máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ một khinh khí cầu Trung Quốc bằng một quả tên lửa không đối không AIM-9X, cho rằng quả khinh khí cầu này là phương tiện do thám của Bắc Kinh.

Theo Washington, khinh khí cầu này đã tiến vào vùng nhận diện phòng không của Mỹ từ hôm 28/1 và bay sang Canada hôm 30/1, trước khi quay trở lại không phận Mỹ hôm 31/1.

Về phần mình, Trung Quốc cho biết, quả khinh khí cầu trên đúng là của nước này, nhưng là do tư nhân dùng để quan trắc khí tượng chứ không dùng cho mục đích do thám, đồng thời chỉ trích Mỹ đã phản ứng thái quá với tình huống không lường trước được này và nhấn mạnh sẽ có thêm biện pháp xử lý.

(theo NHK, Jiji Press)

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhin-my-nhat-ban-rao-truoc-ve-phan-ung-voi-khinh-khi-cau-xam-pham-khong-phan-215746.html